|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Của cho không bằng cách cho

15:40 | 14/04/2019
Chia sẻ
Carrefour là một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất của Pháp và châu Âu. Những năm gần đây, ngoài những siêu thị khổng lồ ở ngoại ô các thành phố, Carrefour mở thêm hàng loạt cửa hàng Carrefour City ở nội đô. Cửa hàng của những thương hiệu khác như G20 bị Carrefour City thế chỗ.
Của cho không bằng cách cho - Ảnh 1.

Điểm quan trọng có lẽ là “của cho không bằng cách cho” và chọn đối tác để cho. Ảnh Nguyễn Nam.

Nằm trong khu dân cư trung tâm đô thị, có đủ hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, lại “linh động” mở cửa sáng Chủ nhật đến tận trưa (ở Pháp tất cả các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa ngày Chủ nhật theo quy định của luật), nên Carrefour City ăn nên làm ra trông thấy dù giá cả hàng hóa có mắc hơn tại các siêu thị to.   

Carrefour bán nhiều hàng nhập khẩu. Đến quả khế chua hoặc khế ngọt tươi rói còn có. Họ nhập hàng ở đâu không biết, chỉ biết rất ít khi tìm thấy hàng Việt Nam. Gạo có đủ loại, từ của Pháp, Ý, châu Phi đến Thái Lan, nhưng không có gạo Việt Nam.

Khoảng vài  năm nay, gạo Campuchia bán chạy ở Carrefour. Đấy là loại gạo hạt dài, trong suốt, đều tăm tắp, nấu lên dính và dẻo, giá 2,4 euro/ki lô gam. Thỉnh thoảng Carrefour khuyến mãi, gạo Campuchia giảm còn 1,97euro/ki lô gam và khách hàng mua vèo vèo.

Các đợt khuyến mãi của Carrefour dễ khiến liên tưởng đến các đợt bán hàng giảm giá của hệ thống VinMart ở Việt Nam. VinMart cạnh tranh được với các kênh phân phối truyền thống như chợ không phải chỉ do vị trí đặt cửa hàng thuận lợi, thời gian mở cửa kéo dài, hàng hóa đa dạng, mà còn nhờ giá.

Tuần trước VinMart tiếp nhận 87 cửa hàng của Shop & Go với giá tượng trưng 1 đô la Mỹ. Shop & Go kinh doanh không có lời và có cục nợ không nhỏ. Nếu nộp đơn xin phá sản, họ có thể gặp sự phản đối quyết liệt từ các chủ nợ. Dừng hoạt động đồng loạt, thanh lý hợp đồng thuê mặt bằng trước hạn, họ có thể bị phạt. Giải quyết hậu quả hàng tồn cũng mất thời gian. Thay vào đó, họ đã “khôn ngoan” đàm phán để “tặng” cả hệ thống cho VinMart. Tất nhiên VinMart phải gánh nợ, phải xử lý những tồn tại của Shop & Go, tức là phải bỏ tiền vào để Shop & Go tiếp tục hoạt động dưới tên VinMart.

Trước đó, Chính phủ quyết định giao Nông trường Sông Hậu cho Công ty Sữa Vinamilk không thu đồng nào. Sông Hậu có 6.000 héc ta đất, đã khoán gần hết cho nông dân và hiện chỉ quản lý 250 héc ta. Đất nhiều nhưng Sông Hậu làm ăn thua lỗ triền miên. Vinamilk nhận Sông Hậu là phải nhận cả khoản nợ lỗ lũy kế hàng trăm tỉ đồng và cải tổ lại doanh nghiệp.

Đại diện nhiều địa phương ngỏ ý mời Vinamilk về xây trang trại. Chỉ riêng chuyện Vinamilk tự sản xuất được men vi sinh (để cải tạo đất bạc màu), mua và nhân được giống cỏ đạm cao, hiển nhiên năng suất sữa sẽ cao, giá thành giảm. Cuộc cạnh tranh giảm giá thành sản phẩm ở quy mô như Vinamilk khó doanh nghiệp nào theo kịp.

Chẳng những địa phương trong nước, mà nước ngoài cũng mời Vinamilk đầu tư. Một số đối tác ngoại muốn mua lại Công ty AngkorMilk của Vinamilk ở Campuchia với giá  gấp 4-5 giá thành đầu tư chỉ với điều kiện Vinamilk tiếp tục điều hành, quản lý. Nói thế để thấy Nhà nước cũng chọn mặt gửi vàng để giao Nông trường Sông Hậu cho Vinamilk.

Nhìn từ trường hợp Shop & Go tự “tặng” mình cho VinMart, Chính phủ giao Sông Hậu cho Vinamilk, đã đến lúc khởi động mạnh mẽ tiến trình cải cách khối quốc doanh thông qua hình thức giao doanh nghiệp nhà nước thua lỗ cho các đơn vị đủ khả năng gánh vác để Nhà nước và ngân sách bớt đi nỗi lo.

“Giao, khoán, bán, cho thuê” là những hình thức đã được nhấn mạnh trong cải cách doanh nghiệp nhà nước ngay từ đầu cách đây gần 30 năm. Tuy nhiên trong gần ba thập kỷ qua, mới chỉ hình thức bán được chú trọng. Phải chăng vì bán, cổ phần hóa là hình thức chứng minh được tài sản nhà nước không bị thất thoát?

Điểm quan trọng có lẽ là “của cho không bằng cách cho” và chọn đối tác để cho. Thử nhìn những doanh nghiệp như Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên và một số công ty đang nợ chồng nợ chất, càng kinh doanh càng lỗ. Nhà nước, tất nhiên, muốn bán những đơn vị như Đạm Ninh Bình lắm và Gang thép Thái Nguyên đã đăng ký giao dịch trên UpCom cũng nhằm để tìm người mua đấy. Vấn đề là liệu Nhà nước có chịu bán giá tượng trưng 1 đô la Mỹ hay giao cho doanh nghiệp giỏi tái cơ cấu.

Giả sử Nhà nước giao Gang thép Thái Nguyên cho tập đoàn Hòa Phát, liệu Hòa Phát có nhận? Những doanh nghiệp đang chiếm thị phần số 1 trong lĩnh vực họ kinh doanh như Vinamilk, Hòa Phát đủ sức về mọi mặt để tái cấu trúc doanh nghiệp yếu cùng ngành. Không những thế, họ còn có khả năng mời nước ngoài góp vốn, chia sẻ khó khăn ban đầu để cùng tìm kiếm cơ hội, lợi nhuận sau này.

Hải Lý