ĐBQH: Pháp luật về chứng khoán và quản lý doanh nghiệp còn nhiều bất cập, sơ hở cho các đối tượng 'lách luật'
Tiếp tục thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 chiều 8/11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, cử tri và Nhân dân quan tâm đến việc xử lý các vụ việc nổi cộm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán đã gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn, đại biểu đánh giá.
Theo báo cáo của Chính phủ, lãnh đạo một số tập đoàn tư nhân đã bị khởi tố liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt tài sản. Đây là các vụ án gây rụng động thị trường chứng khoán thời gian qua. Qua những vụ án này, cơ quan điều tra phát hiện nhiều hành vi, vi phạm.
Chẳng hạn như, việc mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của cổ đông lớn, người có liên quan hay như, thủ đoạn trực tiếp mượn, thuê người mở nhiều tài khoản chứng khoán nhằm liên tục mua bán cổ phiếu giữa các tài khoản với nhau, tạo cung cầu giả, đẩy giá cổ phiếu thu hút nhà đầu tư trên thị trường, sau đó bán cổ phiếu thu lợi bất chính.
Ngoài ra, còn có thủ đoạn làm giả hồ sơ tài liệu tăng vốn khống, trục lợi, tung tin giả mạo trên mạng xã hội, lôi các nhóm tư vấn mua bán cổ phiếu.
Đại biểu Hoa cho rằng, nguyên nhân là do hệ thống pháp luật trên thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp còn nhiều bất cập, sơ hở, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng các quy định của luật như việc nâng khống vốn điều lệ trước khi niêm yết trên thị trường đã được các đối tượng thực hiện dễ dàng, qua mắt cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tội, sự buông lỏng của một số cơ quan quản lý có thẩm quyền trong giai đoạn nhất định.
Điều đáng lưu ý là, có những hành vi như nêu trên đã xảy ra nhiều lần nhưng không bị phát hiện, hoặc từng bị phát hiện nhưng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, tạo nên tâm lý "nhờn" luật.
Đại biểu nhất trí với quan điểm không bỏ ngỏ tội phạm nhưng cũng không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm quy định của pháp luật nhưng cũng tạo điều kiện cho đối tượng khắc phục vi phạm.
Về giải pháp căn cơ, Đại biểu đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp; các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận thì cho rằng, nhiều loại tội phạm vẫn chưa phát hiện kịp thời, tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng, tội phạm gian lận thương mại, buôn lậu diễn ra nhiều nhưng chưa được xử lý tương xứng. Công tác quản lý có lúc, có nơi buông lỏng dẫn đến tội phạm có tổ chức nổi lên.
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ luôn phấn đấu để thực hiện mục tiêu giảm tội phạm. Hàng năm tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra, làm rõ. Công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc về kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án thuộc lĩnh vực có chuyên môn sâu như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, những tác động bên ngoài đến tình hình an ninh trật tự, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là rất lớn. Nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách đòi hỏi cần có sự phối hợp hiệp đồng của các bộ, ngành, các địa phương,...