Cuộc đua song mã giữa startup fintech và ngân hàng truyền thống trở nên nóng bỏng ở Đông Nam Á
Theo một nghiên cứu do Google, Temasek Holdings và Bain & Co thực hiện, một nửa trong số gần 400 người trưởng thành ở Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, hơn 90 triệu người nữa "chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ".
Nhóm người dùng này có tài khoản ngân hàng nhưng chưa tiếp cận được với các sản phẩm đầu tư, bảo hiểm hay thẻ tín dụng. Hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đối mặt với tình trạng thiếu vốn, báo cáo nêu.
Theo Nikkei, vấn đề này được thể hiện rõ ở Indonesia, nơi hơn 70% dân số trưởng thành (khoảng 140 triệu người) chưa được ngân hàng phục vụ hoặc chưa đươc phục vụ đầy đủ, một phần vì chi phí dịch vụ truyền thống quá đắt đỏ.
Xây dựng mạng lưới ngân hàng vật lý, ví dụ như chi nhánh hay ATM, ở quốc gia gồm 17.000 hòn đảo để phục vụ phần đa là người dùng thu nhập thấp, trở thành một điều gần như bất khả thi.
Dù vậy, tỷ lệ sử dụng smartphone cao đang thay đổi thực tế này. GoTo, công ty công nghệ lớn nhất Indonesia, sẽ sớm cung cấp dịch vụ ngân hàng sau khi tích hợp với đối tác ngân hàng địa phương Bank Jago để cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm số của các ngân hàng truyền thống như DBS hay UOB.
Với GoTo, pháp nhân hậu sáp nhập của Gojek và Tokopedia, việc dấn thân sâu hơn vào mảng dịch vụ tài chính được xem là một sự phát triển tự nhiên của các dịch vụ hiện đã có trên "siêu ứng dụng" này.
Dịch vụ ví điện tử GoPay cho phép người dùng nộp tiền mặt ở các cửa hàng tiện lợi và sau đó dùng ứng dụng để mua sắm. GoPay cũng có dịch vụ "mua trước, trả sau" và thậm chí còn có tính năng đầu tư mua vàng.
Cuối năm ngoái, Gojek mua 22% cổ phần Bank Jago với tham vọng cung cấp dịch vụ ngân hàng đầy đủ. Người dùng GoPay ở Indonesia sẽ sớm có thể mở tài khoản ngân hàng Bank Jago ngay trong ứng dụng này.
Tiền trong ví điện tử GoPay được xem là một khoản tiền gửi ở Bank Jago. Người dùng cũng được cấp ngay một thẻ ghi nợ (debit) Visa và được tiếp cận với các dịch vụ đầu tư. Bên cạnh đó, họ cũng được nhận một số ưu đãi như giảm giá khi mua sắm trên Tokopedia.
Dịch vụ mà GoTo có giống như sự kết hợp của Amazon.com, Robinhood, PayPal và Citibank trong một ứng dụng. Ông Budi Gandasoebrata, giám đốc điều hành GoPay, nói rằng mục tiêu cuối cùng là "trở thành một phần cốt lõi trong cách người dùng quản lý tài chính".
Bên cạnh đó, GoTo cũng lên kế hoạch cung cấp dịch vụ ngân hàng tương tự với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dùng các dịch vụ khác của Gojek và Tokopedia trong 5 năm tới.
Không khó để thấy lý do vì sao Indonesia trở thành tâm điểm tập trung đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng. Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, một nửa trong số này có độ tuổi từ 30 trở xuống, và yêu công nghệ.
Theo BCG, Indonesia có tỷ lệ TMĐT cao thứ 2 Đông Nam á, chỉ đứng sau Indonesia, vào cuối năm 2019. Nhóm dân số từ trung lưu trở lên ở đây cũng được kỳ vọng sẽ tăng 130% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2024. Cùng kỳ, doanh thu ngân hàng sẽ tăng từ 47 tỷ USD lên 77 tỷ USD.
Đầu năm nay, Sea cũng thâu tóm phần lớn cô phần của nhà băng Indonesia Bank Kesejahteraan Ekonomi. Akulaku, công ty fintech được Ant Group đầu tư, cũng gia nhập "sân chơi" bằng cách thành cổ đông lớn nhất của Bank Yudha Bhakti (sau đó đổi tên thành Bank Neo Commerce).
Ngân hàng vẫn nắm phần thắng trong dịch vụ ngân hàng số
Bất chấp sự phát triển của các startup, các ngân hàng lớn ở Đông Nam Á như DBS hay UOB vẫn là những cái tên dẫn đầu trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng số trong khu vực.
UOB ra mắt ngân hàng số TMRW ở Thái Lan vào năm 2019 và tại Indonesia một năm sau đó. Dịch vụ này hiện đã có hơn 400.000 người dùng.
Bà Janet Young, Giám đốc kênh phân phối và số hoá UOB, nói rằng UOB cảm nhận được cạnh tranh ngày càng lớn từ các công ty công nghệ.
"Chúng tôi coi họ là đối thủ vì họ có hệ sinh thái riêng nhưng lại không có nhiều các quy định vì không phải ngân hàng. Vận hành một ngân hàng với tất cả những yêu cầu về điều hành và tuân thủ hoàn toàn khác so với một ví điện tử", bà nhấn mạnh.
Khác với những đối thủ mới, bà Young nói rằng TMRW được thiết kế nhắm đến những người trẻ mới đi làm. Theo bà, UOB không dùng dịch vụ ngân hàng số như một "cách phòng thủ" đối với ác công ty công nghệ.
Thay vào đó, bà nói rằng, "chúng tôi dùng TMRW như một cách để có thêm khách hàng". Bà cho rằng đây là một cách thâu tóm khách hàng hiệu quả và chi phí thấp hơn so với các điểm giao dịch truyền thống. Bên cạnh đó, ngân hàng số cũng có khả năng tăng quy mô nhanh hơn.
Tháng trước, UOB nói sẽ đầu tư thêm 371 triệu USD vào dịch vụ số. "Hành vi người dùng chuyển đổi sang số. Nếu chúng tôi không số hoá, chúng tôi bỏ qua cơ hội được phục vụ họ", bà Young khẳng định.
Trong cuộc đua ngân hàng số, ngân hàng truyền thống có lợi thế lớn ở nguồn vốn đầu tư dồi dào và danh tiếng cũng như các mối quan hệ, ông Gavin Yue, một chuyên gia tại Kapronasia, chia sẻ. Lợi thế về vốn mang đến các tác động lớn liên quan đến hoạt động marketing, chiến lược giá và thâu tóm khách hàng.
Dù vậy, các công ty startup lại có lợi thế ở hạ tầng dữ liệu linh hoạt. Phân tích dữ liệu và sản phẩm có thể giúp các startup mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Cuộc "cách mạng" fintech ở Đông Nam Á cũng buộc một số công ty khác trong hệ sinh thái tài chính như Visa hay Mastercard phải thích nghi.
Ông Matthew Wood, giám đốc hợp tác số và fintech tại Châu Á Thái Bình Dương của Visa, nói rằng Visa đang hợp tác với 50 – 60 công ty fintech mỗi năm ở khu vực. Visa và Mastercard đều đang mở rộng hợp tác ra bên ngoài các ngân hàng truyền thống. Năm 2019, Visa đầu tư vào Gojek, trong khi đó Mastercard là đối tác của Grab.
Theo ông Yue, cạnh tranh trong lĩnh vực sẽ giúp khách hàng là người hưởng lợi cuối cùng.