|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Coi chừng định kiến 'bảo hiểm mua dễ, khó đòi'

15:25 | 13/05/2020
Chia sẻ
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư kí Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhận thức về vai trò của bảo hiểm của người dân ngày càng nâng cao, nhưng chỉ cần một vài trường hợp tranh chấp giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng sẽ khiến nhiều người có định kiến “bảo hiểm mua dễ, khó đòi”.

Ngoài những vụ chi trả bồi thường với số tiền bảo hiểm ngày càng lớn thì theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2019, tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 44.006 tỷ đồng (trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 22.804 tỷ đồng). 

Con số này đã phần nào xóa bỏ được định kiến “bảo hiểm mua dễ, khó đòi” và khẳng định bảo hiểm chính là “tấm lá chắn rủi ro” cho mọi gia đình cũng như xã hội?

Người dân ngày càng nhận thức được vai trò của bảo hiểm nhân thọ trong cuộc sống và ngày càng nhiều người tham gia mua bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm nhân thọ đã thể hiện được vai trò “tấm lá chắn” cho các gia đình và xã hội.

Trong năm 2019, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chi trả trên 22.000 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Nhưng thực tế, chỉ cần một vài trường hợp tranh chấp giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… là sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân, khiến nhiều người vẫn có định kiến “bảo hiểm mua dễ, khó đòi”.

Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm xóa bỏ định kiến này.

Để bảo hiểm “mua dễ, bồi thường nhanh”, yếu tố quan trọng phải chăng vẫn là việc kê khai trung thực hồ sơ yêu cầu bảo hiểm?

Coi chừng định kiến 'bảo hiểm mua dễ, khó đòi' - Ảnh 1.

Ông Ngô Trung Dũng.

Vấn đề khách hàng kê khai thông tin không trung thực là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Có một nguyên tắc cơ bản trong bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng là “trung thực tuyệt đối”.

Người tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ phải kê khai cho doanh nghiệp bảo hiểm tất cả thông tin họ biết về rủi ro họ muốn tham gia bảo hiểm (trong bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe là tình trạng sức khỏe của họ).

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ trên thông tin người mua bảo hiểm kê khai để đánh giá xem có chấp nhận bảo hiểm không, chấp nhận bảo hiểm với điều kiện, phí bảo hiểm như thế nào.

Cũng có trường hợp khách hàng kê khai không đúng thông tin, nếu đó là những thông tin không quan trọng thì khi phát hiện ra, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần điều chỉnh lại các nội dung hợp đồng cho đúng thực tế và hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực bình thường.

Ví dụ, khách hàng có thể nhầm lẫn khi kê khai sai về tuổi, giới tính, thì khi doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện ra, nếu chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm và tuổi của khách hàng vẫn nằm trong độ tuổi có thể tham gia bảo hiểm lần đầu trong chính sách bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, thông thường có 2 phương án điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm: giữ nguyên số tiền bảo hiểm, thu thêm phí cho đúng số tuổi thực tế, hoặc điều chỉnh giảm số tiền bảo hiểm tương ứng với mức phí bảo hiểm khách hàng đã đóng.

Trường hợp việc kê khai sai thông tin được phát hiện sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi bảo hiểm theo số tiền bảo hiểm điều chỉnh lại tương ứng với mức phí bảo hiểm khách hàng đã đóng theo bảng tỷ lệ phí áp dụng cho số tuổi hoặc giới tính đúng của khách hàng (có một điều khoản trong bộ hợp đồng bảo hiểm quy định rõ cách xử lý vấn đề kê khai sai tuổi, giới tính).

Những thông tin quan trọng mà khách hàng kê khai sai có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm theo các quy định của hợp đồng bảo hiểm và Điều 19, Luật kinh doanh bảo hiểm.

Ví dụ, khách hàng từng đi khám và bác sĩ có kết luận mắc bệnh nào đó mà lại che giấu không kê khai thông tin này cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Đây là thông tin quan trọng, ảnh hưởng đển quyết định chấp nhận bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Để khách hàng tự đảm bảo được quyền lợi của chính mình thì sự trung thực trong hồ sơ kê khai yêu cầu bảo hiểm có tầm quan trọng rất lớn.

Khách hàng cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này, nếu không muốn quyền lợi bảo hiểm của mình bị ảnh hưởng.

Việt Nam có khoảng bao nhiêu phần trăm dân số đã có hợp đồng bảo hiểm và nếu so với các thị trường khác trong khu vực thì sự chênh lệch về tỷ lệ dân số có bảo hiểm đã được thu hẹp hay chưa?

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 14,53 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực. Có người có vài hợp đồng nên chúng tôi ước lượng có khoảng 11 - 12% người dân Việt Nam đang có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Tỷ lệ này ngày càng cải thiện hàng năm, tuy nhiên, nếu so với bảo hiểm nhân thọ ở các thị trường đã phát triển hơn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore…, nơi 70 - 80% người dân có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thì chúng ta thấy đây là một tỷ lệ còn rất khiêm tốn.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cần thay đổi như nào để thu hút được nhiều khách hàng hơn nữa?

Tôi nghĩ rằng, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua áp dụng những thành tựu của công nghệ 4.0 để tăng độ tương tác, trải nghiệm của khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các mẫu quy tắc điều khoản bảo hiểm hiện có theo hướng đơn giản hóa, làm cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trở nên thân thiện hơn.

Ngoài ra, việc đưa ra các sản phẩm mới, đa dạng, thiết kế sát hơn với nhu cầu, khả năng kinh tế của từng nhóm khách hàng cũng là yếu tố quan trọng để bảo hiểm trở lên hấp dẫn hơn với người dân.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong năm 2019 của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng 25% so với năm 2018, bình quân 5 năm 2015 - 2019 tăng trưởng 30,7%/năm. Quy mô thị trường gấp 2,5 lần so với năm 2015 về tổng doanh thu phí, tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, vốn chủ sở hữu.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định cho nền kinh tế. Tổng số tiền đầu tư ước đạt 329.964 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2018.

Tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện trích lập dự phòng nghiệp vụ bằng hoặc cao hơn so với quy định của pháp luật. Tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 264.327 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2018. Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 22.804 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2018 (bao gồm chi trả giá trị hoàn lại, chi đáo hạn, sự kiện bảo hiểm).

Trong năm 2019, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều có biên khả năng thanh toán cao hơn so với biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định của pháp luật. Doanh thu phí khai thác mới ước đạt 35.129 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2018.

Ngọc Lan