Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị tuyên 18 năm tù
Bản án do TAND Hà Nội công bố chiều nay, tuyên cựu vụ phó Trịnh Thanh Hùng 14 năm tù, ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng, Bộ Y tế) 8 năm tù, Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng, Bộ Y tế) 7 năm tù, Nguyễn Huỳnh (thư ký của cựu bộ trưởng Long) án 9 năm tù; Phạm Duy Tuyến (cựu giám đốc CDC Hải Dương) 13 năm tù; Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) 29 năm tù.
Ông Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương) được miễn trách nhiệm hình sự. Ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc mỗi người 3 năm tù.
HĐXX khẳng định khi lượng hình đã xét kỹ "công và tội". Tất cả bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn đề nghị của VKS.
Ông Danh "dám nghĩ, dám làm" nên được khoan hồng đặc biệt
Tòa đánh giá 38 bị cáo đều thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp cơ quan điều tra làm rõ vụ án, tích cực khắc phục hậu quả. Một số bị cáo không được hưởng lợi vẫn tự nguyện nộp tiền, nộp thừa tiền bị quy kết.
Ông Nguyễn Thành Danh được tòa áp dụng chính sách "khoan hồng đặc biệt". Tòa ghi nhận ông có thể nghỉ chế độ song trước tình hình dịch bệnh bùng nổ ở mức căng thẳng tại địa phương, khi được yêu cầu vẫn không quản ngại tiếp tục cống hiến và công tác, chống dịch tại địa phương. Ông nhận thức rõ, hành động của mình khi đó có thể dẫn tới việc bị xử lý song vẫn "dám nghĩ dám làm", nhận trách nhiệm.
Tòa đánh giá ông Danh "không tư lợi", nhiều lần kiên quyết từ chối lợi ích từ Việt Á, hơn nữa còn cảnh tỉnh cấp dưới tránh sai phạm.
Giảm án cho người phạm tội khi chống dịch nhưng không hưởng lợi
HĐXX đánh giá "một phần nguyên nhân gây ra sai phạm của các bị cáo" do trong khi cả hệ thống phải chống dịch bằng mọi cách thì sinh phẩm, vật tư y tế lại không có nên lâm vào thế "vỡ trận". Thời điểm này, dịch bệnh bùng phát cực kỳ nguy hiểm ở Việt Nam và trên thế giới khiến người dân hoang mang lo sợ.
Tuy nhiên, sai phạm của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Hành vi của một số bị cáo là suy thoái tư tưởng, băng hoại đạo đức.
Tòa nói đã cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ và có chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo "phạm tội khi tham gia chống dịch nhưng không hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít".
Các bị cáo đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Riêng bị cáo Trịnh thêm một số tình tiết giảm nhẹ khác do tự thú về hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác điều tra.
Bản án ghi nhận Tổng giám đốc Phan Quốc Việt cùng cấp phó Vũ Đình Hiệp có "đóng góp tích cực" về công sức, máy móc, nhân lực trong công cuộc phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.
Ở nhóm cựu quan chức, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cựu bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng, cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc và các cán bộ Sở Y tế, CDC các tỉnh... được tòa đánh giá "có công lao rất lớn", "đặc biệt tích cực", xung phong trên các chiến tuyến phòng và dập dịch Covid-19.
Về tính chất đồng phạm, bản án cho rằng mỗi bị cáo đều tiếp nhận ý chí của nhau ở một mức độ, mỗi người là "mắt xích" trong tổng thể sai phạm. Tuy nhiên, họ phạm tội ở mức độ "không hoàn toàn khăng khít", không có phân công, thỏa thuận nhiệm vụ cụ thể mà ở từng giai đoạn cụ thể có những sai phạm cùng nhau, gián tiếp hoặc trực tiếp.
Do đó, tòa đánh giá đây không phải vụ án có tính chất "phạm tội có tổ chức". Riêng Phan Quốc Việt "lợi dụng dịch bệnh để trục lợi" nên là tình tiết tăng nặng hình phạt.
Về nguyên tắc, những người gây thiệt hại phải có trách nhiệm liên đới bồi thường song tòa xét thấy toàn bộ thiệt hại của vụ án đã được xác định là tiền Công ty Việt Á thu được từ việc bán hơn 4 triệu kit test. Do đó, HĐXX không buộc 21 bị cáo thuộc nhóm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng phải bồi thường mà buộc bị cáo Phan Quốc Việt phải liên đới bồi thường 402 tỷ đồng thiệt hại tại 21 tỉnh thành liên quan (Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau, Bình Phước, Ninh Thuận, Hà Nội, Yên Bái, Hà Giang, Nam Định, Đăk Lăk, Tiền Giang, Lâm Đồng, Sơn La, Phú Thọ...).
Với 788 tỷ đồng mà 193 đơn vị, tổ chức, cá nhân còn nợ Việt Á từ các hợp đồng mua bán kit test, vật tư y tế, tòa tuyên Việt Á có quyền yêu cầu thanh toán trên cơ sở đơn giá đã được xác định từ tài liệu vụ án, là 143.000 đồng/kit test. Nếu có tranh chấp hoặc vấn đề khác, Việt Á và các đơn vị này có thể thỏa thuận hoặc khởi kiện tại các vụ án dân sự.
Riêng 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Phan Quốc Việt và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo này, tổng hơn 142 tỷ đồng, tòa cho rằng "đều là tài sản có được từ việc bán kit test xét nghiệm của Việt Á" nên không trả lại mà tiếp tục kê biên đảm bảo thi hành án cùng các tài sản khác của Việt.
VKS đề nghị giảm án, miễn trách nhiệm hình sự với 4 người
14h30 hôm nay TAND Hà Nội tuyên án. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc, VKS cho rằng sau quá trình xem xét lại "nhận thấy có một số thay đổi với bốn bị cáo".
Theo đó, VKS đánh giá ông Danh nhân thân tốt, là công dân ưu tú, không hưởng lợi nên đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Hôm 8/1, ông Danh được đề nghị mức án nhẹ nhất vụ án với mức phạt bằng thời gian tạm giam.
Đề nghị tương tự cũng được cơ quan công tố đưa ra với ông Trần Thanh Phong, cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương.
Trong thay đổi tiếp theo, VKS đề nghị cho bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương, được hưởng 30-36 tháng tù treo (trước đó 2-3 năm tù) về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Với bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý phó thủ tướng, VKS cho rằng ông Trịnh có đơn tự thú, thành khẩn khai báo, nộp lại tiền khắc phục nên đề nghị giảm nhẹ hình phạt xuống còn 5-6 năm về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, VKS đề nghị tuyên ông Trịnh 7-8 năm.
Sau khi tạm nghỉ ít phút hội ý, TAND Hà Nội tiếp tục tuyên án.
Đây là vụ đại án đầu tiên xét xử cùng lúc ba người từng là cựu ủy viên trung ương và gần 19 cựu cán bộ của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Y tế và CDC các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương. 38 bị cáo liên quan chuỗi sai phạm của Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt, khởi nguồn từ đầu năm 2020.
Qua 5 ngày xét hỏi và tranh tụng, các bị cáo đều thừa nhận hành vi, nói hối hận khi để xảy ra sai phạm và tích cực khắc phục số tiền hưởng lợi. Trước khi hầu tòa, các bị cáo đã nộp hơn 77 tỷ đồng và 2,65 triệu USD. Trong đó, người nộp nhiều nhất là ông Long 2,25 triệu USD (gần 55 tỷ đồng), Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương, hơn 12 tỷ; ông Chu Ngọc Anh 4,6 tỷ... Riêng Việt nộp hơn 200 triệu đồng và xin tự nguyện dùng tài sản, sổ tiết kiệm trị giá hơn 482 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, nắm bắt chủ trương của Chính phủ về nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch, Việt tìm cách để Việt Á được thực hiện đề tài cùng Học viện Quân y. Việt sau đó biến sản phẩm nghiên cứu do Nhà nước sở hữu thành của công ty.
Việt bị cáo buộc hối lộ một số quan chức bộ ngành, địa phương, tổng 82 tỷ đồng, để Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, hiệp thương kit test với giá 470.000 đồng (gấp 3 lần quy định). Tính đến trước khi vụ án bị phát giác, Việt Á được nhà nước thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Bởi thế hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị cơ quan điều tra xác định là "hưởng lợi bất chính".