|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Con sóng' mới đổ vào địa ốc Long Thành

07:23 | 17/06/2019
Chia sẻ
Thị trường bất động sản Long Thành (Đồng Nai) thời gian gần đây chứng kiến cơn sốt săn lùng của giới đầu tư. Đặc biệt, các dự án đã được quy hoạch nằm trong lõi trung tâm sân bay được săn đón ráo riết.

Giao dịch tăng đột biến

Thật ra, Long Thành từ lâu đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của toàn bộ giới đầu tư thị trường địa ốc phía Nam. Ngay từ thời điểm sân bay Long Thành còn đang trong giai đoạn bàn tính xây hay không xây, bất động sản khu vực này đã bắt đầu có sự nhảy múa, nhưng không tăng mạnh. Tuy nhiên, kể từ sau khi Quốc hội chính thức thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, giá đất tại đây đã có sự tăng vọt và xác lập một mặt bằng giá mới.

Có mặt tại một văn phòng công chứng tư tại huyện Long Thành (Đồng Nai) tuần trước, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản quan sát thấy hàng trăm người xếp hàng để thực hiện giao dịch đất đai. Theo tiết lộ của một công chứng viên, gần 1 tháng qua, ngày nào phòng công chứng này cũng bị quá tải, mỗi ngày công chứng giao dịch cho hàng trăm khách hàng.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, không chỉ giao dịch tăng mạnh, giá đất tại huyện Long Thành cũng tăng chóng mặt. Một nhân viên kinh doanh của sàn giao dịch bất động sản thuộc Công ty Sonadezi Long Thành cho biết, Dự án Khu đô thị Tam An do Sonadezi Long Thành làm chủ đầu tư, được công bố ra thị trường từ năm 2010 với mức giá ban đầu 400 triệu đồng/nền, đến nay, giá đã lên khoảng 1 tỷ đồng/nền nhưng vẫn rất ít người bán ra. Tuy nhiên, theo nhân viên này, Dự án Tam An ở xa khu vực được quy hoạch sân bay nên giá tăng ít, còn với các dự án quanh khu vực sân bay giá còn tăng mạnh hơn rất nhiều, từ đất dự án đến đất trong các khu dân cư, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, giá đều tăng từ 30 - 50%, thậm chí có nơi tăng tới 100%.

Không chỉ giá đất tăng cao mà tình hình giao dịch tại huyện Long Thành gần đây cũng tăng đột biến. Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Long Thành, chỉ tính trong tháng 4 và tháng 5/2019 văn phòng đã tiếp nhận gần 2.800 hồ sơ xin chuyển nhượng đất, trong đó riêng tháng 5 có đến gần 1.600 hồ sơ, tăng gấp 1,5 lần so với trước đó và tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

'Con sóng' mới đổ vào địa ốc Long Thành - Ảnh 1.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, trước đây, trên địa bàn huyện có hiện tượng phân lô bán nền, nhưng từ sau khi có chủ trương siết chặt việc phân lô bán nền, khoảng từ giữa năm 2018 đến nay, Long Thành không phát sinh bất kỳ dự án bất động sản phân lô bán nền nào mới.

Theo các chuyên gia bất động sản, việc siết chặt các dự án phân lô bán nền đã khiến nguồn cung sản phẩm của Long Thành bắt đầu trở nên khan hiếm. Các dự án được quy hoạch 1/500 bài bản, đặc biệt là các dự án nằm trong lõi trung tâm của dự án sân bay Long Thành được giới đầu tư săn đón ráo riết, khiến cho giá đất chính quy của các dự án này tăng mạnh thời gian qua.

Dự án sân bay Long Thành sẵn sàng bứt phá

Mới đây, Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức tại Đồng Nai, câu chuyện xây dựng sân bay Long Thành được các đại biểu đánh giá là cấp thiết để trở thành động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý tỉnh Đồng Nai phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành.

"Làm sao đến năm 2020 khởi công dự án như mục tiêu đề ra để tạo động lực phát triển cho vùng. Tái định cư, làm công khai, minh bạch thì không có vấn đề gì khó và người dân sẽ ủng hộ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Về chuẩn bị mặt bằng cho việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, đây là dự án duy nhất hiện nay của cả nước được Quốc hội cho phép tách ra thành 2 dự án độc lập là “đền bù, giải phóng mặt bằng” và “đầu tư xây dựng sân bay”. Về phía trách nhiệm của tỉnh hiện nay đang ráo riết chuẩn bị mặt bằng, có thể bàn giao mặt bằng bất cứ lúc nào cho chủ đầu tư, tạo mọi điều kiện để việc xây dựng sân bay một cách  thuận lợi nhất, sớm nhất cũng qua đó thu hút các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực đến với Đồng Nai nói chung và Long Thành nói riêng để Long Thành có một diện mạo mới trong tương lai không xa.

Nói về tính cấp thiết phải nhanh chóng xây dựng sân bay Long Thành, các chuyên gia cho rằng, Long Thành có vị trí cảng cửa ngõ quốc gia và giữ vai trò một trong ba cực của hệ thống logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất và cảng nước sâu Cái Mép.

Những diện tích đất trong và lân cận vùng tam giác vàng này trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước, cũng như quốc tế vì lợi thế vận chuyển và các dịch vụ chuyên nghiệp, hấp dẫn nhất trong cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Do vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự xuất hiện của cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành điểm hội tụ của các văn phòng điều hành của các công ty đa quốc gia, các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng và kéo theo là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi quốc tế, phát triển du lịch, chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao..., các hoạt động góp phần đẩy mạnh, đưa hình ảnh Việt Nam ra quốc tế.

Theo quy hoạch, khu vực xung quanh sân bay Long Thành sẽ trở thành một "thành phố sân bay", là đô thị vệ tinh hiện đại của TP.HCM. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, chính quyền Long Thành đã nghiên cứu đề án thành lập thị xã Long Thành, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại nhằm trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020 và là đô thị loại 3 vào năm 2025.

Có thể nói, Long Thành đã sẵn sàng trên bệ phóng phát triển, cùng với dự án sân bay Long Thành, khu vực này còn đón hàng loạt dự án phát triển hạ tầng nhằm gia tăng kết nối với các trung tâm kinh tế của miền Nam, như 5 tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, các tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành. Đó là chưa kể các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 và hệ thống cảng biển như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải…

“Khi sân bay Long Thành được khởi động, thị trường bất động sản Đồng Nai sẽ còn phát triển mạnh hơn, đặc biệt là khu vực quanh sân bay Long Thành sẽ có sự phát triển đột phá, bởi nhu nhà ở, nhu cầu kinh doanh thương mại sẽ theo đó tăng lên đột biến”, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time nhận định, đồng thời cho rằng, lúc đó mặt bằng giá bất động sản Long Thành sẽ phải so sánh với mặt bằng bất động sản ở TP. Biên Hòa hiện hữu chứ không còn như hiện nay.


Tăng Triển