Cổ phiếu 'tăng sốc giảm sâu', điều gì đang diễn ra tại Sao Thái Dương?
Cổ phiếu xuống đáy lịch sử
Dù chào sàn không mấy ấn tượng nhưng cổ phiếu SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương đã gây bất ngờ khi bắt đầu dậy sóng từ khoảng trung tuần tháng 5/2018 sau một thời gian dài giao dịch không mấy sôi động.
Từ mức giá 12.400 đồng/cp vào đầu tháng 5, SJF liên tục tạo đỉnh, đi lên mức 28.000 đồng/cp đóng cửa phiên 24/8 – mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu này bất ngờ lao dốc nhanh chóng xuống còn 5.400 đồng/cp, giảm hơn 80% trong vòng 4 tháng. Trong khoảng thời gian này, thanh khoản của SJF cũng tăng đột biến với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 triệu cp/ngày.
Trước diễn biến thất thường của cổ phiếu, mới đây ban lãnh đạo Sao Thái Dương đã có giải trình liên quan. Theo công ty, giá cổ phiếu SJF tăng giảm là do thị trường, đặc biệt là chịu tác động lớn từ sự biến động của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế trong thời gian qua.
Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường và ổn định. Lãi sau thuế đến hết quý III/2018 đạt hơn 42 tỉ đồng, cả năm 2018 ước đạt 50 tỉ đồng và hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông thường niên đề ra.
Sao Thái Dương cho biết, dự kiến 2019 là năm kinh doanh tốt của công ty đặc biệt với việc nhà máy sản xuất Tre Công nghiệp trên Mai Châu nhận đơn đặt hàng rất lớn từ cả khách hàng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, nếu so với mức giảm của VN-Index từ đầu 2018 đến nay (khoảng 14%) thì biên độ dao động của cổ phiếu SJF (giảm 60%) lớn hơn rất nhiều.
|
Lãnh đạo “bán đỉnh, mua đáy”
Sau chuỗi ngày giảm giá, mới đây, thông tin ông Nguyễn Trí Thiện – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Xuân Nam – Thành viên HĐQT cùng đăng ký mua tổng cộng 6 triệu cp SJF nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu đã giúp SJF có 3 phiên tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng này diễn ra không được lâu khi ngay sau đó, SJF lại giảm sàn và về mức giá 5.400 đồng/cp (chốt phiên 19/1).
Còn nhớ, hồi tháng 8/2018, khi cổ phiếu SJF đang trên đà tăng, cả ông Nam và Thiện đã nhanh chóng tất tay, bán gần 3,5 triệu cp. Tạm tính tại mức giá thời điểm đó, hai cá nhân này mỗi người có thể bỏ túi hơn 40 tỉ đồng nhờ việc chốt lời gần đỉnh.
Tại một diễn biến khác, vào đầu tháng 10/2018, khi SJF đang rơi tự do xuống còn 17.800 đồng/cp (kết thúc phiên giao dịch 5/10), bốc hơi gần 30% sau hơn một tuần giao dịch thì cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Tonkin đã đăng ký mua mua thêm 800.000 cp nâng sở hữu lên mức 6,04% tương đương mức 4,78 triệu cp.
Hiện tại, Kyoei Steel Ltd đang là cổ đông lớn nhất tại Sao Thái Dương với 66,91% vốn trong khi Đầu tư Tonkin giữ 6,04% vốn.
Tăng vốn thần tốc, Sao Thái Dương kinh doanh ra sao?
Được thành lập vào 2012 với số vốn điều lệ khiêm tốn 6 tỉ đồng, Sao Thái Dương đã tăng vốn thần tốc lên lên 250 tỉ đồng vào 2014 nhằm để mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tre ép công nghiệp.
Năm 2015, công ty tiếp tục tăng vốn lên 660 tỉ đồng để đầu tư vào hai nhà máy tre ép công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình, Điện Biên và triển khai đầu tư chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ sinh học Nhật Bản.
Động thái này dường như hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh của Sao Thái Dương khi lãi sau thuế 2015, 2016 của công ty có tốc tăng trưởng khá cao, lần lượt đạt 29 tỉ đồng, 66 tỉ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2017, doanh thu thuần Sao Thái Dương đạt 918 tỉ đồng, giảm 20% và không hoàn thành kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế giảm 1/3 chỉ còn 44 tỉ đồng, và bằng 59% kế hoạch.
Theo giải trình của Sao Thái Dương, trong năm, vùng hoạt động chính bị ảnh hưởng xấu từ thời tiết, nhất là vùng Tây Bắc hứng chịu trận mưa lớn nhất trong vòng 70 năm qua, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Cụ thể, hoạt động thu mua và thương mại nông sản tại các khu vực này không đạt như kế hoạch. Nhà máy tre BWG Mai Châu bị dừng sản xuất hơn 1 tháng để khắc phục hậu quả do thiên tai, nguồn cung cấp tre đầu vào cũng bị ảnh hưởng. Đồng thời, các trang trại cung cấp thực phẩm cho Công ty tại vùng phụ cận cũng bị thiệt hại nặng nề.
9 tháng đầu năm 2018, Sao Thái Dương ghi nhận 356,5 tỉ đồng doanh thu, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn giảm mạnh, lãi sau thuế vẫn đạt 42,2 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và bằng 84% kế hoạch năm.
Khi xét về dòng tiền, dù có giảm so với cùng kì 2017 nhưng lưu chuyển dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh của Sao Thái Dương ghi nhận giá trị âm 24,2 tỉ đồng. Nguyên nhân trong 9 tháng, công ty phát sinh khoản ký quỹ, ký cược dài hạn hơn 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính Sao Thái Dương không nói rõ chi tiết về khoản này.
(Nguồn: Báo cáo tài chính của Sao Thái Dương). |
Tại thời điểm 30/9/2018, giá trị xây dựng cơ bản của dự án Nhà máy sản xuất ván dăm tre gỗ Công nghiệp tại Hòa Bình và dự án bảo quản các sản phẩm từ Chăn nuôi theo công nghệ Nhật Bản ở mức 96,6 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm.