|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Có thể phát hành trái phiếu để làm Vành đai 4 TP HCM'

19:30 | 05/05/2024
Chia sẻ
Vành đai 4 đầu tư lớn, song nguồn vốn hạn hẹp, các tỉnh thành có thể phát hành trái phiếu tìm kinh phí làm trước rồi trả sau, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.

Nội dung được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tại Hội nghị lần 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, ngày 5/5, tại Tây Ninh, với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị lần 3 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, sáng 5/5. Ảnh: Nhật Bắc

Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh, thành: Long An, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, toàn tuyến được nghiên cứu với tổng chiều dài gần 207 km, trong đó Long An chiếm hơn 78 km, Bình Dương 47,5 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1 km, TP HCM 17,3 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 127.230 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng hơn 78.000 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng trên 49.000 tỷ đồng. Đây là cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h với mặt cắt ngang 6-8 làn xe.

Để thực hiện xây dựng Vành đai 4, TP HCM xin tự cân đối vốn nhưng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai đề nghị Trung ương hỗ trợ 50% phần vốn giải phóng mặt bằng, dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng và xin bố trí vốn giai đoạn 2021-2025. Riêng Long An xin hỗ trợ 75%, tương đương 28.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 6.700 tỷ đồng, phần còn lại bố trí ở giai đoạn 2026-2030.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tổng vốn làm Vành đai 4 tương đối lớn nhưng "lại không nằm trong kế hoạch hiện nay và phải chờ rất lâu". Kế hoạch vốn Trung ương giai đoạn 2026-2030 chưa được Quốc hội phê duyệt nên rất khó xác định.

Do vậy với quan điểm cá nhân, ông Dũng cho rằng các địa phương có thể xem xét đến khả năng tách dự án này riêng ra. Sau đó từng tỉnh thành làm rõ phần đóng góp cho dự án, cần vay bao nhiêu, từ đó phát hành trái phiếu huy động vốn và phương án trả.

Hướng tuyến của Vành đai 4. Đồ họa: Khánh Hoàng

Trước đó, báo cáo phương án xây dựng Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết quá trình chuẩn bị dự án đã nhận thấy có một số vướng mắc. Đơn cử như chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn ngân sách của mình để thực hiện đầu tư dự án Vành đai 4.

Ông Mãi cũng đề nghị được tích hợp các cơ chế từ Vành đai 3, Nghị quyết 106/2023 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư, xây dựng công trình giao thông của Quốc hội để xây dựng Vành đai 4.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng các cơ chế, kiến nghị của TP HCM và địa phương đề xuất cho Vành đai 4 cũng là các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng Vành đai 3 Hà Nội, các dự án đường cao tốc quốc gia.

"Ngân sách Trung ương khó khăn thì cần có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực xã hội hóa", ông Thắng nói, cho biết vùng Đông Nam Bộ có sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, do đó cơ chế, chính sách cần linh hoạt, đa dạng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tai hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các đề xuất của UBND TP HCM về Vành đai 4, giao thành phố hoàn thiện báo cáo, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cần tìm phương án cân đối nguồn vốn, tinh thần là huy động vốn Trung ương và địa phương, nghiên cứu hợp tác công tư, phát hành trái phiếu Chính phủ... sớm triển khai dự án.

Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ được lập vào tháng 7/2023, nhằm liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, khu vực đóng góp 32% GDP của cả nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính là Chủ tịch Hội đồng điều phối.

Lê Tuyết