|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất bố trí gần 11.000 tỷ đồng để đóng mạch đường Hồ Chí Minh

16:31 | 10/03/2022
Chia sẻ
Để sớm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải đề xuất ưu tiên đầu tư trước hai dự án là Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh, theo Pháp luật TP HCM.

Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh dài 2.744 km, có điểm đầu từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), quy mô tối thiểu hai làn xe, được khởi công xây dựng vào năm 2000. 

Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh, đang triển khai đầu tư 211 km, còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Đề xuất bố trí gần 11.000 tỷ đồng để đóng mạch đường Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Đường Hồ Chí Minh dài 3.183 km. (Ảnh: Invert Việt Nam).

Để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT cho rằng cần thêm khoảng 10.770 tỷ đồng để đầu tư tiếp ba dự án thành phần.

Cụ thể, thứ nhất, đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (Thái Nguyên - Tuyên Quang) dài khoảng 28,5 km với tổng mức đầu tư 1.774 tỷ đồng.

Thứ hai, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (Phú Thọ - Hòa Bình) dài 87,5 km với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng.

Thứ ba, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (Kiên Giang) dài khoảng 55 km với tổng mức đầu tư 3.796 tỷ đồng.

Trong ba dự án trên, Bộ GTVT đề xuất ưu tiên đầu tư trước hai dự án là Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn.

Bộ GTVT thay mặt Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư hai dự án trên.

Đồng thời chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến (dự án Cổ Tiết - Chợ Bến) sang hình thức đầu tư công.

Trước đó, đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến đã được bộ nghiên cứu theo hình thức BOT. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy do nhu cầu vận tải thấp và có các Quốc lộ 32, 21A đi song hành nên phương án tài chính không khả thi. 

Dự án cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tham gia thực hiện lên đến khoảng 52% nhưng thời gian hoàn vốn vẫn kéo dài đến 25 năm. Trong khi đó, theo Luật Đối tác công tư (PPP), vốn góp của Nhà nước không quá 50% tổng mức đầu tư dự án.

Bộ GTVT cho biết giai đoạn 2021-2025 đơn vị tiếp tục bố trí 11.791 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đường Hồ Chí Minh đang thực hiện dở dang và khởi công mới các dự án thành phần đoạn Hòa Liên - Túy Loan (1.902 tỷ đồng), đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (2.785 tỷ đồng). 

Nếu tính cả phần vốn bố trí để thanh toán khoản vay do Chính phủ bảo lãnh của dự án La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT thì tổng số vốn của giai đoạn này đã bố trí là 16.706 tỷ đồng.

Phương Trang