|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm vi mạch

09:25 | 08/11/2017
Chia sẻ
Từ những thành công ban đầu, chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM vừa được Chính phủ đồng ý nâng cấp thành chương trình quốc gia, giao TP HCM chủ trì chương trình này

Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm vi mạch của TP HCM vẫn có nhiều sản phẩm giá trị ngày càng cao.

Có tính ứng dụng cao

Giữa tháng 6/2017, 21 bộ sản phẩm vi mạch và sản phẩm ứng dụng do ICDREC (Trung tâm Nghiên cứu và Thiết kế vi mạch thuộc ĐHQG TP HCM - đơn vị đầu tiên thiết kế, chế tạo được sản phẩm vi mạch của Việt Nam) thiết kế, sản xuất đã được Viện Đánh giá khoa học - Định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) định giá 290 tỉ đồng.

Dựa trên nguồn đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Chương trình Nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM giai đoạn 2013-2020, đến nay, ICDREC đã thành công trong việc chế tạo, thương mại hóa sản phẩm vi mạch và các sản phẩm ứng dụng như chip vi xử lý 8-bit và 32-bit, các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 8-bit, các lõi IP ngoại vi cho vi xử lý 32-bit, các lõi IP xử lý tín hiệu số và hình ảnh, các lõi IP chip analog và Mix-signal.

day manh thuong mai hoa san pham vi mach
Sinh viên tìm hiểu sản phẩm vi mạch tại ICDREC (Ảnh: ICDREC)

Các vi mạch nêu trên đã được ứng dụng trong điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình, sản phẩm ứng dụng RFID, hệ thống đèn chiếu sáng… ICDREC cho biết doanh số chuyển giao công nghệ từ các sản phẩm vi mạch này hiện là hơn 69 tỉ đồng, doanh số sản xuất rồi cung cấp thiết bị dựa vào công nghệ là 31 tỉ đồng.

Mới đây, ICDREC cũng đã chuyển giao (không độc quyền, trị giá 6 tỉ đồng) 2 sản phẩm công nghệ: thiết bị thu thập dữ liệu điện kế từ xa sử dụng công nghệ GSM, Ethernet và bộ tập trung dữ liệu (DCU - Data Concentrator Unit) cho Công ty CP Công nghệ SENVI. Đây là công ty khởi nghiệp, mua công nghệ này và tiếp tục phát triển để tạo ra các thiết bị truyền thông, cụ thể là modem và DCU, có vai trò quan trọng trong xây dựng lưới điện thông minh (Smart Grid) của ngành điện. Trong đó, modem thu thập dữ liệu sử dụng chip vi mạch SG8V1 (do ICDREC chế tạo) và bộ tập trung dữ liệu DCU sử dụng một phần kết quả nghiên cứu từ đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cấp kinh phí.

Trước đó, ICDREC cũng đã chuyển giao công nghệ cho Công ty CP Phần mềm Hiệu năng cao Việt Nam (VHES) trị giá 3 tỉ đồng. VHES đã phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ lõi được tạo ra từ đề tài do ICDREC nghiên cứu. Dựa trên công nghệ chuyển giao này, VHES tiếp tục phát triển để hình thành và hoàn thiện phần mềm HES (Head End System). Sản phẩm này là một hệ thống phần mềm trung gian, ứng dụng trong quản lý lưới điện thông minh...

Ngoài ICDREC, Trung tâm Nghiên cứu phát triển (R&D) thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), đơn vị được giao quản lý 5 phòng thí nghiệm (vi mạch bán dẫn, công nghệ nano, cơ khí chính xác - tự động hóa, công nghệ sinh học và CNTT), đã nghiên cứu chế tạo và thương mại hóa thành công nhiều sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực như vi mạch, sinh hóa, cơ khí, điện - điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm… Số lượng sản phẩm mới từ hoạt động của R&D, trong đó có sản phẩm vi mạch, cũng tăng lên nhanh chóng - dự kiến đến năm 2020, bình quân có 70-100 sản phẩm/năm được đăng ký sở hữu trí tuệ. Riêng dự án chế tạo linh kiện vi mạch bán dẫn của Công ty Quang Lượng tử Việt Mỹ hợp tác với R&D đã tiến hành đào tạo nâng cao về vận hành trang thiết bị vi mạch cho 25 chuyên viên với chi phí trên 120 tỉ đồng.

Cơ hội phát triển rất lớn

Chính phủ vừa đồng ý nâng cấp chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM thành chương trình quốc gia và TP được giao chủ trì chương trình này. UBND TP HCM mới đây cũng đã phê duyệt "Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP HCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030". Đây có thể xem là động lực lớn để sản phẩm vi mạch của TP HCM có cơ hội phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dù là sản phẩm công nghệ nào thì cũng phụ thuộc thị trường, làm ra sản phẩm nhưng không thương mại hóa được thì coi như thất bại. Vì vậy, cần thúc đẩy, phát triển thị trường để mang lại hiệu quả cao nhất.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, nhìn nhận hiện nay, tỉ lệ giữa đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ - sản xuất cung ứng, ICDREC mới chỉ đạt 46%, trong khi yêu cầu là trên 50%. Trong khi đó, quá trình chuyển giao công nghệ, sản xuất chưa bền vững, các lõi IP được thiết kế ở công nghệ thấp, chưa tạo ra giá trị thương mại cao và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Những lõi IP từ các trung tâm, viện, trường ĐH… chưa được quản lý tập trung.

Do vậy, sắp tới, ICDREC sẽ tập trung đầu tư chuyển đổi một số lõi IP đang có sang công nghệ SOTB (Silicon on Thin BOX - thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến) có giá trị cao hơn. Đây là công nghệ thế giới đang sử dụng nhiều và giải quyết bài toán công suất thấp, hiệu năng cao trong các ứng dụng internet vạn vật (IoT), đồng thời giúp phát triển các thiết bị trong bài toán đô thị thông minh hiện nay. Đã đến lúc ngành thiết kế vi mạch TP HCM hướng tới những công nghệ thiết kế tiềm năng cho lĩnh vực IoT. Những sản phẩm vi mạch và thiết bị dùng vi mạch nên hướng tới nhu cầu đô thị thông minh.

Trong khi đó, việc xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) phụ trách, được xem là dự án cốt lõi của chương trình phát triển vi mạch của TP HCM, hiện có nguy cơ không thực hiện được. Đây là cái khó cho ngành công nghiệp vi mạch TP vì không có nhà máy thì không thể ứng dụng, sản xuất các sản phẩm để đưa ra thị trường, kết nối với các DN khác và thương mại hóa được. Vì vậy, ông Hoàng bày tỏ mong muốn được nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện quy trình sản phẩm vi mạch và ứng dụng nhằm thúc đẩy quá trình kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí để chuyển đổi thiết kế vi mạch sang công nghệ mới SOTB nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Đại diện SHTP khẳng định Chương trình Phát triển vi mạch TP HCM giai đoạn 2017-2020 hướng tới năm 2030 đã lấy khâu thiết kế vi mạch làm trọng tâm. Sắp tới đây, SHTP sẽ xây dựng Design House - nơi tập trung các phần mềm cao cấp dùng cho thiết kế. SHTP cũng đảm nhận xây dựng Lab-to-Fab (phòng thí nghiệm tới nhà xưởng) giúp các nhà thiết kế sản xuất thử hoặc sản xuất số lượng nhỏ các sản phẩm vi mạch.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho biết chủ trương của TP là vẫn tiếp tục hỗ trợ chương trình phát triển công nghiệp vi mạch và sẽ kiện toàn ban chỉ đạo để có những định hướng phát triển mới. Dự kiến trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM sẽ phối hợp để thiết kế lại chương trình vi mạch của TP sao cho phù hợp với điều kiện phát triển thực tế.

Theo ông Dũng, chương trình sẽ không gói gọn ở một vài đơn vị mà có thể huy động nhiều thành phần tham gia như các DN, trường ĐH, viện nghiên cứu… nhằm tạo thành một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch. Trong đó, việc hợp tác quốc tế sẽ được đặc biệt chú trọng.

Trở thành quốc gia thiết kế vi mạch

Với việc thiết kế, chế tạo được những con chip vi mạch đầu tiên, ICDREC đưa Việt Nam vào danh sách những nước có thiết kế vi mạch của thế giới. Những kết quả mà ICDREC đạt được còn góp phần vào việc xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch của TP HCM. TP HCM hiện có khoảng 4.000 kỹ sư trong lĩnh vực vi mạch, một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển công nghiệp vi mạch TP và Việt Nam. Khi đã có được nguồn nhân lực thiết kế vi mạch thì sẽ thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào sản xuất, chế tạo vi mạch tại Việt Nam.

day manh thuong mai hoa san pham vi mach
Vi mạch của ICDREC được sử dụng trong máy đo huyết áp. Ảnh: Chánh Trung

ICDREC và các cơ quan quản lý, DN, trường ĐH, viện nghiên cứu… sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực trong thời gian tới để có đủ nguồn lực thiết kế, chế tạo, thương mại hóa sản phẩm nhiều hơn nữa.

CHÁNH TRUNG

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.