Đau đầu với hàng 'dối trá' ở chợ Bến Thành, Sài Gòn Square
Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái cho các tiểu thương chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại (TTTM) Sài Gòn Square do Cục Quản lý thị trường TP. HCM tổ chức ngày 21-11, bà Nguyễn Phương Thảo, đại diện nhãn hàng Cavil Klein (CK) và LEVI’S tại Việt Nam, cho biết tình trạng hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu CK và LEVI’S tại Việt Nam rất phổ biến.
Từ năm 2017-2018, cơ quan chức năng và nhãn hàng LEVI’S tại Việt Nam đã xử lý 109 vụ liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tịch thu hơn 9.900 sản phẩm với 14.700 nhãn mác trên thị trường Việt Nam.
Riêng nhãn hàng CK, từ năm 2017-2019, nhãn hiệu CK phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hơn 7.800 sản phẩm, tịch thu 6.910 nhãn mác giả.
Theo bà Thảo, dù doanh nghiệp đã rất tích cực trong cung cấp thông tin, hỗ trợ các lực lượng chức năng về hàng thật, hàng giả, đồng thời áp dụng nghiêm các biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa đẩy lùi được hàng giả.
Ông Trần Văn Sự, đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cho biết hiện nay việc mua bán hàng giả tại TP.HCM ngày càng phức tạp, đặc biệt là tại các chợ truyền thống và các TTTM.
Do hàng giả bán giá thấp nên luôn chiếm ưu thế so với hàng nội địa. Tại các chợ truyền thống, giá một sản phẩm giả thường được bán ngang hàng với thương hiệu nội địa nên đã triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh của các nhãn hiệu nội địa.
Đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng bày bán ở Sài Gòn Square bị quản lý thị trường TP.HCM phát hiện, tịch thu.
Đáng chú ý, hiện phần lớn hàng giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam, được gắn nhãn “Made in Vietnam” làm du khách nhầm tưởng hàng hóa này do Việt Nam sản xuất. Việc này gây mất uy tín của hàng thật được các nhãn nổi tiếng đặt sản xuất, gia công tại Việt Nam.
Đồng thời, làm cho doanh nghiệp nước ngoài mất thị phần, ngại đầu tư vào Việt Nam do lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh mất. Họ sẽ chuyển đầu tư sang các quốc gia khác có bảo hộ về sở hữu trí tuệ tốt hơn như Thái Lan, Malaysia.
Theo ông Sự, việc các sản phẩm giả nhãn hiệu và giả xuất xứ nói trên khi được mua đi bán lại cho các quốc gia khác với số lượng lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Vì các quốc gia này cho rằng Việt Nam đang phá giá sản phẩm hoặc giúp Trung Quốc chuyển giá sản phẩm, né tránh các biện pháp trừng phạt về kinh tế, gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp còn lại đang làm ăn chân chính tại Việt Nam.
Bà Thảo mong qua đợt tập huấn này, các bên buôn bán kinh doanh tại các khu chợ, đặc biệt là chợ Bến Thành và Sài Gòn Square không kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Calvin Klein và LEVI'S cũng như các nhãn hàng nổi tiếng khác.
"Các bên kinh doanh, buôn bán ở chợ Bến Thành và Sài Gòn Square có mặt trong buổi tuyên truyền đã ký cam kết với Cục Quản lý thị trường sẽ thực hiện đúng cam kết của mình.
Nếu phát hiện hành vi kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì báo cho cơ quan chức năng hoặc đại diện của chủ sở hữu nhãn hiệu. Hy vọng thời gian tới, lượng hàng giả ở những khu chợ này sẽ giảm" - bà Thảo nói.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường TP.HCM trong 10 tháng năm 2019, kiểm tra 20 chợ truyền thống và TTTM, phát hiện 280 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tịch thu hơn 9.400 sản phẩm, trị giá hàng vi phạm 1,1 tỉ đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,9 tỉ đồng. Trong 12 chợ lẻ, tại chợ Bến Thành phát hiện hàng giả nhiều nhất với 89 vụ, tiếp đến là chợ Bình Tây với 23 vụ, chợ Tân Bình với 12 vụ. Kiểm tra tám TTTM, quản lý thị trường phát hiện hàng giả nhiều nhất ở TTTM Sài Gòn Square với 93 vụ, TTTM DV An Đông Plaza phát hiện 16 vụ và TTTM Lucky Plaza phát hiện 14 vụ. |