Co.opmart, Big C, VinMart, Bách Hóa Xanh, ai bán được nhiều hàng nhất trong mùa dịch?
Báo cáo về xu hướng tiêu dùng do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam công bố, cho thấy số lượng giao dịch của các hệ thống bán lẻ lớn trong nước như Co.opmart, Big C, VinMart, Bách Hóa Xanh… đã tăng đáng kể trong mùa dịch Covid-19.
Cụ thể, ở mô hình bán lẻ siêu thị và đại siêu thị, hệ thống Big C ghi nhận sự tăng trưởng về lượng giao dịch cao nhất, tăng đến 67% so với giai đoạn trước khi chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, mức độ tăng trưởng về lượng giao dịch của VinMart và Saigon Co.op lần lượt là 30% và 16%.
Ở mô hình bán lẻ cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng VinMart ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc nhất, lên đến 86%. Bách Hóa Xanh xếp thứ hai với tốc độ tăng 70%, và xếp thứ ba là hệ thống cửa hàng Satra Foods với mức tăng 10%.
Báo cáo của Kantar cũng nhắc đến tăng trưởng giao dịch mua sắm kênh trực tuyến. Theo đó, các cửa hàng trên Facebook dẫn đầu với mức tăng đến 126%, Shopee tăng 102% và Tiki tăng 69%.
Các sản phẩm được người tiêu dùng Việt mua nhiều nhất trong giai đoạn Covid-19 là thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tiện lợi, sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, trước mối lo về sức khỏe và giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm đến ăn uống tại nhà dẫn đến một số nhóm hàng như đồ ăn vặt, thực phẩm, lẫn kênh mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi tăng trưởng tốt.
Thống kê của Kantar cũng thấy các kênh mua sắm hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và mua sắm trực tuyến đã được hưởng lợi trong mùa dịch, số lượng giao dịch thành công vượt các kênh truyền thống như chợ và tiệm tạp hoá.
Mĩ phẩm, nước hoa phục hồi chậm sau Covid-19, chất tẩy rửa, vệ sinh nhu cầu vẫn lớn
Cũng theo Kantar, mức độ tăng trưởng của ngành bán lẻ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đạt hai chữ số, nhưng sau dịch sẽ chững lại và có thể chỉ duy trì ở mức tăng trưởng một con số.
Công ty nghiên cứu thị trường này cũng chỉ ra tương lai của các ngành hàng sau dịch bệnh.
Cụ thể, các sản phẩm liên quan sức khỏe và vệ sinh như nước rửa tay, sản phẩm vệ sinh bề mặt, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, sữa… sẽ tiếp tục tăng trưởng, do nhu cầu của người dân vẫn rất cao.
Trong khi đó, sau cách li xã hội, hàng quán, dịch vụ ăn uống trở lại bình thường thì nhu cầu về các sản phẩm như gia vị nấu ăn, đồ ăn vặt, thực phẩm đóng gói, đông lạnh, các bữa ăn thay thế sẽ giảm đi.
Nhóm hàng nhu yếu phẩm sử dụng lâu dài như giặt ủi, dầu gội, kem đánh răng, nước rửa chén, đồ uống không cồn sẽ trở lại bình thường.
Kantar dự báo nhóm hàng phục hồi chậm nhất chính là mĩ phẩm, nước hoa, lăn khử mùi, bởi đây là nhóm hàng vốn chỉ được quan tâm đi kèm với sự phát triển kinh tế, tình hình tài chính cá nhân của mỗi người.