|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đầu tư năng lượng sạch: có cơ hội, vướng cơ chế

21:15 | 16/11/2016
Chia sẻ
Phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và Việt Nam nói chung đang có nhiều cơ hội, nhưng muốn hiện thực hóa được điều này, nhất thiết phải gỡ những “nút thắt” cản trở sự phát triển năng lượng sạch hiện nay.

Cơ hội đã thấy

Trình bày tham luận tại hội thảo “Sáng kiến, ý tưởng và cơ hội tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo” được tổ chức tại Cần Thơ hôm nay 16-11, trong khuôn khổ Chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2016 (diễn ra từ ngày 15 đến 19-11 tại Cần Thơ và Hà Nội), ông Rainer Brohm, chuyên gia năng lượng tái tạo của Cơ quan Hợp tác Đức (GIZ), cho biết qua nghiên cứu tình huống đầu tư vào mái nhà quang điện (PV) thương mại và công nghiệp ở Việt Nam, thì có khoảng 60-70% áp dụng ở quy mô nhỏ như hệ thống năng lượng mặt trời sử dụng cho gia đình hay các hệ thống chiếu sáng công cộng bằng năng lượng mặt trời; 30-40% hệ thống lớn hơn là các trạm điện lưới năng lượng mặt trời của địa phương hay các hệ thống điện lưới ở khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Theo ông Rainer Brohm, một số dự án tiêu biểu được xây dựng và sử dụng cho nhu cầu cá nhân có thể kể ra là hệ thống mái nhà quang điện tại các công ty Avery Dennison 100 kW; Intel Corp 220 kW, X Power 40 kWp; Big C Bình Dương 212 kWp; DBW 165 kWp. "Nhưng, những dự án này là đầu tư tự phát, không có quy tắc nào cả", ông nói.

Trong khi đó, các doanh nghiệp phụ trợ, cung cấp PV ở trong nước cũng chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ hoặc gia công cho Trung Quốc và rất ít đơn vị có chứng nhận hiệu suất năng lượng…

Tuy nhiên, theo ông Rainer Brohm, thời gian gần đây, ở Việt Nam cũng đã hình thành được những trung tâm nghiên cứu năng lượng tái tạo ở các trường đại học và việc nghiên cứu, ứng dụng đã được “khởi động”.

Theo ông, mức bức xạ mặt trời 1.460-2.000 kWh/m2/năm của Việt Nam là mức khá cao so với các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Ý, Thái Lan. “Các nước Bắc Âu, xuất hiện nắng mặt trời như là một điều kỳ diệu và người dân tận dụng cơ hội đó để tắm nắng. Còn ở Việt Nam, các bạn không cần tắm nắng vì nó không tốt cho da, nhưng sẽ rất tốt cho phát triển ngành năng lượng mặt trời, nó vừa tiết kiệm được chí phí và thân thiện với môi trường rất nhiều”, ông cho biết.

Một lý do khác được ông Rainer Brohm nêu ra để khẳng định Việt Nam có cơ hội rất lớn trong phát triển năng lượng sạch, đó là Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 850 MW điện sạch và 12 GW vào năm 2030.

Ngoài ra, theo ông, Luật điện lực mới (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực hiện hành) dự kiến được thông qua vào đầu năm 2017 có nhiều ưu đãi hơn về giá bán điện năng lượng mặt trời vào lưới điện quốc gia (giá FiT- Feed-in Tariffs) so với hiện nay (11 cents/kWh so với hiện nay là 7,8 cents/kWh) cũng như ưu đãi về thuế là những cái quan trọng thúc đẩy đầu tư và giúp các nhà đầu tư có “cảm giác an toàn” khi tham gia đầu tư vào năng lượng điện mặt trời.

Trong khi đó, ông Antoine Vander Elst, cán bộ hợp tác của phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết Chương trình định hướng hỗ trợ đa niên của EU tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020 (MIP) có tổng kinh phí tài trợ là 400 triệu euro, trong đó, riêng kinh phí tài trợ phát triển năng lượng bền vững là 346 triệu euro, chiếm 86% trên tổng viện trợ cho Việt Nam.

Theo ông Antoine Vander Elst, mục tiêu chung của chương trình là đóng góp cho phát triển năng lượng bền vững hơn bằng việc mang lại năng lượng tái tạo, sạch và hiệu quả đến tất cả mọi người.

Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn tại hội thảo, với nguồn kinh phí tài trợ này cùng với Luật điện lực mới cũng như những tiềm năng sẵn có ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là những cơ hội để phát triển năng lượng sạch. “Đây cũng là cách để sản phẩm của doanh nghiệp (sản xuất bằng nguồn điện sạch) có thể bán được nhiều hơn với giá tốt hơn, bởi gần đây có không ít quốc gia, tổ chức thực hiện chính sách ưu tiên mua sản phẩm của đơn vị sản xuất có trách nhiệm xã hội”, ông Rainer Brohm cho biết.

Gỡ “nút thắt” cơ chế

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển ở ĐBSCL là điều đã rõ và được các chuyên gia phân tích rất nhiều. “Nhưng, để phát triển, nhất định phải giải quyết được những rào cản, nút thắt về chính sách”, ông cho biết.

Theo ông Hiệp, có hai vấn đề chính cần phải tháo gỡ.

Thứ nhất, Bộ Công Thương đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển, trong đó, có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo bằng việc áp dụng hỗ trợ các loại thuế, phí bảo vệ môi trường cũng như đã áp dụng mua giá điện cao hơn. Chẳng hạn, nếu bình thường giá bán điện gió chỉ 7,8 cents/kWh, nhưng đối với dự án điện gió Bạc Liêu đã nâng lên mức 9,8 cents/kWh. “Tuy nhiên, những cơ chế hỗ trợ này phần nào còn có tính chất đối phó, chứ chưa phải đồng bộ, nên điều đó cần phải tác động, vận động chính sách để thay đổi và cần sự nỗ lực của nhiều bên liên quan”, ông cho biết.

Thứ hai, đó là cơ chế hòa lưới điện quốc gia cho các dự án năng lượng tái tạo. “Cơ chế, hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện và người sử dụng là có, nhưng nó còn "vướng". Năng lượng tái tạo áp dụng phổ cập ở các hộ gia đình và ban ngày sản xuất nhiều điện, ban đêm ít điện, nhưng khi dư thừa điện (ban ngày), hòa vào lưới điện quốc gia thì không được tính trả tiền. Rõ ràng, cơ chế này là chưa sòng phẳng vì người tiêu dùng phải trả tiền mua điện từ EVN, nhưng khi người ta cấp điện ngược trở lại, thì không được trả tiền”, ông nêu vấn đề.

Theo ông Hiệp, những vấn đề như vậy không thể ở hội thảo này là có thể giải quyết được, mà muốn thay đổi cơ chế, chính sách cần phải vận động các bên để thay đổi.

Trước đó, ông Rainer Brohm cũng đã băn khoăn với cơ chế mua bán điện độc quyền của EVN hiện nay thì rất khó tạo ra thị trường điện cạnh tranh và đó cũng là lực cản khiến nhà đầu tư ngại đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Trung Chánh