|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty thép Dragon vận hành ‘chui’ nhiều ngày trước khi nổ?

21:59 | 10/12/2018
Chia sẻ
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết nhà máy thép mà Công ty CP thép Dragon tiếp nhận từ Công ty CP thép Cửu Long đã hoạt động “chui” khi chưa đủ các thủ tục theo quy định từ nhiều ngày trước khi xảy ra sự cố nổ lò luyện thép hôm 7-12.
cong ty thep dragon van hanh chui nhieu ngay truoc khi no
Ông Nguyễn Văn Thành - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng (giữa) - cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường vụ nổ tại nhà máy thép trong khuôn viên Công ty CP thép Cửu Long - Ảnh: TIẾN PHƯỚC

Ngày 10-12, ông Nguyễn Văn Thành - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - đã cùng đoàn công tác đến kiểm tra hiện trường nhà máy nơi xảy ra vụ nổ lò luyện thép tại Công ty CP thép Cửu Long ở xã An Hồng, huyện An Dương.

Chưa hoàn thiện thủ tục vẫn vận hành

Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của công an TP, công an huyện An Dương cùng các sở, ngành và đại diện Công ty CP thép Dragon (là đơn vị kế thừa dây chuyền sản xuất thép của Công ty CP thép Cửu Long), ông Thành yêu cầu Công ty CP thép Dragon khẩn trương báo cáo cơ quan chức năng liên quan về việc chuyển giao, kế thừa lại dự án của Công ty CP thép Cửu Long.

Ông Thành cũng yêu cầu trong chiều 10-12, các sở, ngành và địa phương liên quan phải tổng hợp báo cáo cụ thể bằng văn bản về công tác quản lý theo chuyên ngành chức năng liên quan tới hoạt động của Công ty CP thép Cửu Long.

Cụ thể về việc chuyển nhượng dự án, công tác quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, đặc biệt là các thủ tục về việc khởi động lại dự án sau thời gian dài tạm dừng hoạt động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 10-12, một lãnh đạo Công an huyện An Dương cho biết tại buổi kiểm tra, phía Công ty CP thép Dragon mới chỉ đưa ra được giấy phép kinh doanh của công ty này.

Các thủ tục pháp lý khác theo quy định như về đánh giá tác động môi trường, việc tiếp nhận dự án, an toàn lao động… để có thể vận hành trở lại nhà máy thì công ty này chưa hoàn thiện.

Ông Trần Văn Phương - giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP Hải Phòng - khẳng định sở này chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào về môi trường của Công ty CP thép Dragon liên quan đến việc vận hành trở lại nhà máy của Công ty CP thép Cửu Long, vốn dừng hoạt động từ nhiều năm nay.

cong ty thep dragon van hanh chui nhieu ngay truoc khi no
Nhà máy thép của Công ty thép Cửu Long vốn dừng hoạt động nhiều năm qua được Công ty CP thép Dragon tiếp nhận và đưa vào vận hành trở lại khi chưa đủ các thủ tục theo quy định - Ảnh: TIẾN PHƯỚC

Hoạt động "chui" nhiều ngày trước khi xảy ra sự cố?

Tại buổi kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Văn Thành cũng yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục tập trung cao nhất cho việc chăm lo sức khỏe, hỗ trợ người lao động bị nạn trong thời gian điều trị và thăm hỏi gia đình có người bị thiệt mạng.

Bên cạnh đó, Công ty CP thép Dragon phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan Công an để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra tai nạn. Ông Thành nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi có đủ các điều kiện cần thiết theo đúng quy định.

Trước đó vào khoảng 12h30 ngày 7-12, tại nhà máy do Công ty CP thép Dragon vận hành nằm trong khuôn viên của Công ty CP thép Cửu Long ở xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng đã bất ngờ xảy ra vụ nổ lò luyện thép khiến 2 người thiệt mạng và 10 người bị thương.

Theo lãnh đạo Công ty CP thép Dragon, sự cố xảy ra khi đơn vị tiến hành chạy thử "buổi đầu" nhà máy. Tuy nhiên, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết khoảng 4 tháng trước, nhà máy này đã được Công ty CP thép Dragon tiếp nhận để sửa chữa, nâng cấp.

Việc vận hành nhà máy được thực hiện từ khoảng 2 tuần trước khi xảy ra sự cố.

Để làm rõ những nghi vấn liên quan, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với một lãnh đạo Công ty CP thép Dragon vào cuối ngày 10-12, tuy nhiên vị này cáo bận bởi đang phải làm việc với cơ quan điều tra và cho biết sẽ trao đổi lại trong thời gian tới.

Sự việc xảy ra trưa 7-12 tại Nhà máy thép Dragon Hải Phòng thuộc phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng khiến 1 người chết và 11 công nhân bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Xem thêm

Tiến Thắng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.