|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty Công Lý, từ 'lá cờ đầu' điện gió tỉnh Bạc Liêu cho đến những sai phạm tại Nhà máy xử lý rác Cà Mau

16:00 | 19/08/2019
Chia sẻ
Ông Tô Công Lý là con trai ông Tô Hoài Dân, sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý - đơn vị đi đầu về điện gió tại tỉnh Bạc Liêu.

Mới đây, ông Tô Công Lý (35 tuổi), Tổng giám đốc Nhà máy xử lý rác Cà Mau bị bắt vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nhà máy xử lý rác lỗ 133 tỉ đồng sau 6 năm hoạt động

Theo tờ Tuổi trẻ Online, ông Lý đã lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư nhà máy của Nhà nước để chiếm đoạt tiền đối với một số hạng mục xây dựng của nhà máy dù không thực hiện đúng.

Được biết, nhà máy xử lý rác Cà Mau được xây dựng theo chính sách ưu đãi với tổng mức đầu tư ban đầu gần 330 tỉ đồng; trong đó phía Nhà nước hỗ trợ 50%, còn lại thuộc về chủ đầu tư. Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2012, công suất xử lý 200 tấn rác thải mỗi ngày.

Nửa cuối năm 2018, Nhà máy phải dừng hoạt động ba tháng để bảo trì, nhập thiết bị thay thế; kết thúc thời gian này ban lãnh đạo nhà máy tiếp tục xin phép dừng hoạt động thêm 90 ngày do thiết bị thay thế chưa về; nhưng đề xuất này không được địa phương đồng ý.

Báo cáo lên cơ UBND tỉnh Cà Mau, ông Tô Công Lý khi đó cho biết nhà máy đã lỗ tới 133 tỉ đồng sau 6 năm đi vào hoạt động. Công ty đề nghị cơ quan chức năng xem lại cách tính thuế vì bị truy và phạt gần 10 tỉ đồng; xin được giao thêm 10 ha đất, nâng giá hỗ trợ xử lý rác từ 350.000 đồng lên 500.000 đồng cho mỗi tấn rác…

Tổng giám đốc nhà máy xử lý rác Cà Mau thông tin thêm, công ty tham gia xử lý rác để bảo vệ môi trường nhưng phân hữu cơ sản xuất ra không bán được. Và giá hỗ trợ xử lý rác của tỉnh Cà Mau không đảm bảo để doanh nghiệp hoạt động lâu dài, tháng nào cũng lỗ vài tỉ đồng.

Nhà máy xử lý rác không đúng qui trình

Thua lỗ do hoạt động trong lĩnh vực công ích là những gì ban lãnh đạo nhà máy xử lý rác Cà Mau nói. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra mới đây của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Cà Mau lại cho thấy nhà máy đang không vận hành theo quy trình xử lý rác đã được phê duyệt.

Theo quy trình, tất cả rác sau khi qua máy xé, qua băng tải chọn lọc phế liệu đem tái chế; sẽ được phân loại và đi ra 3 hướng: rác chôn lấp (vận chuyển qua bãi chôn lấp); rác đốt (vận chuyển qua hệ thống đốt) và rác xử lý (vào ống sinh hóa, ủ vi sinh và sản xuất phân compost).

Nhưng thực tế, tất cả rác sau khi qua sàn phân loại được Nhà máy xử lý rác Cà Mau gom vào một nơi và dùng xe vận chuyển ra nhà ủ, tập kết ở đó. Điều này khiến cho phần số liệu rác đầu ra từ ngày 15/3/2019 không có nên hệ thống không phát hiện, không giám sát và ghi nhận tự động để cập nhật số liệu tại hệ thống.

Được biết trong giai đoạn từ tháng 5/2012 đến tháng 4/2019, tổng số tiền đã thanh toán cho công tác xử lý rác là hơn 111 tỉ đồng. 

Nhà máy xử lý rác Cà Mau là đơn vị từng gây xôn xao dư luận trước thông tin phát hiện 300 xác thai nhi lẫn trong rác kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động. Tuy nhiên theo kết luận của UBND tỉnh Cà Mau, thông tin trên là chưa có cơ sở. 

Công Lý - Lá cờ đầu về điện gió tại BĐSCL 

B%E1%BA%A1c_Li%C3%AAu_windpower_farm

Nhà máy điện gió Bạc Liêu do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư, là nhà máy điện gió đầu tiên tại BĐSCL

Nhà máy xử lý rác Cà Mau chỉ là một trong số các thành viên của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý). Tại đây, ông Tô Công Lý giữ vai trò Phó Tổng giám đốc; còn cha ông là Tô Hoài Dân là người sáng lập kiêm Chủ tịch, TGĐ cho đến thời điểm hiện tại.

Công ty Công Lý được thành lập từ năm 2000, được biết đến là doanh nghiệp đầu tiên triển khai nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu cũng như khu vực ĐBSCL.

Khởi công từ tháng 9/2010, đến tháng 5/2014, nhà máy điện gió của Công Lý hoàn thành giai đoạn một với 10 turbine, phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, nhà máy điện gió Bạc Liêu đã xây dựng đủ 62 turbine với tổng công suất 99,2 MW có khả năng sản xuất 320 triệu kWh mỗi năm.

Không chỉ cung cấp nguồn năng lượng tái tạo, nhà máy còn trở thành địa điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Bạc Liêu.

Theo tìm hiểu, dự án có tổng mức đầu tư 5.200 tỉ đồng từ nguồn vốn tự có của Công Lý, và nguồn vốn vay tín dụng đầu tư từ Ngân hàng XNK Hoa Kỳ (US Eximbank) thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Đây là một phần trong thỏa thuận tài trợ giữa hai ngân hàng này cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên như: phát triển năng lượng, bảo vệ môi trường, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ an sinh xã hội… tại Việt Nam năm 2010.

Đến tháng 11/2011, VDB và US Eximbank ký thư cam kết đầu tư hạn mức 1 tỉ USD tài trợ cho phát triển điện gió tại ĐBSCL, mà dự án Bạc Liệu của Công Lý chính là dự án được đầu tư đầu tiên. Sau đó VDB đề nghị nâng tổng hạn mức lên 1,5 tỉ USD, tương đương qui mô đầu tư 300 turbine gió, mỗi cột công suất 1,6 MW.

Có thể nói Công Lý chính là lá cờ đầu trong việc xây dựng các nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu cũng như khu vực ĐBSCL. Mãi đến năm 2019, các nhà máy thứ hai, thứ 3 và thứ 4 của tỉnh  mới được đồng loạt triển khai…

Trung tuần tháng 4 năm nay, CTCP Năng lượng Bắc Phương khánh thành nhà máy điện gió Đông Hải 1 - Giai đoạn 1 với 12 turbine, tổng công suất 50 MW. Tổng diện tích dự án hơn 935 ha tại xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu; vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng.

Đầu tháng 6, Bạc Liêu tiếp tục khánh thành nhà máy điện gió Hòa Bình 1, công suất 50 MW trên diện tích 1.000 ha mặt nước. Tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương anh làm chủ đầu tư.

Trong năm nay, Bạc Liêu có kế hoạch xây dựng 4 nhà máy điện gió ở hai Huyện Đông Hải và Hòa Bình với tổng công suất 300 MW, tổng vốn đầu tư 16.400 tỉ đồng.

Bạc Liêu cũng là địa phương đã được Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió với công suất lắp đặt đến năm 2020 là hơn 400 MW và đến 2030 là 1.500 MW…

Ngoài hai dự án kể trên, Công ty Công Lý còn là chủ đầu tư Khu du lịch Khai Long và Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau, vốn đầu tư trên 50 tỉ đồng đã đi vào khai thác từ năm 2005. Khu du lịch Khai Long diện tích 110 ha, sở hữu 4 km đường bờ biển.

Đông A