|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng: Lấy ý kiến điều chỉnh qui hoạch thành phố

16:25 | 09/11/2019
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia quốc tế không đồng tình với việc phát triển đô thị về phía Tây, xây dựng cầu cạn trong đô thị.

Phát biểu tại Hội thảo phản biện Đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch TP. Đà Nẵng đã chỉ ra những áp lực lớn mà đô thị Đà Nẵng đang phải đối mặt.

Đồng thời, mong muốn các chuyên gia tập trung phân tích, góp ý các vấn đề quan trọng nhưng còn nhiều ý kiến khác biệt hoặc còn nhiều băn khoăn như: Đề xuất của Tư vấn về mức tăng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt 10,1% có phù hợp hay không khi thấp hơn so với Nghị quyết 43/NQ-TW đã xác định mức tăng GRDP trong giai đoạn này là 12%, thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 8.700 USD.

Về tỷ lệ tăng dân số 2,2% do tư vấn đề xuất, thấp hơn so với tỷ lệ thống kê 2,45% đã công bố; Vấn đề lựa chọn cảng biển; Cấu trúc đô thị đã phù hợp với định hướng phát triển các ngành nghề kinh tế hay chưa; Đâu là lựa chọn tối ưu cho hình thái kiến trúc đô thị trên cơ sở phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị.

Đà Nẵng: Lấy ý kiến điều chỉnh qui hoạch thành phố - Ảnh 1.

Ông Đặng Việt Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Ông Đặng Việt Dũng nêu rõ: “Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng lần này có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định cho một giai đoạn phát triển mới, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh, đạt tầm cỡ khu vực theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW.

Đây là Hội thảo lần cuối trong quá trình nghiên cứu của Tư vấn đối với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những đóng góp phản biện tại Hội nghị này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng nghiên cứu của Đồ án, đồng thời có tác động to lớn đến thực tiễn phát triển đô thị Đà Nẵng trong hàng chục năm tới”.

Thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND thành phố Đà Nẵng đã phối hợp Liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong triển khai công việc này. 

Qua 8 tháng tiến hành lập Đồ án, trải qua 3 giai đoạn: Thu thập số liệu, đánh giá quy hoạch được duyệt, phân tích hiện trạng phát triển; Định vị kinh tế- xã hội và Đề xuất ý tưởng với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Về không gian phát triển đô thị, dựa trên đặc điểm tự nhiên, tư vấn Surbana Jurong nêu ý tưởng chia thành phố thành 3 khu vực phát triển. Đó là, khu vực mặt nước dọc theo bờ biển và sông với nhiều cảnh quan mặt nước. 

Khu công viên nằm ở giữa thành phố với những ngọn đồi và cây xanh tươi tốt, phát triển mật độ thấp do vùng đất đồi hạn chế phát triển; Khu sườn đồi là khu vực sườn núi phía tây với đặc điểm các đồi sinh thái. 

Theo phương án này, Đà Nẵng sẽ có 2 vành đai phát triển từ núi xuống biển gồm: phía Bắc sẽ phát triển khu công nghiệp công nghiệp công nghệ cao- Công nghệ thông tin, phía Nam sẽ là khu đổi mới sáng tạo kết hợp khu nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, giao thông sẽ được thiết kế gồm các đường cao tốc (5-8 km có một cao tốc) kết nối với các tuyến đường vành đai, huyết mạch, đường chính nội đô, xây dựng các cầu cạn nội đô. Ngoài ra, Surbana Jurong cũng nêu ý tưởng phát triển Đà Nẵng bền vững nhờ các mảng xanh, môi trường, xây dựng thành phố thông minh...

Ông Maysho Prashad, Phó Chủ tịch Callison RTKL, thành viên quy hoạch Hoa Kỳ, Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ là Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới cho rằng, nhà tư vấn Surbana Jurong đưa ra những đề xuất về phát triển kinh tế công nghệ cao, kinh tế du lịch, cảng biển nhưng quên mất một bộ phận kinh tế nhỏ lẻ ở địa phương của cộng đồng dân cư.

Theo ông Maysho Prashad, những cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp là một phần của nền kinh tế Việt Nam. Chuyên gia Maysho Prashad cho rằng, Đà Nẵng có sự đa dạng về địa hình sông, núi, biển. Phía Tây thành phố còn có một hành lang giao thông, quy hoạch chung phải đảm bảo duy trì kết nối phía Tây thành phố. Vì vậy, cần xem xét lại đề xuất của nhà tư vấn về xây dựng đô thị ở khu vực này.

Đà Nẵng: Lấy ý kiến điều chỉnh qui hoạch thành phố - Ảnh 2.

Chuyên gia Maysho Prashad, Phó Chủ tịch Callison RTKL, thành viên quy hoạch Hoa Kỳ, Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ.

Trong khi đó Tiến sĩ Shigehisa Matsumura, chuyên gia cao cấp của Nikken Seikkei (Nhật) nêu quan điểm, yếu tố quan trọng là Đà Nẵng liên kết phát triển với địa phương lân cận, nhất là Quảng Nam. Thành phố Đà Nẵng nên thận trọng trong việc mở rộng đô thị sang hướng Tây; cần chú ý những mảng xanh đô thị, nhu cầu cũng như dịch vụ cơ bản như nước sạch, xử lý chất thải rắn…

Đánh giá về dự án giao thông hỗn hợp từ đề xuất của Surbana Jurong, ông Olivier Soquet, chuyên gia tư vấn DE-So (Pháp) cho biết, chưa có sự tích hợp giữa đường sắt cao tốc với cảng biển, sân bay, đường bộ kết nối các khu vực lân cận.

Do Đà Nẵng không thể mở rộng sân bay được nữa nên cần tập trung đầu tư hệ thống giao thông công cộng đảm bảo kết nối hiệu quả; Về đề xuất xây dựng cầu cạn trên cao từ đường Đống Đa- Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ để vận chuyển hàng container, theo ông Oiver Soquet, đây là ý tưởng rất tệ, vì nó sẽ tạo ra đường giao cắt đô thị.

Đối với Đà Nẵng, 2 bên bờ sông Hàn là linh hồn của thành phố nên không cần phải mở điểm mới, chỉ cần cải tạo, tổ chức lại các hoạt động ven sông, mở thêm nhiều dịch vụ khác nhau dọc bờ sông.

Về đề xuất xây dựng đô thị nén của nhà tư vấn, chuyên gia Oliver Soquet cho hay, không nên mở rộng phía Tây mà để dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ cho tương lai. Nông nghiệp đô thị là vấn đề lớn của các đô thị trên thế giới. Đà Nẵng cần dành chỗ cho người nông dân, nhằm đảm bảo an ninh lượng thực và cội nguồn của dòng sông.

Tại hội thảo, ông Trần Trọng Hanh, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị tư vấn Surbana Jurong bổ sung không gian biển từ 3- 6 hải lý theo Nghị định của Chính phủ. Đồng thời, phải bám sát 2 văn bản là Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng quy hoạch. Theo ông Hanh, Đà Nẵng là đô thị biển chứ không phải đô thị sông nước như nhà tư vấn đề xuất.

Ông Trần Trọng Hanh cho rằng, Dự thảo quy hoạch của nhà tư vấn không thuyết phục, thiếu cơ sở khoa học, chưa đưa ra các giải pháp để phát triển Đà Nẵng đồng bộ. Về nhu cầu sử dụng đất đô thị, khung sử dụng đất của tư vấn không phù hợp với quy định của Luật Đất đai, do vậy đề nghị cần có nghiên cứu kỹ.

“Với việc sử dụng đất quảng canh như tư vấn đã đề xuất, hoàn toàn không phù hợp với mô hình đô thị bền vững và việc sử dụng dẫn đến việc sử dụng lãng phí tài nguyên gia tăng vốn đầu tư công và trở thành một thách thức lớn đối với nhu cầu phát triển hệ tương lai.  Trong đó, giải pháp đô thị nén đã được nhiều  quốc gia lựa chọn và ưu tiên. 

Bản vẽ của tư vấn thì đầu tư công sẽ rất nhiều. Nào là đường vành đai, đường xuyên tâm, đường cao tốc. Đà Nẵng đang thiếu vốn, không có tiền để đầu tư những hạng mục đó. Giống như quy hoạch của Hà Nội năm 2000 mà hồi đó Bộ Xây dựng dẫn dắt mở rộng quá nhiều phía Tây nhưng đến nay không thành công được”, ông Trần Trọng Hanh nói.

Thanh Hà

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.