|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cuộc di dân lịch sử - Trả lại không gian xưa kinh thành Huế

10:00 | 13/01/2019
Chia sẻ
Sẽ có hơn 4.200 hộ với 1 vạn rưỡi dân sống ở khu vực I di tích Kinh thành Huế đồng ý ra đi, trả lại không gian xưa cho Di sản Văn hóa Thế giới.

Ngay từ những ngày đầu năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi động Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế”. Đề án thực hiện trong 6 năm, từ nay đến năm 2025 với kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng. Theo đó, sẽ có hơn 4.200 hộ với 1 vạn rưỡi dân sống ở khu vực I di tích Kinh thành Huế đồng ý ra đi, trả lại không gian xưa cho Di sản Văn hóa Thế giới.

Đây là “cuộc di dân lịch sử” lớn nhất từ trước tới nay trong Kinh thành Huế. Rồi đây, bao thế hệ người dân từng sống ở khu vực này thoát cảnh “sống mòn” trên di sản.

cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Nhiều nhà dân sống trên thượng thành, thuộc di tích Kinh thành Huế
cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Một khu dân cư hình thành quanh hộ Thành Hào Kinh thành Huế tồn tại hàng chục năm nay

Bà Huỳnh Thị Út, người dân ở tổ 14, phường Thuận Lộc, thành phố Huế vừa cho biết cuộc sống của gia đình bà và người dân nơi đây. Mong muốn lâu nay của bà con là được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, trả lại không gian di tích Kinh thành Huế.

Khu dân cư này nằm ở phía Đông - Nam của Thượng Thành thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế, chỉ cách Đại Nội gần 1 cây số. Thế nhưng, hàng chục năm nay, ngay giữa lòng Cố đô Huế, tại một di sản văn hoá thế giới lại dày đặc những khu “nhà ổ chuột”. Để vào được những ngôi nhà nằm sâu trên mặt Thượng Thành, người dân phải đi bộ, nghiêng người lách qua con đường luồng chật hẹp. Hàng ngàn gia đình sống “bấu víu” trên nền di sản văn hóa thế giới này.

cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Một khu dân cư hình thành trên bề mặt tường thành Kinh thành Huế
cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Một góc Kinh thành Huế bị dân lấn chiếm dựng nhà ở nhiều năm nay.

Gọi là “nhà” nhưng chỗ ở của nhiều thế hệ trong gia đình chỉ rộng vài mét vuông. Nhiều căn nhà chỉ đủ kê 1 chiếc giường nhỏ. Toàn bộ vật dụng từ soong, nồi, chén, bát, đồ dùng sinh hoạt treo chằng chịt trên tường, trần nhà. Có gia đình dùng cả lỗ châu mai trên mặt tường thành Kinh thành Huế làm nhà vệ sinh, xả rác bừa bãi trên nền di tích. Ông Trần Văn Cẩm, Tổ trưởng tổ 14, phường Thuận Lộc than thở, do bức bách chỗ ở, người dân bất đắc dĩ phải dựng nhà ở tạm, trồng rau trên đất di tích.

Ông Cẩm cho biết: "Nhà cửa chật hẹp, nhà xây cũng không được, Nhà nước đâu cho xây, chỉ có sửa chữa tạm. Mỗi lần mưa bão, phường phải tập trung về đây giúp đỡ cho bà con chống nhà cửa, di dời dân, còn nhiều khó khăn. Con cái không có điều kiện học hành, đa phần học đến lớp 8, lớp 9 là nghỉ học đi làm ăn, cuộc sống cũng vất vả lắm".

Bà Lê Thị Ngọc Thúy, ở tổ 14, phường Thuận Lộc, thành phố Huế ngậm ngùi kể, gia đình có 5 anh em, ngày trước ở chung với bố mẹ. Bây giờ, ai cũng có vợ con phải ra riêng. Bà che tạm cái lều nhỏ chừng 5 mét vuông sát chân tường Kinh thành Huế làm nơi trú ngụ. Mỗi lần trời mưa bão, nước dột tứ bề, cả gia đình dắt díu sang nhà bà con tránh mưa gió.

cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Hơn 2.400 hộ dân lấn chiếm khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế
cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Nhà cửa xây dựng tạm bợ, nhếch nhác trên Thượng Thành Kinh thành Huế.

Năm 1993, quần thể Di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (gọi tắt là UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Thượng Thành - Eo Bầu Kinh thành Huế trở thành khu vực I của di tích cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ đó, người dân nơi đây bị “trói chặt” bởi những quy định của Luật Di sản Văn hóa. Nhà ở xuống cấp không được sửa chữa, cơi nới hoặc xây mới; nhiều gia đình 3-4 thế hệ, cả chục người sống chen chúc trong những căn nhà chật chội, dột nát.

Ông Lê Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, thành phố Huế cho biết, hầu hết bà con ở đây là lao động nghèo, chủ yếu đạp xích lô, xe thồ và buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày. Bà con cũng thấy có lỗi với tiền nhân khi xâm hại di tích này. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, bà con nhắm mắt ở liều và ai cũng mong được hỗ trợ tái định cư để ổn định cuộc sống, trả lại không gian xưa cho di tích.

Ông Hưng chia sẻ: "Từ năm 1975 đến nay, bà con đều ở tạm bợ. Không an cư không lạc nghiệp được, nên cứ mưu sinh bằng lao động phổ thông. Những tệ nạn xã hội xảy ra thường xuyên. Chúng tôi cũng băn khoăn nhất khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là mưa bão, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của bà con rất cao".

cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Nhiều gia đình sử dụng cả lỗ châu mai làm nơi đi vệ sinh.
cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Một ngôi nhà xây tạm trên Kinh thành Huế

Kinh thành Huế nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế. Xung quanh thành có 24 pháo đài (hay còn gọi là Eo bầu). Thành dài gần 12 cây số, được đắp bằng đất và xây gạch hai bên, mặt thành dày 21 mét. Sau năm 1945, chiến tranh loạn lạc, trong nội thành không ai quản lý, người dân vào sống men theo tường Kinh thành và khu vực Eo Bầu. Lâu dần, nơi đây hình thành cụm dân cư. Người dân nghèo lấn chiếm bề mặt Thượng Thành, Eo Bầu dựng nhà và trồng hoa màu. Hiện, có 4.200 hộ dân với khoảng 1 vạn rưỡi người dân thuộc 7 phường của thành phố Huế đang sống và canh tác trong khu vực này.

Thời gian, thiên tai, chiến tranh và dưới tác động ồ ạt của con người, Kinh thành Huế ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, gần một nửa vòng tường thành của Kinh thành Huế đã hỏng nặng. Hộ thành hào, kè đá hai bờ nhiều đoạn bị phá hủy hoàn toàn. Hơn 40 hồ trong Kinh thành bị lấp gần 1/5, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải của người dân. Ngay trên Thượng Thành và tại Vọng lâu của các cổng thành hiện vẫn còn 13 lô cốt quân sự bằng bê tông cốt thép được xây dựng trước năm 1975. Theo ông Phan Thanh Hải, việc người dân lấn chiếm đất Kinh thành dựng nhà trú ngụ trên Thượng Thành, xả rác, nước thải sinh hoạt.. đã làm cho nền đất ngày càng lún sâu, nứt hỏng nhiều chỗ.

Ông Hải cho biết: "Hiện nay, dân cư sống trên Thượng thành số lượng khá lớn. Cuộc sống hàng ngày của họ đã ảnh hưởng trực tiếp đến di tích, đến sự bền vững của di tích. Rất nhiều đoạn Kinh thành đã bị vỡ, bị hỏng, nứt nẻ, sụt lún khá nặng nề do tình trạng người dân sống ở trên đó. Rồi nước thải sinh hoạt, rất nhiều vấn đề liên quan, cần có kế hoạch để giải toả đầu tiên".

cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Người dân sống trên bề mặt Thượng thành phải xây cầu thang để lên xuống.
cuoc di dan lich su tra lai khong gian xua kinh thanh hue
Người dân xả rác bừa bãi trên nền di tích Kinh thành Huế.

Cố đô Huế được công nhận Di sản Văn hoá Thế giới, cần bảo vệ nghiêm ngặt và gìn giữ chu đáo. Trên Thượng thành Kinh thành Huế, tình trạng người dân lấn chiếm xây nhà trái phép, xâm hại di tích đã vi phạm các cam kết về bảo vệ sự toàn vẹn di sản. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản Việt Nam cho rằng, cần sớm di dân ra khỏi khu vực I Kinh thành Huế trả lại không gian xưa cho di tích.

"Tôi nghĩ, nếu kéo dài tình trạng này mà không xử lý thì những người sống ở đấy cũng chẳng sung sướng gì. Có được xây thêm đâu, có được cơi nới đâu, nhân khẩu thì cứ phát triển. Mà sống như thế cũng rất khổ. Và nếu không giải quyết thì không có trách nhiệm với di sản và công dân của tỉnh. Tôi nghĩ, làm được việc đó là xử lý được bức xúc của xã hội. Thứ hai là chúng ta thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế, giữ gìn được toàn vẹn di sản của chúng ta", PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết.

Kinh thành Huế là báu vật của quốc gia. Di dời dân ra khỏi vùng di tích, trả lại không gian xưa Kinh thành Huế là việc làm cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài 2 của Loạt phóng sự “Cuộc di dân lịch sử - Trả lại không gian xưa kinh thành Huế”.

Nhóm phóng viên