|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đầu năm nghe Chủ tịch Thủ Đức House kể chuyện nghề, chuyện đời và chuyện thơ

07:45 | 06/02/2019
Chia sẻ
Thời kỳ thị trường BĐS "đóng băng" sau khi vỡ "bong bóng", ông Hiếu kể: “Tôi đã phải mở liên tiếp mấy hội nghị, kêu gọi từ bạn bè, thân hữu của mình mua cổ phần của Thủ Đức House, những cổ đông đầu tiên mua cổ phần chủ yếu dựa trên niềm tin và uy tín của cá nhân mình…".

‘Đi làm mới được biết tô phở là gì, hủ tiếu là gì’

Sinh ra trong gia đình có đến 7 anh chị em, Chủ tịch Thủ Đức House Lê Chí Hiếu chia sẻ, gia đình gốc của hai bên nội ngoại đều khá giả, nhưng khi ba mẹ ra ở riêng thì phải tự bươn trải, con cái cứ đông dần khiến cái thiếu, cái khó lại ngày càng chồng chất. Ba mẹ đều là giáo viên, nhưng đồng lương đi dạy không đủ sống, vì thế ba thậm chí chuyển qua nghề đạp xích lô, còn mẹ mở lớp tại nhà để dạy trẻ trong xóm. Không có tiền mua đất, gia đình phải xin cất nhờ căn nhà lá nhỏ trên một khoảng ao để sống tạm…

Ông trầm ngâm nhớ lại: “Ngày ấy ăn uống không được đầy đủ, hầu như không bao giờ được ăn sáng mà toàn phải nhịn đói đi học, lâu lâu có thằng bạn thương, nó mua cho củ khoai… Đến năm 1975, hệ thống trường Đại học ngưng tuyển sinh một năm, trong lúc chờ thi tôi đi làm thêm để có thu nhập, không phụ thuộc gia đình. Khi đó trải đủ nghề, từ đi bốc xếp ở chợ Bà Chiểu đến kéo xe ba gác chở gạo… Đi làm mới có chút tiền, mới được ăn sáng, mới biết tô phở là gì, tô hủ tiếu hay cơm tấm là gì…”.

dau nam nghe chu tich thu duc house ke chuyen nghe chuyen doi va chuyen tho

Tuổi trẻ mơ ước học kỹ thuật, đăng ký thi trường Bách khoa, nhưng số phận lại lựa chọn để chàng trai trẻ Chí Hiếu trở thành sinh viên trường Kinh tế. Dù không phải nguyện vọng thực sự của bản thân, nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ chuyển ngang nghề bởi “lúc đó khó khăn lắm, ra trường lương tháng được 60 đồng, chỉ lo tập trung đi làm kiếm sống chứ đâu nghĩ được ‘mơ ước’ là gì”.

Sau khi luân chuyển qua hai ngân hàng, ông Hiếu chuyển sang làm cán bộ tại Ủy ban huyện Thủ Đức, đến năm 1994 thì chuyển về làm ở Nhà Thủ Đức và gắn bó cùng công ty (CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức – Thủ Đức House) cho đến tận ngày nay.

Thời kỳ thị trường BĐS đóng băng, Thủ Đức House kinh doanh như thế nào?

Thủ Đức House (mã: TDH) vốn là doanh nghiệp nhà nước, phụ trách việc quản lý hơn 6.000 căn nhà mà nhà nước cho thuê trên địa bàn huyện Thủ Đức, tính chất công việc không hề liên quan đến hoạt động kinh doanh.

“Trong hai năm đầu công việc rất khó khăn khi việc mua đất bắt đầu nổi lên, công ty được Ủy ban huyện giao cho việc đi đền bù đất giải phóng mặt bằng giúp các doanh nghiệp. Nguyên năm đầu tiên khi về công ty (công ty khi đó vừa thành lập được 3 năm), tôi phải tiếp từ cán bộ Viện kiểm sát đến thanh tra các cấp từ huyện tới trung ương, giải quyết hậu quả kiện tụng của người dân từ những năm trước để lại…”, Chủ tịch Lê Chí Hiếu kể về những ngày đầu bắt đầu làm việc ở TDH.

Năm sau, vị lãnh đạo của TDH quyết định “trả” công việc quản lý nhà cho các công ty công ích thực hiện và bắt đầu nghĩ đến chuyện kinh doanh. Sẵn có quỹ đất, chủ yếu là đất ruộng để không, TDH bắt đầu xây dựng những dự án nhà ở để bán đầu tiên. Từ đây, công ty mới đứng ra kinh doanh độc lập thực sự và hoàn toàn.

Với số vốn ít ỏi được nhà nước cấp cho ban đầu là 400 triệu đồng, công ty chỉ được định giá tài sản ở mức 12 tỉ đồng. Năm 2000, dưới sự lèo lái của Chủ tịch Lê Chí Hiếu, Thủ Đức House bắt đầu triển khai cổ phần hóa và đến 2001 thì hoàn thành. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của công ty tăng lên thành 15 tỉ đồng, nhà nước chỉ còn chiếm 20% nguồn vốn, còn lại đều huy động từ bên ngoài vào.

Ngày đó, dù thành phố đã có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng rất ít đơn vị thực hiện. Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), TDH là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương này. Việc huy động vốn bằng cổ phần hóa vì thế rất khó khăn, hầu hết mọi người còn chưa biết cổ phần hóa là gì, việc đi chào mời nhà đầu tư mua cổ phần không hề đơn giản.

Ông Hiếu kể: “Tôi đã phải mở liên tiếp mấy hội nghị, kêu gọi từ bạn bè, thân hữu của mình mua cổ phần, những cổ đông đầu tiên mua cổ phần chủ yếu dựa trên niềm tin và uy tín của cá nhân mình… Sau chính những cổ đông này phải quay lại cám ơn mình vì chỉ bỏ ra 50 triệu đồng nhưng thu về đến mấy tỉ. Trước khi TDH lên sàn, giá cổ phần của công ty đã tăng thêm mười mấy lần so với ban đầu; đến thời điểm TDH lên sàn vào năm 2006, giá trị này thậm chí tăng gấp 33 lần”.

Đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ thì thị trường BĐS bị vỡ “bong bóng” và bước vào giai đoạn “đóng băng” (khoảng từ 2007 – 2011). Hầu hết các công ty BĐS ở TP HCM lúc bấy giờ đều bị tê liệt, không ít lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí bị phá sản, vướng vòng lao lý…

Trước tình hình đó, lãnh đạo TDH quyết định đưa ra chiến dịch: giảm lương toàn công ty. Cán bộ cấp cao làm gương giảm đến 40% lương, cấp trung giảm 20%, còn nhân viên bình thường giảm 10%. Việc giảm lương này kéo dài đến 3 – 4 năm mới dừng lại.

Giữa lúc thị trường tồn đọng cả loạt chung cư mà không bán được hàng, Chủ tịch của Thủ Đức House còn nghĩ ra giải pháp cho khách hàng mua nhà trả góp trong thời hạn 4 năm, lãi suất vay tiền ngân hàng trong 4 năm đó công ty sẽ đứng ra chịu. Thậm chí, có nhiều dự án công ty chấp nhận lỗ để nhanh chóng bán được hàng, quay vòng được vốn.

“Đây được xem là giải pháp chia sẻ lợi nhuận cùng khách hàng. Không chỉ thế, xét theo loại hình dự án, đầu tư xây dựng và bán chung cư có chi phí cao hơn, trong khi bán đất nền lại có lãi hơn (chỉ cần làm xong hạ tầng là có thể mở bán), nên dùng phần lãi từ bán đất nền bù đắp cho chi phí làm chung cư. Lợi nhuận sau bán hàng của các dự án bù đắp cho nhau nên về tổng thể công ty không phải chịu lỗ mà chỉ bớt lãi đi thôi”, Chủ tịch Lê Chí Hiếu chia sẻ.

dau nam nghe chu tich thu duc house ke chuyen nghe chuyen doi va chuyen tho

Ngoài kinh doanh BĐS, TDH còn nhiều danh mục đầu tư như: kinh doanh khách sạn ở Lâm Đồng, đầu tư vào công ty sản xuất nước đá, công ty dịch vụ kho bãi, công ty xây dựng, chợ đầu mối, hoạt động xuất nhập khẩu… Nhờ bù đắp từ các mảng khác nên việc kinh doanh của công ty nhìn chung năm nào cũng có lãi, năm nhiều năm ít và dần vượt qua thời kỳ khủng hoảng của thị trường BĐS. Qua năm 2015, thị trường nói chung và hoạt động kinh doanh địa ốc của doanh nghiệp bắt đầu khởi sắc trở lại.

Công ty xác định sản phẩm chung cư chủ đạo của mình là căn hộ có mức giá trên dưới 1 tỉ đồng, diện tích nhỏ (khoảng 40 – 70 m2), giá bán khoảng hơn 20 triệu đồng/m2. Đây là dòng sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của các cặp vợ chồng trẻ nên việc bán hàng rất thành công. Ngoài ra, TDH cũng có một số dự án cao cấp với giá bán hơn 30 triệu đồng/m2, diện tích căn hộ thường hơn 100 m2 trở lên…

‘Mình chỉ là người làm thuê…’

Gần 25 năm gắn bó cùng sự trưởng thành, hưng thịnh của Thủ Đức House, nhưng Chủ tịch Lê Chí Hiếu lại đơn thuần tâm niệm: “Tôi chỉ là người làm thuê. Cổ đông tín nhiệm bầu thì mình làm thôi. Nay tôi cũng quá tuổi lao động, sổ hưu cũng có rồi, chỉ cần nộp cái đơn từ chức là có thể nghỉ…”.

Bởi không coi kinh doanh là cái nghiệp bắt buộc phải giữ nên ông Hiếu cũng không hề định hướng hay đòi hỏi hai cô con gái của mình phải nối nghiệp cha. Ngoài kinh doanh có bao nhiêu con đường, ông để con mình thoải mái lựa chọn lối đi riêng.

Luôn bận rộn cùng công việc kinh doanh, vậy mà doanh nhân Lê Chí Hiếu còn được không ít người biết đến với một vai trò khác – là nhạc sỹ đã sáng tác hàng trăm bài hát, vở kịch nói. Trong đó, không ít nhạc phẩm đã được nhiều ca sỹ nổi tiếng thể hiện, nhiều vở kịch được dàn dựng phát trên sóng truyền hình, được đông đảo công chúng đón nhận và còn gắn bó trong đời sống tinh thần hiện đại của người dân hôm nay.

Cái duyên sáng tác đến với Lê Chí Hiếu từ những ngày còn là sinh viên. Chính đời sống thực tế đã gieo cảm xúc để ông bật ra những nhạc phẩm đầu đời, cũng chính cuộc sống là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của ông trong suốt mấy chục năm sau này. Với ông, âm nhạc là phương thức giải trí, giao lưu cùng bạn bè. Mỗi khi rảnh rỗi, ít ai tưởng tượng nổi vị doanh nhân với mái tóc muối tiêu, giọng nói chậm nghỉ vẫn cùng bạn bè ôm guitar bập bùng những giai điệu của tuổi thanh niên.

dau nam nghe chu tich thu duc house ke chuyen nghe chuyen doi va chuyen tho

Dù nhiều nghệ sỹ có quan niệm: phải “nuôi” cảm xúc, phải tự sống trong một thế giới riêng thì mới có thể sáng tác, nhưng doanh nhân – nghệ sỹ Chí Hiếu lại bật cười mà nói: “Chỉ có một thế giới thôi, làm gì còn thế giới nào nữa? Sáng tác phải dựa vào suối nguồn thực tế, phải từ thực tế mà viết ra để tác phẩm đượm hơi thở cuộc sống thì mới bền mãi với thời gian”.

Có lẽ bởi quan điểm đó mà các sáng tác của ông thường đầy chất tự sự, như lời tình tự của một người luôn tha thiết với niềm yêu cuộc sống, yêu con người và quê hương… Đó là “Trò chuyện”, là “Ra khơi”, là “Sao Hoàng Điệp” tặng bạn trước lúc lên đường nhập ngũ (năm 1979), hay là “Nhịp Sài Gòn” hân hoan tình yêu thành phố quê hương:

“Sài Gòn thức mãi cùng ta.

Sài Gòn dốc hết lòng ra.

Sài Gòn khí khái vị tha.

Sài Gòn phóng khoáng hào hoa…”.

Xem thêm

Hiếu Quân