|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cuộc đua sáp nhập, mở rộng tại các thành phố

15:17 | 02/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022 vừa qua, đã có 8 huyện, thành phố trên cả nước đã được đề xuất và chốt mở rộng địa giới hành chính, như TP Vinh, TP Hà Tĩnh, TP Thanh Hoá, TP Tam Kỳ...

Trong bối cảnh kinh tế đang trên đà tăng trưởng hiện nay, nhu cầu mở rộng quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển là điều cấp thiết đối với nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê của người viết, tính riêng trong năm 2022, đã có 8 huyện/thành phố từ bắc chí nam đã được chốt phương án hoặc được đề xuất mở rộng diện tích.

Sáp nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang

Tại Bắc Giang, hồi giữa năm, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2025.

Trong đó, tỉnh định hướng xây dựng đề án sáp nhập huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang; thành lập thị xã Việt Yên; sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn (mới) và huyện Sơn Động sau khi điều chỉnh phần diện tích thuộc Trường bắn Quốc gia TB1 về huyện Lục Ngạn (mới). 

TP Bắc Giang sẽ hướng đến là đô thị loại II và được mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang; tỉnh cũng điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn thành thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn.

TP Nam Định dự kiến mở rộng gấp 2,6 lần

Năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án mở rộng TP Nam Định và thành lập một số phường thuộc TP Nam Định.

Phạm vi nghiên cứu lập đề án mở rộng với diện tích tự nhiên khoảng 120,9 km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Nam Định với diện tích tự nhiên là 46,41 km2 và quy mô dân số hiện có của TP Nam Định và toàn bộ địa giới hành chính huyện Mỹ Lộc với diện tích tự nhiên là 74,49 km2 và quy mô dân số hiện có của huyện Mỹ Lộc.

Sau khi sáp nhập, diện tích TP Nam Định sẽ tăng gấp khoảng 2,6 lần so với hiện nay, từ 46,41 km2 lên thành 120,9 km2.

Sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hoá từ 1/7/2023

Ngày 13/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định phê duyệt Đề cương nhiệm vụ thực hiện Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Thời gian thực hiện đề án sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2022 đến 1/4/2023.

Dự kiến từ 0h ngày 1/7/2023, TP Thanh Hóa mới (sau khi nhập huyện Đông Sơn) sẽ chính thức hoạt động theo địa giới hành chính mới.

Trước đó, tại Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 vào tháng 1 vừa qua, đại diện Viện Quy hoạch Kiến trúc Thanh Hóa cho biết, TP Thanh Hóa được mở rộng theo hướng sáp nhập huyện Đông Sơn, nhằm kết nối trung tâm thành phố với cao tốc Bắc - Nam, bổ sung hướng phát triển liên kết thành phố trung tâm với khu vực phía tây Thanh Hóa.

TP Vinh sẽ mở rộng sang Cửa Lò và Nghi Lộc

Một góc TP Vinh hiện nay. (Ảnh: Hoàng Huy).

Ngày 9/8, Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo đề án mở rộng địa giới và không gian đô thị TP Vinh do Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức đã thống nhất phương án nhập thị xã Cửa Lò và 6 xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cơ bản thống nhất lựa chọn phương án lấy 5 xã huyện Nghi Lộc (Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái) và thị xã Cửa Lò vào TP Vinh.

Sau khi mở rộng, diện tích tự nhiên của TP Vinh hơn 173 km2 (đạt 115,59%), dân số trên 452.000 người, thành lập thêm một số phường từ các xã.

Theo quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050, vùng nghiên cứu phát triển TP Vinh có diện tích khoảng 250 km2, bao gồm toàn bộ TP Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò, một phần huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc.

Mô hình phát triển đô thị độc lập nhưng kết nối đồng bộ ba khu vực đô thị: Vinh - Hưng Nguyên; Cửa Lò; Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam bằng các trục giao thông chính.

Không gian đô thị Vinh được chia thành 4 phân vùng trong đó có ba phân vùng phát triển đô thị và một phân vùng là khu vực liên kết, cụ thể: Khu vực đô thị trung tâm, gồm TP Vinh hiện hữu và mở rộng về phía tây thuộc huyện Hưng Nguyên; khu vực đô thị Cửa Lò hiện hữu và mở rộng về phía tây thuộc huyện Nghi Lộc; khu vực đô thị Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam; vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven của các phân vùng phát triển.

Mở rộng TP Hà Tĩnh qua đường tránh quốc lộ 1A  

Trung tâm TP Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Huy).

Năm 2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, TP Hà Tĩnh sẽ mở rộng không gian với định hướng về các hướng tây, nam và đông.

Cụ thể, hướng tây sẽ mở rộng vượt qua đường tránh quốc lộ 1A, kết nối với khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia, phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ.

Hướng nam mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo, nghiên cứu và sản xuất.

Hướng đông mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía Biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của tỉnh.

Sáp nhập huyện Núi Thành, Phú Ninh vào TP Tam Kỳ 

Một góc TP Tam Kỳ. (Ảnh: Truyền hình Quốc hội).

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước có buổi làm việc với TP Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và Phú Riềng để xem xét thống nhất ranh giới điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Đồng Xoài.

Tại buổi làm việc hồi tháng 8, Sở Xây dựng Quảng Nam đã báo cáo kết quả xây dựng chương trình phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 dựa trên quy hoạch, sắp xếp 3 đơn vị hành chính: Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành.

Lãnh đạo TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Núi Thành đã thống nhất chủ trương sáp nhập để tập trung xây dựng, phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Dự kiến quý II/2023 tỉnh sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua đề án sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh và đến năm 2024 tiến hành sáp nhập.

Mở rộng TP Nha Trang về phía Diên Khánh

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 27.502 ha, bao gồm khoảng 26.622 ha thuộc TP Nha Trang và khoảng 880 ha thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Diên Khánh. Quy mô dân số của thành phố đến năm 2030 khoảng 640.000 người và đến năm 2040 khoảng 780.000 người.

TP Nha Trang sẽ tập trung phát triển các khu vực trung tâm ven biển và phía nam sông Cái; sân bay cũ; các phường Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên; phía tây đường Lê Hồng Phong; khu đô thị ven biển từ bắc sông Cái đến Mũi Kê Gà; khu vực từ phía nam núi Cô Tiên đến phía bắc núi Hòn Ngang; khu đô thị phía bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê; khu vực đô thị phía tây Nha Trang.

Khu vực phía nam đường Phong Châu và tây sông Tắc; khu vực Phước Đồng - Hòn Rớ - phía bắc núi Cù Hin; khu vực Đồng Bò - Trảng É; khu vực phía tây bắc Quốc lộ 1 (xã Vĩnh Phương); khu vực xã Vĩnh Lương, phía bắc núi Hòn Ngang và khu vực vịnh Nha Trang.

Một góc TP Nha Trang. (Ảnh tư liệu: Khải An).

Bà Rịa - Vũng Tàu muốn sáp nhập Long Hải với Long Điền

Vào tháng 4, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc nghe Sở Xây dựng báo cáo về dự thảo Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo dự thảo này, đến năm 2025 toàn tỉnh có 13 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I là thành phố Vũng Tàu; 2 đô thị loại II là: Bà Rịa, Phú Mỹ; 2 đô thị loại IV là: thị trấn Long Hải, thị trấn Côn Sơn (Côn Đảo); 8 đô thị loại V gồm: Ngãi Giao, Phước Bửu, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Hải, Kim Long, Bình Châu, Hoà Bình.

Đến năm 2030 toàn tỉnh có 16 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I là TP Vũng Tàu; 2 đô thị loại II là: Bà Rịa, Phú Mỹ; 2 đô thị loại III là Côn Đảo và Long Hải (tại thời điểm này sẽ xem xét sáp nhập Long Hải với Long Điền); 2 đô thị loại IV là Long Điền, Ngãi Giao; 9 đô thị loại V gồm: Kim Long, Phước Bửu, Đất Đỏ, Phước Hải, Lộc An, Phước Bửu, Bình Châu, Hoà Bình, Hồ Tràm.

Một góc TP Vũng Tàu. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu).

Dự kiến mở rộng TP Đồng Xoài gần gấp đôi

Tại Bình Phước, lãnh đạo tỉnh hồi tháng 5 đã có buổi làm việc với TP Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và Phú Riềng để xem xét thống nhất ranh giới điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Đồng Xoài.

Đại diện UBND TP Đồng Xoài cho biết để mở rộng không gian đô thị của thành phố, đảm bảo đủ điều kiện tiêu chí cho thành phố Đồng Xoài lên đô thị loại II, địa phương đề xuất điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính chủ yếu về phía bắc và phía đông thuộc huyện Đồng Phú.

Dự kiến sau khi mở rộng, diện tích tự nhiên của TP Đồng Xoài là 310,5 km2, tăng 142,8 km2 so với địa giới hành chính hiện hữu. Trong đó, diện tích mở rộng về xã Thuận Phú 60,5 ha; mở rộng về xã Đồng Tiến 43,3 km2, xã Tân Phước 17,3 km2, xã Tân Hưng 21,6 km2. Diện tích còn lại của xã Thuận Phú sẽ gộp vào xã Thuận Lợi, diện tích còn lại của xã Đồng Tiến sẽ gộp vào xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú.

Thống nhất mở rộng TP Bến Tre

Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bến Tre khóa X đã thông qua Nghị quyết về việc xây dựng TP Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I trước năm 2030, trong đó có nội dung đề xuất mở rộng đơn vị hành chính thành phố trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Để thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại I, tỉnh Bến Tre đã thống nhất phương án mở rộng địa giới hành chính của TP Bến Tre theo hướng điều chỉnh sang các xã: Sơn Hòa, An Hiệp, Hữu Định (Châu Thành); Sơn Phú (Giồng Trôm); Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc).

Hoàng Huy