Đề xuất hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt
Nghị định 24 được ban hành từ 2012 với chủ trương "chống vàng hóa" nền kinh tế và đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho rằng nghị định này cũng bộc lộ hạn chế, như chênh lệch ngày cao giữa giá thế giới và trong nước, nên cần được sửa đổi. Điều này gây yếu tố tâm lý nhất định đến thị trường, đặc biệt mỗi khi giá kim loại quý biến động mạnh.
Một trong các nội dung được đơn vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, là có chính sách hạn chế thanh toán, mua bán vàng miếng bằng tiền mặt. Điều này nhằm phòng rủi ro phát sinh trong kinh doanh của các nhà vàng và chống rửa tiền.
Chi nhánh này cũng đề xuất có cơ chế quản lý phù hợp, tránh độc quyền, lợi ích nhóm với các doanh nghiệp kinh doanh vàng tự niêm yết giá.
Thực tế, có nhiều quan điểm và đề xuất khác nhau để quản lý thị trường kim loại quý, song Ngân hàng Nhà nước TP HCM lưu ý vàng vẫn là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng.
"Việc chỉnh sửa Nghị định 24 vẫn phải đảm bảo mục tiêu chống đôla hóa, vàng hóa nền kinh tế", Ngân hàng Nhà nước TP HCM nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, đơn vị này cho rằng cần quy định trách nhiệm của các bên liên quan đến quản lý thị trường này, và tăng thanh tra, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm.
Cuối 2023, giá trong nước chênh với thế giới tới 20 triệu đồng, buộc cơ quan quản lý phải lên tiếng và đề nghị các bộ vào cuộc thanh tra hoạt động mua bán vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Nguồn cung vàng miếng không tăng thêm trong chục năm qua, song gần đây Ngân hàng Nhà nước nói sẵn sàng tăng cung nếu cần thiết và cân nhắc việc độc quyền vàng miếng SJC. Tuy nhiên, đây là bài toán khó với nhà điều hành trong bối cảnh ưu tiên kiểm soát và ổn định tỷ giá.
Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ nhiều lần yêu cầu cơ quan này có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá chênh quá cao so thế giới. Giải pháp siết quản lý thị trường vàng được yêu cầu báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý I.