|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: MSB tăng 23% sau 3 ngày lên HOSE, KLB tiếp tục leo dốc

20:00 | 27/12/2020
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch vừa qua, KLB và MSB là hai mã tăng giá mạnh nhất ngành ngân hàng, lần lượt ở mức 25,4% và 23,3%. Khối lượng giao dịch toàn ngành đạt 875,7 triệu đơn vị, tăng 52,5% so với tuần trước.
photo1539248973175-15392489731771880187551.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Hai 'tân binh' gia nhập, vốn hóa toàn ngành tăng hơn 79.000 tỷ đồng

Trong tuần qua (21/12 - 25/12), ngành ngân hàng ghi nhận thêm hai cổ phiếu tham gia thị trường tập trung gồm MSB (lên HOSE) và PGB (lên UPCoM), nâng tổng số mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM lên 23. Giá trị vốn hóa toàn ngành chốt tuần ở hơn 1,257 triệu tỷ đồng, tăng gần 79.050 tỷ so với mức đóng cửa tuần trước, tương ứng tăng 6,7%. 

Sau 3 ngày giao dịch trên HOSE, vốn hóa MSB dừng ở mức 21.738 tỷ đồng, vượt LienVietPostBank trở thành ngân hàng lớn thứ 16 về giá trị thị trường. Trong khi vốn hóa PG Bank đóng cửa tuần ở mức 4.860 tỷ, đứng thứ 22 toàn ngành.

Tuần qua cũng ghi nhận sự gia tăng vốn hóa của nhiều ngân hàng như Eximbank (2.336 tỷ đồng), TPBank (2.321 tỷ đồng), VPBank (2.072 tỷ đồng), Kienlongbank (1.376 tỷ đồng),...

Đóng cửa ngày 25/12, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất ở mức 361.986 tỷ đồng, gấp hơn 1,9 lần BIDV và gần 2,8 lần VietinBank.

133590824_864496800989361_6761005796569910743_n.png

KLB và MSB dẫn đầu tăng giá

Tuần qua chứng kiến xu hướng tăng giá của 19/23 cổ phiếu ngân hàng. Tính chung trong 5 ngày giao dịch vừa qua, KLB tiếp tục là mã tăng mạnh nhất ngành (+25,4%) với 2 phiên tăng kịch mức cho phép (14,5%).

Trước đó, thị giá KLB cũng đã tăng 20,7% trong tuần (14/12 - 18/12) với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá.

Thị giá KLB tăng mạnh trong bối cảnh Kienlongbank vừa chốt danh sách cổ đông vào 16h30 ngày 11/12/2020 để thực hiện việc ứng cử, đề cử nhân sự bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 và tham dự họp ĐHCĐ bất thường Kienlongbank năm 2021.

Trong một diễn biến liên quan, bà Trần Tuấn Anh, Thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng đăng ký mua 300.000 cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh trên sàn và thỏa thuận nhằm mục đích đầu tư. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 24/12/2020 đến ngày 22/1/2021.

Ngoài KLB, MSB cũng ghi nhận mức tăng giá tốt trong những phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE. Sau 3 phiên, thị giá cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 23,3% so với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp.

Một loạt mã ngân hàng khác cũng sở hữu mức tăng giá tốt trong tuần như EIB (+11%), TPB và BVB (+9%), VBB (+7,8%), SGB (+6,9%), NVB (+5,7%),...

Ngược lại, chỉ có 3 mã ngân hàng giảm giá trong tuần với BID giảm sâu nhất (-0,9%); 2 mã giảm giá còn lại gồm VCB (-0,5%) và STB (-0,3%). Mã đứng giá duy nhất là MBB.

Xu hướng tăng giá của đa số cổ phiếu ngân hàng tương đối đồng điệu với thị trường chung khi các chỉ số chính đều duy trì được sắc xanh.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 1,59% lên 1.084,42 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên HOSE đạt hơn 671 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 16,61% so với tuần trước.

Chỉ số HNX-Index tăng 8,72% lên 192,46 điểm. Sàn HNX đạt trung bình hơn 121 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 34,95%.

133080298_748765962737974_1432288741870685812_n.png

Biến động giá 23 mã ngân hàng trong tuần 21/12 - 25/12. (Nguồn: QT tổng hợp)

Khối lượng giao dịch toàn ngành tăng hơn 50%

Tuần qua có tổng cộng gần 875,7 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 19.218 tỷ đồng; tăng 52,5% về khối lượng và tăng 11,1% về giá trị so với tuần trước.

Trong tuần, STB sở hữu thanh khoản cao nhất ngành với khối lượng giao dịch đạt gần 142 triệu đơn vị, tăng 53,7% so với tuần trước. SHB và TCB cũng duy trì khối lượng giao dịch ở mức cao, lần lượt đạt gần 120 và hơn 115 triệu đơn vị.

MBB, ACB, LPB, MSB và NVB đứng tiếp sau với mức thanh khoản dao động từ 44 đến 94 triệu đơn vị.

Mặt khác, TCB tiếp tục dẫn dầu về giá trị giao dịch toàn ngành với hơn 3.305 tỷ đồng, bỏ xa các mã đứng kế sau như STB (2.392 tỷ đồng), MBB (2.170 tỷ đồng), SHB (2.106 tỷ đồng), ACB (1.881 tỷ đồng), ...

5.png

Khối lượng giao dịch 23 mã ngân hàng trong tuần giao dịch 21/12 - 25/12. (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản nhiều mã tăng mạnh

Tuần qua ghi nhận sự gia tăng thanh khoản của 14/21 mã ngân hàng. Trong đó, khối lượng giao dịch nhiều cổ phiếu tăng theo cấp số nhân so với tuần trước như EIB (gấp 6 lần), VBB (gấp 4,4 lần), SGB và SHB (gấp gần 2 lần).

Ngoài ra, thanh khoản của một loạt mã khác cũng tăng trên 50% như TPB (+86%), BVB (+78%), NVB (+75%), ACB (+70%), STB (+54%) và HDB (+50%).

Ngược lại, chỉ 7 mã ngân hàng sụt giảm khối lượng giao dịch. Trong đó, thanh khoản KLB chỉ đạt gần 4,1 triệu đơn vị, giảm hơn 76% so với tuần trước. 

133046517_1268362126867872_5923645874522477378_n.png

Thay đổi khối lượng giao dịch so với tuần trước (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp).

Liên tiếp các giao dịch thỏa thuận 'khủng' tại SHB

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 675,2 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 15.682 tỷ đồng, chiếm gần 84% về khối lượng và gần 87% về giá trị.

Hơn 81 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 1.429 tỷ đồng. Trong đó, SHB tiếp tục có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với gần 63 triệu đơn vị, chiếm gần 53% tổng số cổ phiếu ngân hàng được mua bán trong tuần.

Trước đó, SHB cũng là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành ngân hàng trong hai tuần gần nhất với lần lượt 17,3 và 31,3 triệu cổ phiếu được trao tay theo hình thức này.

Ngoài SHB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "nhộn nhịp" tại nhiều mã ngân hàng khác như NVB (25,8 triệu cp), EIB (hơn 20,6 triệu cp), TCB (gần 12,5 triệu cp), STB (hơn 5,2 triệu cp);...

132023565_1692859037554632_4534606099366985304_n.png

(Nguồn: QT tổng hợp)

Quốc Thụy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.