Đà Nẵng chi hơn 3.300 tỷ có chống được ngập?
Đường Lê Duẩn (TP Đà Nẵng) thành sông sau trận mưa lịch sử tháng 12/2018Chưa bao giờ ngập nặng đến thế
Chưa bao giờ ngập nặng đến thế
Đơn cử trận mưa lớn kéo dài từ sáng ngày 8 đến đêm 9/12/2018 khiến khu vực nội thị Đà Nẵng chìm trong biển nước. Thống kê của Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, thời điểm đó, trên toàn địa bàn Đà Nẵng có 37 khu vực ngập úng nặng. Đơn vị này phải huy động tối đa lực lượng tham gia khơi thông cống thoát nước, vệ sinh tại các cửa thu nước; đồng thời vận hành hết công suất các trạm bơm chống ngập, mở hết các cửa xả tại các hồ để điều tiết. Tuy nhiên, do lượng mưa quá lớn, nước thoát vẫn không kịp, gây ngập trên diện rộng.
Chỉ riêng trong đợt ngập này đã khiến hàng nghìn ô tô, xe máy chìm trong biển nước, cuộc sống người dân đảo lộn. Người dân thành phố cho biết, hơn chục năm qua, Đà Nẵng chưa bao giờ bị ngập nặng như thế.
Theo ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, ngập úng Đà Nẵng vừa qua có nguyên nhân do sụt lún nền đô thị. Đồng thời, hệ thống thoát nước của Đà Nẵng chưa đạt chuẩn, việc mọc lên hàng loạt khách sạn, resort khiến cơ sở hạ tầng thoát nước không theo kịp lại gánh chịu trận mưa kỷ lục dẫn đến ngập úng.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, Đà Nẵng ngập nặng là do các vùng trũng, công viên, ruộng và các vùng đất thấp khác trước đây là vùng chứa nước tự nhiên giờ đã đô thị hóa, san lấp bởi các dự án bất động sản, đắp cao hơn vùng nội thị Đà Nẵng dẫn đến ngập ở khu vực trung tâm. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa cũng khiến nước mưa không có chỗ thấm làm tăng thêm lượng nước ứ...
Trước tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng lên kế hoạch xử lý thoát nước trên địa bàn thành phố năm 2019, với mục tiêu tập trung các nguồn lực để xử lý thoát nước, giải quyết ngập úng trong đô thị và khu công nghiệp. Nguồn kinh phí dự kiến lên đến hơn 3.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và vốn vay.
Chống ngập có khả thi?
"UBND TP Đà Nẵng giao các sở, ngành chức năng và các ban QLDA thực hiện 14 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, triển khai phân cấp quản lý hệ thống thoát nước; Xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống thoát nước; Xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa kênh, mương, cống thoát nước; Sửa chữa, cải tạo hệ thống cống, kênh, mương thoát nước... nhằm cơ bản giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố."
Theo kế hoạch, trong năm 2019, UBND TP Đà Nẵng giao Ban QLDA đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng và Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng 2.450 tỷ đồng để triển khai các công trình thoát nước ven biển khu vực phía Đông; Các Ban QLDA và các chủ đầu tư được giao 480 tỷ đồng để thực hiện và cơ bản hoàn thành các công trình thoát nước xử lý điểm ngập úng trên địa bàn thành phố; Sở Xây dựng TP Đà Nẵng được giao 100 tỷ đồng để xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2025; Ban QLDA đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng được giao 190 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa các tuyến cống liên phường bị hư hỏng, xuống cấp...
Lãnh đạo Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, kế hoạch xử lý thoát nước của thành phố năm 2019 sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố và các vấn đề về môi trường liên quan đến thoát nước khu vực ven sông, ven biển, khu vực phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, quy hoạch đô thị của Đà Nẵng đan xen giữa mới và cũ. Do đó, để triển khai kế hoạch thoát nước có hiệu quả, cơ quan chức năng cần khảo sát kỹ để đánh giá được đâu là điểm “nóng” thoát nước. Nếu thành phố bố trí nguồn kinh phí để duy tu, nạo vét, nâng cấp hệ thống cống thoát nước thì quá tốt.
Liên quan đến việc nên dùng số tiền đầu tư chống ngập vào đâu, KTS Hoàng Quang Huy, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng cho rằng, để Đà Nẵng hết ngập, trước tiên phải nạo vét hệ thống cống, kênh, mương thoát nước và quản lý câu chuyện vứt rác thải bừa bãi khiến cống rãnh tắc nghẽn. “Sau đó, rà soát lại quy hoạch tất cả mương cống thoát nước từ trước đến nay, đặc biệt là các cống thoát nước đầu mối chứ không nên làm đại trà”, ông Huy nói.