|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Còn kịch bản sốc nào cho lạm phát nửa cuối năm 2019?

07:51 | 22/07/2019
Chia sẻ
Hai kịch bản lạm phát bình quân năm 2019 nằm trong khoảng 3,17 - 3,41%, là dấu hiệu tích cực để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nửa đầu năm chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018 -  mức thấp nhất trong 3 năm gần đây và không quá chênh lệch so với mức tăng 1,87% của lạm phát cơ bản. Đây là dấu hiệu tích cực để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

lam_phat_rhdb

Hai kịch bản lạm phát bình quân năm 2019 nằm trong khoảng 3,17 - 3,41%, là dấu hiệu tích cực để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. (Ảnh minh họa: KT).

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ dự báo 2 kịch bản lạm phát bình quân cho cả năm 2019 đều nằm trong khoảng từ 3,17 - 3,41%, đây là dư địa để xem xét tiếp tục điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ công do nhà nước còn quản lý.

Theo PGS-TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, trong những tháng tới, dự báo giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, đặc biệt là giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại. Từ ngày 01/07/2019 mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng cũng gây áp lực (cả về sức mua thực tế và tâm lý xã hội) làm tăng CPI...

“Ngoài ra, 6 tháng cuối năm 2019 cũng có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như việc xuất khẩu nông sản gặp khó khiến nông sản trong nước khó tiêu thụ; Hệ quả là giá nông sản tiếp tục giảm, sức mua của người nông dân sẽ suy yếu”, PGS Nguyễn Bá Minh phân tích.

Còn kịch bản sốc nào cho lạm phát nửa cuối năm 2019? - Ảnh 2.

PGS-TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính.

“Đồng thời, cả hệ thống chính trị cũng chủ động, tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát... Đây là những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI”, ông Minh cho biết thêm.

Giới chuyên gia nhận định, CPI bình quân năm 2019 sẽ trong mức khoảng 3,3 – 3,9%.

Công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại năm 2019 được đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, các căng thẳng về địa – chính trị thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tác động làm giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu như xăng dầu có biến động phức tạp, khó dự báo.

Bên cạnh áp lực từ các nhân tố thị trường như biến động phức tạp của giá nhiên liệu (xăng dầu, gas), tác động vòng 2 của việc tăng giá điện, rủi ro về thiên tai bão lũ, chỉ số giá tiêu dùng còn chịu tác động từ việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục, tăng tiền lương cơ sở.

Những yếu tố nêu trên ngoài việc tác động trực tiếp lên mặt bằng giá còn có thể tác động đến lạm phát kỳ vọng nếu như không chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá.

Ở chiều ngược lại, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Trong một vài tháng tới, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với một số vật liệu xây dựng cơ bản ổn định, giá một số dịch vụ vụ y tế, bưu chính viễn thông tiếp tục giảm; diễn biến tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định.

Nguồn cung cầu thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn được đảm bảo. Cùng với đó là quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019, hỗ trợ cho tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông Minh cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá nhất là các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng nhạy cảm đến người dân, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Còn kịch bản sốc nào cho lạm phát nửa cuối năm 2019? - Ảnh 3.

PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá, trong thời gian tới, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng đó giá thực phẩm dự báo vẫn cao, lương tăng, vào mùa năm học mới... 

Thiên tai  cũng là yếu tố tiềm ẩn tác động đến CPI 6 tháng cuối năm và cũng là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến lạm phát.

Để giữ mức CPI bình quân năm 2019 dưới 4%, ông Long cho rằng cần tiếp tục tăng cường kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau.

Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính, cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Đặc biệt với giá xăng dầu, yêu cầu sử dụng hợp lý quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.

Cần theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường quyền sử dụng đất tại các đô thị lớn ... để bảo đảm nguồn cung, để có biện pháp bình ổn thị trường   khi xảy ra biến động bất thường.

Thanh Giang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.