COVID-19 có thể tạo ra thế hệ mất mát vì thất nghiệp ở châu Á
Báo cáo mới mang tên "Giải quyết khủng hoảng việc làm cho thanh niên do đại dịch COVID-19 gây nên tại châu Á và Thái Bình Dương" của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), triển vọng việc làm của thanh niên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở nên rất ảm đạm vì dịch COVID-19.
ILO và ADB nhận định thanh niên (những người trong độ tuổi từ 15-24) chịu ảnh hưởng tức thời nặng nề hơn so với người trưởng thành (25 tuổi trở lên) và có nguy cơ gánh chịu tổn thất kinh tế - xã hội cao hơn về lâu dài.
Ngay từ trước khi COVID-19 bùng phát, thanh niên ở châu Á - Thái Bình Dương đã phải đối mặt với những thách thức trên thị trường lao động, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao. Vô số thanh niên không được tham gia học hành và không có việc làm. Năm m 2019, tỉ lệ người thất nghiệp của thanh niên trong khu vực là 13,8%. Tỉ lệ của người trưởng thành là 3%.
Hơn 160 triệu thanh niên (24% dân số) ở tình trạng không có việc làm và không tham gia học hành hoặc đào tạo (NEET). 4/5 lao động trẻ làm công việc phi chính thức, cao hơn so với tỉ lệ của người trưởng thành. 1/4 người lao động trẻ phải sống trong điều kiện nghèo cùng cực hay nghèo vừa phải.
Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực vào quý I/2020 đã tăng mạnh so với quý IV/2019. So với quý I/2019, tỉ lệ người thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên tại 6 trên 9 nền kinh tế bao gồm Australia (0,6%), Indonesia (0,9%), Nhật Bản (0,3%), Malaysia (0,7%) và Việt Nam (0,5%). Riêng Hong Kong và Trung Quốc có mức tăng lớn nhất là 3%.
13 quốc gia trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể sẽ mất 10-15 triệu việc làm dành cho thanh niên trong năm nay.
Báo cáo nhận định nguyên nhân khiến thanh niên trong khu vực phải đối mặt với tổn thất việc làm lớn hơn người trưởng thành là gần 50% (hơn 100 triệu người) làm việc trong bốn lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng - gồm thương mại bán buôn bán lẻ, sửa chữa và sản xuất, dịch vụ thuê mướn và kinh doanh, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Bà Sara Elder, tác giả chính của báo cáo, trưởng bộ phận phân tích kinh tế và xã hội khu vực của ILO nhạn định những thách thức trong thời kỳ tiền khủng hoảng đối với thanh niên nay đã tăng lên bội phần do đại dịch COVID-19.
"Nếu chính phủ và xã hội không quan tâm thích đáng, chúng tôi sợ rằng khủng hoảng này có nguy cơ tạo nên một thế hệ mất mát họ sẽ phải gánh chịu hệ quả gây nên bởi cuộc khủng hoảng này nhiều năm sau nữa", bà nói.
Đại dịch COVID-19, theo báo cáo, đang tác động đến thanh niên trên 3 phương diện. Thứ nhất, nó gây gián đoạn việc làm dưới hình thức giảm giờ làm việc, giảm thu nhập và mất việc làm đối với cả người lao động làm công ăn lương và lao động tự do.
Yếu tố thứ hai là sự gián đoạn trong công cuộc giáo dục và đào tạo. Yếu tố thứ ba là thanh niên khu vực gặp khó khăn trong quá trình chuyển tiếp từ trường học đến việc làm và chuyển đổi giữa các công việc trong thời kỳ suy thoái.
Những biện pháp ứng phó cấp bách, qui mô lớn và có mục tiêu, bao gồm trợ cấp tiền lương cho thanh niên, các chương trình việc làm công và những biện pháp nhằm giảm thiểu tác động đối với học sinh, sinh viên bị gián đoạn học hành, đào tạo.
Nhóm tác giả báo cáo khuyến nghị các chính phủ nên cân nhắc cân đối giữa việc đưa thanh niên tham gia vào thị trường lao động qui mô lớn hơn và trở thành đối tượng của các biện pháp phục hồi kinh tế với những biện pháp can thiệp hướng tới thanh niên nhằm tối đa hóa việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực.
Ông Paul Vandenberg, tác giả chính, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Ban Nghiên cứu Kinh tế và Hợp tác Phát triển Khu vực của ADB, nhận định ưu tiên vấn đề việc làm cho thanh niên trong quá trình phục hồi hậu COVID-19 sẽ cải thiện triển vọng tương lai của châu Á và Thái Bình Dương.
"Triển vọng tương lai sẽ sáng sủa hơn nhờ tăng trưởng trên diện rộng và bền vững, chuyển đổi nhân khẩu học và ổn định xã hội", ông nói.