Cơ quan giám sát tài chính Anh cảnh báo kinh tế suy thoái toàn diện
(Nguồn: AFP/TTXVB)
Ngày 18/7, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính công tại Anh, cảnh báo quốc gia này sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái toàn diện kéo dài hàng năm kể từ quý 4/2019 và chứng kiến mức thâm hụt ngân sách tăng gấp đôi vào năm tới nếu rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận vào cuối tháng 10 này.
Văn phòng trên cho biết nền kinh tế thứ 5 thế giới có dấu hiệu ngừng tăng trưởng hoặc suy giảm trong quý 2/2019.
Các khảo sát tăng trưởng đều cho kết quả đặc biệt yếu trong tháng 6, báo hiệu tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức yếu. Thực tế này chỉ ra nguy cơ nền kinh tế Anh có thể đang bước vào giai đoạn suy thoái toàn diện.
Dẫn các dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), OBR khẳng định Brexit không thỏa thuận sẽ làm suy giảm lòng tin và cản trở đầu tư, mở đường cho các rào cản thương mại ở cấp độ cao hơn với EU, làm suy giảm giá trị của đồng bảng Anh và khiến nền kinh tế "xứ sương mù" suy giảm 2% vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, OBR cảnh báo Brexit không thỏa thuận có thể buộc Chính phủ Anh phải vay thêm 30 tỷ bảng Anh (37,4 tỷ USD) mỗi năm tính từ năm 2020 vì nguồn thu thuế sẽ giảm do Anh sẽ phải áp dụng các mức thuế thương mại theo qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong bối cảnh cả hai ứng viên cho chức Thủ tướng Anh là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và Ngoại trưởng Jeremy Hunt đều tuyên bố sẵng sàng thực hiện Brexit không thỏa thuận nếu cần thiết, OBR đánh giá những cam kết cắt giảm chi tiêu công và cắt giảm thuế mà cả hai ứng viên này đưa ra để đương đầu với những khó khăn từ Brexit không thỏa thuận sẽ đều khiến tình hình ngân sách Anh thêm căng thẳng.
Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (phải) và Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt (trái). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Không chỉ OBR, cả Ngân hàng trung ương Anh và IMF trước đó đều cảnh báo tình trạng suy thoái sâu rộng và "cái gía đắt đỏ" của Brexit không thỏa thuận.
Hơn 3 năm kể từ ngày người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU, Brexit vẫn chưa diễn ra. Thất bại trong cả 3 lần nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ tại Quốc hội dành cho thỏa thuận Brexit đã ký kết với EU hồi cuối năm 2018 và phải gia hạn Brexit tới 2 lần, Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng phải tuyên bố từ chức để mở đường cho đảng Bảo thủ cầm quyền tìm kiếm một lãnh đạo mới với hy vọng tháo gỡ bế tắc Brexit, để tiến trình này được thực hiện êm xuôi vào cuối tháng 10 tới.
Cuộc đua lựa chọn người kế nhiệm bà May trong đảng Bảo thủ giờ chỉ còn hai ứng viên. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tuần tới, vỏn vẹn hơn 3 tháng trước hạn chót cho Brexit.
Cả hai ứng viên hiện tại đều thể hiện quan điểm quyết thực hiện Brexit theo ý nguyện của người dân Anh dù có hay không có thỏa thuận vào tháng 10 tới.
Những tuyên bố này được cho là nhằm gây sức ép buộc EU phải nhượng bộ trong việc tìm kiếm một thỏa thuận mới "được lòng" Quốc hội Anh hơn, điều mà EU luôn bác bỏ.
Cũng trong ngày 18/7, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier một lần nữa nhấn mạnh EU không chịu sức ép trước những lời đe dọa trên nhưng nếu Anh quyết thực hiện điều đó thì họ sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả.
Trả lời phỏng vấn trên đài BBC, ông Barnier cho biết Anh đã được thông báo rõ về cách làm việc của EU và rất hiểu rằng EU sẽ không bị áp lực vì những lời đe dọa như vậy.
Quan chức này tái khẳng định thỏa thuận Brexit được ký kết hồi cuối năm 2018 là cách duy nhất để Anh rời EU một cách có trật tự.