'Cởi trói' về chính sách cho bất động sản công nghiệp
Điểm đến hấp dẫn trong đầu tư công nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hàng năm số vốn FDI vào các khu công nghiệp (KCN) chiếm từ 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Tổng số vốn FDI cam kết năm 2018 đạt gần 35,46 tỷ USD, FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế và vốn đạt trên 8,3 tỷ USD.
Nền kinh tế Việt Nam tập trung hướng vào sản xuất và hang hoá xuất khẩu điều này là tiền đề cho phát triển các KCN và kinh tế trọng điểm. Sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA); tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp cũng là ưu thế để phát triển công nghiệp.
Phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, Việt Nam dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong xu thế thị trường bất động sản sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn, đồng thời được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách, phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển. Bất động sản công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. |
"Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
“Cởi trói” chính sách
Bất động sản công nghiệp đang có những yếu tố mới tác động vào. Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội tốt cho Việt Nam khi một số các tập đoàn công nghiệp, đa quốc gia tìm kiếm những địa chỉ đầu tư, đặt nhà máy sản xuất mới.
Việt Nam cần chuẩn bị đủ điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu tận dụng được cơ hội này, triển vọng bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại là rất lớn.
GS. Đặng Hùng Võ
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam vẫn cần nỗ lực để đạt được cải tiến trên tất cả các phương diện để thu hút các nhà đầu tư mạnh hơn nữa. Chính phủ phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng và mạng lưới vận tải đa phương thức để giảm chi phí hậu cần và phù hợp với các dự án có giá trị cao hơn trong tương lai. |
Để giữ chân các nhà đầu tư lâu dài, Chính phủ cũng cần cân nhắc đến giải pháp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hải quan phức tạp và cải thiện sự kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế.
Việt Nam cần công khai minh bạch giá đất công nghiệp tại các địa phương; đảm bảo các nhà đầu tư trong, ngoài nước có thể ngồi tại chỗ vẫn biết được giá đất, biết được địa phương có tiềm năng, tiềm lực nào có thể khai thác và có thể đáp ứng yêu cầu đầu tư của họ. Các địa phương cũng cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi về chi phí thuê đất đai, nhà xưởng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật... để thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa.
“Có quá nhiều vấn đề cần phải quan tâm khi bàn đến bất động sản công nghiệp, từ chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ đến các vấn đề an sinh xã hội cho công nhân. Hiện nay, bất động sản công nghiệp là cơ hội lớn nhưng chi phí vốn dường như khó khăn nhất nên cũng cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp” - GS Đặng Hùng Võ nói.
Bất động sản công nghiệp vẫn đang là phân khúc còn chịu sự bao cấp quá mạnh, tức là Thủ tướng quyết định mới được làm, muốn làm cụm công nghiệp thì phải xin phép chủ tịch tỉnh, khiến phân khúc này thiếu tính gắn kết với thị trường. Cần phải phá bỏ việc xin phép này, để thực hiện chỉ cần làm đúng theo quy hoạch, GS. Đặng Hùng Võ phân tích./.
Bất động sản công nghiệp cần gắn kết giữa khu công nghiệp và đô thị VOV.VN - Phát triển bất động sản công nghiệp cần cách tiếp cận tổng thể không manh mún gắn kết giữa khu công nghiệp và đô thị hướng tới những ngành nghề xanh.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam hưởng lợi khi Mỹ - Trung đối đầu Tranh chấp thương mại leo thang khiến bất động sản công nghiệp Mỹ, Trung sẽ giảm tốc nhưng Việt Nam lại hưởng lợi.