Đà Nẵng: Không đồng tình xây khách sạn 29 tầng trên đường Bạch Đằng nối dài
Ùn tắc cục bộ nghiêm trọng ở hai nút giao thông trọng điểm
Theo đề nghị của UBND TP Đà Nẵng, sáng 17/7, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với “Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý” với sự tham gia của đại diện các tổ chức thành viên cùng nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, đô thị, văn hóa và các lĩnh vực có liên quan.
Hội nghị phản biện xã hội đối với “Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý” do Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức sáng 17/7 (Ảnh: HC).
Theo bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, hiện nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, gây nhiều khó khăn, bức xúc cho việc đi lại của người dân và du khách. Vì vậy, việc nghiên cứu cải tạo, tổ chức hai nút giao thông trọng điểm này là hết sức cần thiết; đã được triển khai từ năm 2016 và đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương đầu tư.
“Tháng 5/2018, Sở GTVT Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo về phương án thiết kế hai nút giao thông này (Infonet đã đưa tin). Sáng nay, Ủy ban MTTQVN TP tổ chức hội nghị phản biện nhằm lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia, các Hội đồng Tư vấn của MTTQVN TP, các tổ chức thành viên của Mặt trận đại diện cho nhân dân TP để hoàn thiện phương án thiết kế hai nút giao thông nói trên!” – Bà Đặng Thị Kim Liên nói.
Theo TS, KTS Tô Văn Hùng, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý là 2 nút giao thông quan trọng, quyết định tình hình giao thông các trục Đông Tây (Nguyễn Văn Linh, Duy Tân), Bắc Nam (Bạch Đằng, Trần Phú, 2/9) của Đà Nẵng. Hiện hai nút này đang trong trong tình trạng ùn tắc cục bộ khá nghiêm trọng vào giờ cao điểm, đã áp dụng các biện pháp can thiệp nhưng không thể giải quyết được nên ảnh hưởng khá nghiêm trọng tình hình giao thông khu vực trung tâm TP.
KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng cũng nêu rõ, số liệu khảo sát lượng giao thông hiện trạng trên các trục kết nối Đông - Tây ở khu vực trung tâm cho thấy các cây cầu (trừ cầu Sông Hàn) chưa phát huy khả năng thông hành do bị ùn tắc tại các nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Tình trạng này nếu không có hướng giải quyết sẽ gây ra những hậu quả và hệ lụy tồi tệ cho đô thị, như lãng phí về kinh tế, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng…
Trước khi tìm ra giải pháp thì đừng tăng thêm áp lực
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch không chuyên trách của Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đã tỏ ra rất lo lắng về một xu hướng sẽ có nguy cơ làm tăng thêm mật độ giao thông ở khu vực này với sự xuất hiện những tòa nhà cao tầng trên đường Bạch Đằng nối dài chạy dọc bờ Tây sông Hàn và nằm giữa hai nút giao thông phía Tây cầu Rồng và phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng...
“Hôm nay hội nghị chúng ta bàn về giải pháp cho hai nút giao thông trọng điểm này, nhưng cách đây mấy hôm, báo chí đưa tin UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý cho một Công ty xây tòa nhà 29 tầng trên đường Bạch Đằng nối dài. Nếu cứ tiếp tục như thế thì những phương án giao thông hay văn hóa gì gì trên khu vực này chắc sẽ không đạt được; đặc biệt là sẽ gia tăng áp lực đối với giao thông trong khu vực!” – Ông Bùi Văn Tiếng nói.
Được biết, ngày 20/6/2018 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định số 2532/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án xây dựng tòa tháp cao 29 tầng tại khu đô thị mới ven sông Hàn (khu vực đường Bạch Đằng nối dài) do Công ty TNHH MTV Sun Froniter (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án có quy mô sử dụng đất 3.125m2, ranh giới sử dụng đất phía Bắc giáp đường Lê Quý Đôn nối dài, phía Nam giáp đất dự án khu dân cư, khách sạn - căn hộ; phía Tây giáp đường quy hoạch 20,5m và phía Đông giáp đường Bạch Đằng nối dài chạy dọc bờ Tây sông Hàn
Phần đất xây dựng tòa tháp chiếm 1.842m2 tương ứng 58,94% với 29 tầng làm căn hộ - khách sạn và 2 tầng hầm; phần diện tích còn lại 1.832m2 sử dụng làm công trình giao thông, cây xanh, sân nền. Dự án có nhu cầu sử dụng 514m3 nước/ngày, đêm.
Ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh: “Một tòa nhà 29 tầng làm khách sạn thì rõ ràng xe cộ sẽ vào liên tục, trong khi sở dĩ hai nút giao thông này ùn tắc là do các xe du lịch cỡ lớn. Chỉ cần 3 xe như thế đi qua vòng xuyến là ách tắc. Do đó nhất thiết không nên tăng thêm áp lực giao thông đối với khu vực này trước khi chúng ta có thể tìm ra giải pháp giải quyết được thực trạng hiện nay, chứ cứ anh làm, anh phá thì sẽ rất khó!”.
và KTS Nguyễn Văn Chung (Liên hiệp các Hội KHKT TP Đà Nẵng) phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC)
Những kiến nghị đáng lưu tâm
KTS Nguyễn Văn Chung (Liên hiệp các Hội KHKT Đà Nẵng) cũng cho biết, từ khi Đà Nẵng làm quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn đến nay, ông đã kiên trì đề nghị không đề cập tuyến đường Bạch Đằng nối dài là đường giao thông, mà đó cần phải là tuyến đường cảnh quan, đường đi bộ, xe đạp… Và bằng mọi cách tối đa để chuyển đổi toàn bộ vệt đất sát bờ sông thành công viên, kết hợp với cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi hình thành một không gian văn hóa – nghệ thuật, một không gian “điểm đến” cho du lịch.
Theo KTS Nguyễn Văn Chung, trước đây, lãnh đạo và người dân Đà Nẵng đều quyết tâm giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi để làm chứng tích lịch sử cho một giai đoạn phát triển của đô thị Đà Nẵng. Và cũng đã có các phương án tổ chức cây cầu này thành cầu đi bộ với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật trên cầu. Nếu kết hợp cây cầu này với đường Bạch Đằng nối dài sẽ thành một không gian “điểm đến” rất hấp dẫn.
“Đà Nẵng đang đau đầu vì quá thiếu công viên, cây xanh. Theo quy hoạch phê duyệt năm 2002 thì toàn bộ khu vực từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tiên Sơn, và từ đường 2/9 ra bờ sông Hàn, là “Công viên trung tâm TP”. Bây giờ thì mất rồi, không còn nữa. Vì vậy cố gắng dành lại một số quỹ đất nào đó có thể để tăng chỉ tiêu cây xanh cho người dân TP là việc rất nên làm. Và như thế mới phù hợp định hướng phát triển bền vững và xây dựng “TP môi trường” như nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng!” – KTS Nguyễn Văn Chúng nói.
Tại hội nghị phản biện sáng 17/7, cùng với yêu cầu nghiên cứu kỹ để có phương án thiết kế tổ chức giao thông một cách hiệu quả nhất, tránh lặp lại những vấn đề như ở hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn, hay hầm chui Điện Biên Phủ, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cũng chính thức đề nghị Ủy ban MTTQVN TP kiến nghị lãnh đạo TP không nên để phát sinh những áp lực mới đối với nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/