|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CPI 7 tháng tăng 1,64% do giá xăng, giá hàng hóa tăng

09:24 | 29/07/2021
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020

Nguyên nhân chính do giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng tích trữ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng.

Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 7  có 7 nhóm tăng giá so với tháng trước, 3 nhóm giảm giá, riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giữ giá ổn định.

Trong 7 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,36% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88% so với tháng trước.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67% so với tháng trước (do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến làm giá lương thực, thực phẩm tăng.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao cùng với giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06% chủ yếu do giá xà phòng và các chất tẩy rửa tăng khi nhu cầu tiêu dùng tăng trong mùa dịch.

Nhóm giáo dục tăng 0,03% do giá văn phòng phẩm tăng 0,25%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,12%.

Trong 3 nhóm hàng giảm giá, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm 0,1% so với tháng trước.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% so với tháng trước do giá điện thoại di động giảm 0,12% và phụ kiện điện thoại thông minh, máy tính bảng giảm 1,77%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.

CPI 7 tháng năm 2021 tăng 1,64%, thấp nhất kể từ năm 2016 - Ảnh 1.

CPI 7 tháng năm 2021 tăng 1,64%. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Theo Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 7 tháng năm 2021 do trong 7 tháng giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 12 đợt. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 7 tháng năm nay tăng 20,36%, làm CPI chung tăng 0,73 điểm phần trăm.

Ngoài ra còn có các lý do như giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá dịch vụ giáo dục 7 tháng tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 7 tháng năm 2021 tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trước

Bên cạnh đó giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 7 tháng năm nay tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, cũng có một số nguyên nhân làm giảm CPI 7 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như giá các mặt hàng thực phẩm 7 tháng giảm; Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19; ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại.

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.