|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu Quốc hội: Cơ chế riêng cho Hà Nội, đặc thù không phải là đặc lợi

20:32 | 12/06/2020
Chia sẻ
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến nên bỏ chữ "đặc thù" trong dự thảo về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Quốc hội: Cơ chế riêng cho Hà Nội, đặc thù không phải là đặc lợi - Ảnh 1.

"Cơ chế đặc thù cho phép các địa phương năng động hơn về cơ chế chính sách, qua đó giúp phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên gần đây có quá nhiều cái gọi là đặc thù, ít nhiều gây ra sự hiểu lầm như kiểu là đặc lợi. Tôi đề nghị không nên dùng từ đặc thù ở trong văn bản này, và cân nhắc bỏ từ này trong dự thảo nghị quyết.

Đây không phải là sự né tránh mà cơ chế chính sách cho địa phương nào chỉ là địa phương nào chính sách đó. Chỉ cần ghi là Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đối với TP.Hà Nội", đại biểu Nguyễn Sỹ Cường (đoàn Ninh Thuận) cho biết quan điểm về việc nhiều địa phương được hưởng cơ chế riêng trong thời gian qua tại phiên thảo luận về dự thảo về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội vào sáng nay (12/6).

Đại biểu Quốc hội: Cơ chế riêng cho Hà Nội, đặc thù không phải là đặc lợi - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cường (đoàn Ninh Thuận)

Cũng về nội dung này, ông Cương cho biết địa phương nào cũng có đặc thù nhưng cơ chế chính sách ban hành ra không phải phù hợp với tất cả các địa phương.

Cần thiết về một cơ chế riêng cho Hà Nội

Theo ông Cương, hiện Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức như: Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định bền vững, tình trạng quá tải với hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng dân số cơ học. 

Quy hoạch quản lý đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, ô nhiễm mỗi trường, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết  cách căn cơ. Trong khi quyền hạn và nguồn lực được giao cho chưa tương đồng với vai trò trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội: Cơ chế riêng cho Hà Nội, đặc thù không phải là đặc lợi - Ảnh 2.

Theo ông Cương, hiện Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức về kinh tế, xã hội

"Đứng trước mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh hiện đại tiêu biểu cho cả nước, thành động lực phát triển cho vùng và cả nước, xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo… nên tôi nghĩ rằng việc có một chính sách riêng cho Hà Nội là cần thiết", đại biểu đoàn Ninh Thuận nhấn mạnh.

Xin cơ chế khác với nguồn lực

Cũng trong phần thảo luận vào sáng nay về dự thảo về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã có quan điểm rất đáng chú ý. Ông Nhưỡng cho rằng việc Hà Nội xin cơ chế riêng là đúng, nhưng nó phải khác với xin nguồn lực.

Đại biểu Quốc hội: Cơ chế riêng cho Hà Nội, đặc thù không phải là đặc lợi - Ảnh 3.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

"Cái này phải đánh giá rõ ràng, nếu không nguồn lực đổ về đây, cuối cùng chỗ khác bị ảnh hưởng. Cái chính của Hà Nội là phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, người lãnh đạo, và phát huy sự phấn đấu của toàn bộ người dân. Cái này là quan trọng nhất", ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Tăng phí, lệ phí, DN sẽ bỏ Hà Nội mà đi?

Cũng trong phần phát biểu của mình, ông Nhưỡng thể hiện sự băn khoăn việc tăng thêm các khoản thu phí và lệ phí.

"Liệu các DN có còn coi Hà Nội là điểm đến hấp dẫn không, hay người ta sẽ chạy sang các tỉnh lân cận để hưởng ưu đãi khác", ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

Ông Nhưỡng đề nghị cần có các đánh giá đầy đủ về những tác động của việc này.

Tại dự thảo về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, TP đề nghị được thu phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí, đồng thời tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%).

Đại biểu Quốc hội: Cơ chế riêng cho Hà Nội, đặc thù không phải là đặc lợi - Ảnh 5.

Sáng nay (12/6), Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội

Cũng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lại cho thấy sự đồng tình.

Theo ông Cương, về phí và lệ phí, việc bỏ mức trần và giao cho giao quyền cho HĐND TP.Hà Nội là phù hợp. Ông Cương dẫn chứng nhiều nước đã thực hiện điều này, như nhiều nước cũng quy định phí gửi xe rất cao ở khu vực trung tâm. Còn các địa phương lân cận xa trung tâm thì mức phí thấp, thậm chí là miễn phí.

"Nếu trung tâm thành phố mà cái gì cũng miễn phí thì ai tội gì đi xa", ông Cương nêu quan điểm.

Theo đại biểu Cương, điều quan trọng là cân nhắc các mức phí, nếu cao thì cần phải hợp lý. Cùng với đó là cần sự đồng thuận của người dân.

Thùy An