|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơn thèm ăn của người Trung Quốc đang giết chết lá phổi xanh của thế giới - Amazon?

08:45 | 22/11/2019
Chia sẻ
Bộ mặt của rừng mưa nhiệt đới Brazil đang thay đổi nhanh chóng và Trung Quốc chịu trách nhiệm không hề nhỏ với vấn đề đó, do nhu cầu khổng lồ về thịt bò và đậu nành của mình.
Cơn thèm ăn của người Trung Quốc đang giết chết lá phổi xanh của thế giới -Amazon? - Ảnh 1.

Rừng Amazon trong một vụ cháy năm 2019, nguyên nhân được xác định là do người dân đốt rừng để lấy đất chăn nuôi bò.

Đây là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, chứa 10% sự đa dạng sinh học trên toàn thế giới. Và nó đang phải trả giá cho việc nuôi sống một quốc gia cách đó 17.000 km.

Từ năm 2015 đến năm ngoái, 29.000 km2 rừng của Amazon đã bị phá hủy. Đó là con số gấp 40 lần kích thước của Singapore. Và 80 phần trăm số đất trống này dùng để xây dựng các trang trại gia súc.

Và người mua lớn nhất của tất cả số thịt đó: Trung Quốc. Xuất khẩu thịt bò của Brazil sang thị trường Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015, đạt 722.000 tấn trong năm ngoái.

Tiêu thụ thực phẩm của Trung Quốc không chỉ tăng lên mà còn dần thay đổi khi tầng lớp trung lưu của quốc gia này tăng lên gần 30% trong tổng dân số 1,4 tỷ người.

Liu Juan, một người bán buôn thịt bò tại chợ Bắc Kinh, nơi có khoảng 8.000 người bán thịt bò cho biết: “Nếu chỉ dựa vào sản xuất trong nước thì chắc chắn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”.

Thật vậy, nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc đã tăng khoảng 50 lần kể từ năm 2011, đạt một triệu tấn vào năm ngoái.

Nhưng tình yêu của đất nước này dành cho thịt bò cũng như nhu cầu đậu nành tăng cao đang tạo ra ảnh hưởng lớn đến môi trường và các bộ lạc địa phương ở cách đó nửa vòng trái đất, tại rừng mưa nhiệt đới Amazon.

Để có những đĩa thức ăn trên bàn người Trung Quốc, môi trường của thế giới đang bị thay đổi.

Cơn thèm ăn của người Trung Quốc đang giết chết lá phổi xanh của thế giới -Amazon? - Ảnh 2.

Chăn nuôi bò tại một trang trại ở Brazil

Những đàn gia súc lớn nhất thế giới

Trung Quốc tiêu thụ 28% thịt của thế giới. Và quốc gia này nhắm tới thị trường Brazil, quê hương của những đàn gia súc lớn nhất thế giới.

Chỉ riêng bang Mato Grosso của Brazil đã có khoảng 30 triệu gia súc, gấp 10 lần dân số của bang và hơn cả con số 26 triệu gia súc của toàn nước Úc.

“Hôm nay, Brazil là quốc gia duy nhất có thể phục vụ đủ nhu cầu thịt cho người Trung Quốc”, chủ sở hữu trang trại gia súc Arlindo Jose Vilela cho biết.

“Chúng tôi có thể cung cấp tới 25% sản lượng thịt cho người Trung Quốc”, ông nói.

Năm ngoái, Brazil đã xuất khẩu 1,64 triệu tấn thịt bò, 44% trong số đó đã đến Trung Quốc. Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của một quốc gia xuất khẩu thịt bò. Và đó là một mùa bội thu cho những người nông dân.

Vilela tin rằng trong vòng 10 năm, Brazil sẽ có thể xử lý số lượng nhiều gấp ba đến bốn lần hiện tại. Ông dự đoán: “Thịt bò của Brazil sẽ rất phổ biến ở Trung Quốc”.

Lý do đó là còn rất nhiều những vùng đất chưa được khai thác ở phía bắc Mato Grosso, nơi sẽ có thể xây dựng nhiều trang trại gia súc xuất khẩu.

Cơn thèm ăn của người Trung Quốc đang giết chết lá phổi xanh của thế giới -Amazon? - Ảnh 3.

Phá rừng ở Amazon.

Nhưng có một sự xung đột, đó là rừng Amazon đang bị chặt phá ngày càng nhiều để xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc. Trong chín tháng đầu năm nay, nạn phá rừng đã tăng 93% so với năm ngoái.

Chính sách bảo vệ rừng và đất của người bản địa đã được nới lỏng đặc biệt kể từ khi Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro nhậm chức vào tháng Giêng. Dưới triều đại của ông, nạn phá rừng đang ở đỉnh điểm trong vòng 10 năm.

“Các chính phủ trước đây rất quan tâm đến các quy định về môi trường”, giáo sư Isaias da Silva từ Trung tâm Nông Nghiệp thuộc Viện Liên bang Para đã nói.

“Ngày nay, với nhiều thay đổi, chính phủ mới dường như đang coi việc bảo vệ môi trường là vấn đề thứ yếu, đặc biệt là việc họ dỡ bỏ các cơ quan bảo vệ môi trường liên bang”, ông này nhận xét.

Một trong những trang trại gia súc lớn nhất được chuyển đổi từ đất rừng thuộc về Valmir Climaco de Aguiar, thị trưởng của thị trấn Itaituba ở bang Para. Và ông tự hào về những trang trại đang mở rộng của mình, không bao giờ bận tâm rằng cây cối bị đốn hạ.

“Chúng tôi không thể sản xuất hay chăn nuôi trong rừng, chúng tôi cần đất”, ông nói.

“Trung Quốc, sẽ không cho chúng tôi tiền nếu chúng tôi bảo vệ rừng. Nhưng họ sẽ cho chúng tôi tiền nếu chúng tôi chăn nuôi gia súc và bán cho họ”, ông nói thêm.

Trung Quốc chiếm đến 6 đến 8% diện tích đồng cỏ của thế giới, nhưng những nơi này đang bị lấn chiếm bởi sự mở rộng đô thị, không còn đất để chăn nuôi. Và giá thịt trong nước của Trung Quốc luôn đắt hơn thịt nhập khẩu vì chi phí đất đai.

“Ở các nước khác, chủ trang trại là những người chăn nuôi gia súc. Họ sở hữu đất đai. Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc phải thuê đất, đó là một khoản chi phí bổ sung”, ông Cheng Guangyan giải thích, một nhà nghiên cứu về xu hướng tiêu thụ thực phẩm của Trung Quốc.

Mở rộng

Trung Quốc cũng có một ngành chăn nuôi khổng lồ, đó là lý do tại sao nước này không chỉ mua thịt bò Brazil mà còn cả đậu nành, một loại ngũ cốc quan trọng dùng làm thức ăn trong chăn nuôi.

Thuế quan đối với đậu nành Mỹ đã khiến người mua Trung Quốc tìm kiếm các thị trường khác, vì vậy 75% lượng đậu nành nhập khẩu của họ năm ngoái đến từ Brazil, trong khi các chuyến hàng chuyển đến Trung Quốc cũng tăng gần một phần ba.

“Chẳng hạn, gần như toàn bộ số đậu nành trị giá 5 triệu USD được sản xuất hàng năm tại trang trại Santa Guarita, đều đi đến Trung Quốc. Nhưng đó là một hành trình đắt đỏ”, chủ sở hữu trang trại Joel Strobel nói.

Theo cơ quan nghiên cứu về Đậu nành địa phương, phí vận chuyển chiếm tới 30% chi phí sản xuất ở Brazil, gấp ba lần so với ở Mỹ. Và thách thức hậu cần đang gia tăng khi xuất khẩu ngày càng tăng.

Từ trung tâm kinh doanh nông nghiệp của Brazil - Mato Grosso, người nông dân chỉ có một tuyến đường đến thành phố cảng phía bắc là đường cao tốc BR-163 cắt ngang qua rừng Amazon, nhưng vận chuyển đường bộ luôn rất tốn kém.

Để giảm bớt chi phí, các dự án cơ sở hạ tầng đã được đề xuất, một trong số đó là xây dựng hơn 40 đập để biến sông Tapajos và các nhánh của nó ở Amazon thành một tuyến đường thủy công nghiệp phù hợp cho các tàu lớn.

Cơn thèm ăn của người Trung Quốc đang giết chết lá phổi xanh của thế giới -Amazon? - Ảnh 4.

Những người dân bản địa sống trong rừng Amazon

Nhưng những người dân bản địa sống trong rừng không hài lòng với những kế hoạch như vậy. Hiện tại, bộ lạc Munduruku đang dần cảm nhận được tác động của sự biến đổi gần đây trong thị trấn: ví dụ, không còn đủ cá để câu.

“Những vị Thần của chúng tôi đã cho chúng tôi dòng sông này”, Brasilino, một trưởng làng nói và cho biết thêm: “Và chúng tôi có trách nhiệm chăm sóc nó. Nhưng bây giờ chúng tôi không thể làm được điều đó vì họ (những người Trung Quốc đầu tư vào đây) đã mở rộng đất, xây đập và mang lại nhiều bệnh tật hơn qua những dòng nước bẩn”.

“Loại hình phát triển kinh tế đi kèm với việc ngăn những dòng sông không phải là thứ bộ lạc của chúng tôi muốn”, ông nói.

“Nó tốt cho chính phủ. Nhưng tiền lương chúng tôi không tăng. (Ngay cả nếu có), đó là con số rất ít”, ông nói: “Chúng ta đều muốn có một cuộc sống khỏe mạnh. Chúng ta có thể đi bộ xung quanh và hít thở không khí trong lành.”

Và ông muốn nói với những người Trung Quốc: “Hãy dừng việc trồng đậu nành ở Amazon”.

Câu hỏi lớn là Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách nào để đảm bảo rằng các khoản đầu tư của mình đang tuân thủ các tiêu chuẩn về các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội.

“Nếu bây giờ bạn có một chính phủ khuyến khích việc phá rừng lấy đất, phá hủy hệ sinh thái, hậu quả chắc chắn sẽ đổ lên những người Brazil (và) cả đối với toàn hành tinh”. Brent Millikan, một nhà hoạt động môi trường ở Brazil nói.

Thùy Dung