Đặt cửa hàng ở vị trí đắc địa, Món Huế nợ tiền mặt bằng
Trong 3 ngày qua, chuỗi nhà hàng Món Huế và các thương hiệu khác như Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy... của Công ty Huy Việt Nam đã đóng nhiều cửa hàng và bị tố nợ tiền của hàng chục nhà cung cấp.
Trên thực tế các chuỗi thương hiệu này đã sở hữu 210 cửa hàng sau 12 năm kể từ khi khai trương nhà hàng đầu tiên ở Việt Nam năm 2007, riêng Món Huế đã có 77 cửa hàng tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Thuê mặt bằng quận 1 không dưới 100 triệu/tháng
Chỉ tính trong khu vực trung tâm quận 1, chuỗi nhà hàng Món Huế đã có đến 11 chi nhánh trên khắp các con đường đắc địa, có mức thuê không dưới 100 triệu đồng/mặt bằng như đường Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, Pasteur, Huỳnh Thúc Kháng...
Nhà hàng Món Huế trên đường Huỳnh Thúc Kháng đóng cửa một ngày trước. Đây là khu vực tập trung nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: Lê Quân.
Theo thông tin trên website của chuỗi nhà hàng Món Huế, riêng trên đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM), thương hiệu này đã có đến 3 cửa hàng ở số 11, số 62 và số 72.
Tuyến đường này tập trung nhiều nhà hàng, thương hiệu sang trọng cũng như các dịch vụ giải trí đắt đỏ, thu hút nhiều khách du lịch và người qua lại. Đây là một trong khu vực có giá nhà mặt tiền cho thuê cao nhất thành phố với giá ở mức 100-500 triệu đồng/tháng tuỳ theo diện tích.
Tại Hà Nội, thương hiệu này cũng mạnh tay chi trả cho các mặt bằng ở những con phố trung tâm hay các trục đường lớn.
Bà Nga, chủ mặt bằng số 67 Trần Duy Hưng cho biết giá thuê hiện tại của doanh nghiệp này là 6.500 USD/tháng (tương đương 150 triệu đồng/tháng). Chi nhánh này trước khi đóng của vẫn còn 3 tháng tiền nhà đã trả trước, tương đương doanh nghiệp chịu mất 450 triệu đồng.
“Hợp đồng thuê nhà giữa tôi với Món Huế ký 1 năm một lần, đóng trước 6 tháng. Khi bên họ rời đi, vẫn còn 3 tháng tiền nhà”, bà Nga nói.
Chi phí thuê mặt bằng đắc địa với diện tích rộng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến chi phí bán hàng của Món Huế tăng cao. Trong 2 năm gần nhất, chi phí bán hàng chiếm 80-90% doanh thu. Điều này khiến doanh nghiệp chuyển từ mức lợi nhuận gần 300 triệu đồng năm 2016 sang lỗ hơn 50 tỷ đồng mỗi năm vào các năm 2017 và 2018. Đến cuối năm 2018, chuỗi nhà hàng Món Huế có tổng tài sản hơn 750 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế khoảng 107 tỷ đồng.
Bỏ lại đồ đạc, bán đi cũng không được bao nhiêu
Nói với Zing.vn, chị Phan Trang cho biết mình cho Công ty Món Huế thuê tầng trệt của căn nhà phố thương mại tại Hà Đo Centrosa Garden, (quận 10. TP.HCM) từ tháng 4 năm nay. Đến nay doanh nghiệp này đã chuyển đi mà không thanh toán số tiền nợ lên đến 900 triệu đồng của gia đình chị.
"Món Huế ký hợp đồng theo quý với chúng tôi. Quý trước, họ mới chỉ trả tiền nhà, còn tiền phí quản lý và tiền thuế. Số tiền đó dồn lại cùng với tiền tháng này, tổng khoản nợ lên đến 900 triệu đồng. Hiện tại, tôi đã cho tháo dỡ hết bảng hiệu Món Huế ở nhà mình", chị Trang cho biết.
Bên trong nhà hàng Món Huế tại tầng 5 Vincom Center Trần Duy Hưng. Ảnh: Văn Hưng.
Không chỉ đối với mặt bằng nhà chị Trang, tại một số chi nhánh khác ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều chi nhánh của thương hiệu này đã rời đi nhưng vẫn để lại bàn ghế, dụng cụ nhà bếp và thiết bị nấu nướng.
Ở trung tâm thương mại Imperia Garden, phố Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), một loạt cửa hàng gồm Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy đã rời đi 2 ngày trước mà không thông báo.
Nhân viên tại đây cho biết các thương hiệu này đã thuê ở đây được 2 năm với giá 180 triệu đồng/tháng. Việc tự ý chuyển là vi phạm hợp đồng thuê với tòa nhà nên không thể chuyển đồ đạc. Nếu muốn lấy lại, Món Huế phải lên làm việc trực tiếp với quản lý tòa nhà.
Chị Trang cũng nhận định: "Đồ đạc Món Huế bỏ lại nếu có đem bán thanh lý cũng không đáng bao nhiêu vì đều đã qua sử dụng. Tôi sẽ giữ lại để sang cho những khách thuê sau dùng nếu cần."
Đỡ thiệt hại hơn các nhà cung cấp
Nói về con số nợ nhà cung cấp thực phẩm, thiết bị và dịch vụ lên đến hàng chục tỷ đồng, chị Phan Trang cho rằng: "Việc cho thuê mặt bằng dù sao cũng còn đỡ thiệt hại hơn bởi một phần tài sản của doanh nghiệp vẫn đang nằm trên mặt bằng nhà mình".
Tính đến cuối ngày 22/10, số tiền Món Huế và chuỗi thương hiệu của Huy Việt Nam nợ được 44 nhà cung cấp thống kê đã lên hơn 30 tỷ đồng, từ thực phẩm đến các dịch vụ, thiết bị.
Tuy nhiên, đây chưa phải con số cuối cùng bởi còn rất nhiều nhà cung cấp chưa cho về số tiền nợ cũng như không có đủ giấy tờ giao dịch với Công ty Món Huế nên chưa thể trình báo đầy đủ.
Cho thuê mặt bằng, chị Trang đã nhiều lần hẹn gặp để trao đổi về việc thanh lý hợp đồng nhưng phía công ty này không xuất hiện, buộc chị phải chủ động xử lý bằng cách tháo dỡ bảng hiệu và niêm phong tài sản.
Tuy nhiên, chị muốn biết tình hình hoạt động của doanh nghiệp này ra sao để tiếp tục cho khách khác thuê chứ không muốn gián đoạn hoạt động quá lâu.
"Điều tôi lo lắng nhất là không biết Công an có đến niêm phong tài sản này không. Nếu có thì rất rắc rối và làm gián đoạn hoạt động của mặt bằng", chị chia sẻ.
Hiện tại, chị Trang đang tìm đến một số luật sư nhờ tư vấn và giải quyết vấn đề này.
Khoảng gần 1 tháng nay, hàng loạt chi nhánh Món Huế, Phở Ông Hùng... ở TP.HCM do Công ty Huy Việt Nam sở hữu lần lượt đóng cửa, trả mặt bằng.
Zing.vn liên hệ với Công ty TNHH Món Huế và Công ty Huy Việt Nam cũng như ban lãnh đạo Công ty nhưng chưa có phản hồi.
Công ty Huy Việt Nam hiện vận hành nhiều chuỗi nhà hàng khác như Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, 99 House of Phở, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster, Soi 615 với khoảng 200 cơ sở.