|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Đả thông' điểm nghẽn để đón 'thời kỳ vàng' của GDP

22:00 | 16/02/2018
Chia sẻ
Đa số chuyên gia đều tỏ ra lạc quan, thậm chí tin rằng nền kinh tế nước ta năm 2018 sẽ có bước phát triển thậm chí còn tốt hơn mức tăng đã được gọi là “thần kỳ” của 2017.
da thong diem nghen de don thoi ky vang cua gdp Giới chuyên gia: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2018
da thong diem nghen de don thoi ky vang cua gdp Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về ODA, nợ công, tốc độ tăng trưởng
da thong diem nghen de don thoi ky vang cua gdp Có nên gộp 'kinh tế ngầm' vào GDP?

Còn nhớ vào đầu năm 2017, từng có nhiều ý kiến quan ngại về khả năng GDP không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhất là khi chứng kiến GDP quý I “chùng” hẳn xuống so với cùng kỳ năm 2016. Thế nhưng, cú “lội ngược dòng” đã trở thành hiện thực khi cả nền kinh tế bất ngờ chuyển động mạnh mẽ trong những quý cuối năm. Điều gì có thể giải thích cho hiện tượng đang gây ra không ít ngạc nhiên này?

Nhìn từ cục diện tổng thể, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên nhân sâu xa đến từ những nỗ lực của “Chính phủ hành động, kiến tạo và minh bạch”. Khi các thành viên Chính phủ cùng đi - đến - lắng nghe và xử lý các vướng mắc, kiến nghị ở từng địa phương, ban ngành, thì cũng là lúc hệ thống thủ tục hành chính bị thúc ép phải trở nên trơn tru và gọn nhẹ hơn. Và điều tất yếu, khi cỗ máy trở nên “nhẹ nhõm” thì cũng sẽ chạy nhanh hơn và hiệu quả hơn.

TS Huỳnh Thế Du (Trường Đại học Fulbright Việt Nam) cũng tin rằng đây là sự tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận nhờ những bước đi của “một Chính phủ biết lắng nghe, có thể tập hợp nhiều ý tưởng”.

Đi vào cụ thể, có thể thấy tăng trưởng năm 2017 là sự thành công nhờ đóng góp của nhiều lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp (tăng 2,9%, năm 2016 tăng 1,36%), công nghiệp và xây dựng (tăng 8%, năm 2016 tăng 7,57%), dịch vụ (tăng 7,44%, năm 2016 tăng 6,98%)…

Các điểm nghẽn về thủ tục hành chính và ách tắc cơ chế được khai thông đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Cán cân vãng lai thặng dư cũng giúp giá trị đồng nội tệ vững vàng hơn.

Các chỉ báo kinh tế tốt lên trong mắt người dân, cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư quốc tế do đó đã không chỉ kích thích đầu tư toàn xã hội mà còn kéo dòng vốn ngoại chảy mạnh vào Việt Nam như chúng ta đã thấy.

Chiều hướng tích cực đang chi phối bức tranh kinh tế

Theo nhận định của TS. Huỳnh Thế Du, thế giới năm nay không tốt lên và cũng không tệ đi quá nhiều. Vì vậy, rất khó để các biến động của kinh tế thế giới có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam. “Tất nhiên rủi ro luôn tiềm ẩn và có thể bùng phát nhưng với xu hướng hiện tại, chiều hướng tích cực sẽ mạnh hơn tiêu cực trong năm 2018”, ông Du tin tưởng.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng nếu loại trừ các yếu tố tác động khách quan từ bên ngoài thì môi trường vĩ mô bên trong của Việt Nam dự báo có thể giúp tăng trưởng GDP năm 2018 thậm chí sẽ còn tốt hơn năm 2017. Nợ công được kiểm soát chặt hơn cũng sẽ giảm thiểu gánh nặng cho cỗ máy kinh tế nói chung.

Cho dù mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 được “chốt” ở mức khá thận trọng, cao nhất là 6,7%, nhưng giới chuyên gia kinh tế tin rằng dựa vào nền tảng vĩ mô hiện nay thì mức tăng GDP năm nay có thể lên đến 6,8% (dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia).

Tất nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,7% trở lên, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, một số “điểm nghẽn” cần sớm được giải quyết rốt ráo hơn nữa. Đó là xử lý các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước yếu kém; hỗ trợ hệ thống ngân hàng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu để kéo giảm mặt bằng lãi suất, tức giảm chi phí cho doanh nghiệp; đầu tư hạ tầng để giải tỏa ùn tắc giao thông vốn đang làm tăng chi phí vận chuyển, làm nản chí nhà đầu tư nước ngoài và du khách. Ngoài ra, nền kinh tế đang rất cần hình thành những điểm đến tiên phong tạo ra xung lực dẫn dắt toàn vùng, với các đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Thế còn các nhìn nhận từ bên ngoài đang cho thấy điều gì? Đó là xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, từ hạng 82 lên hạng 68/190 quốc gia; bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng đưa Việt Nam từ vị trí 60 lên vị trí thứ 55/137 quốc gia. Những đánh giá ấy từ các tổ chức quốc tế có lẽ cũng đang xác tín một thực tế về bức tranh ngày càng sáng của kinh tế Việt Nam.

Phương Hiền