|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Một loạt mã tăng trên 10%, hơn 283 triệu cp STB được sang tay

20:28 | 04/04/2021
Chia sẻ
Tuần qua ghi nhận 25/26 cổ phiếu ngân hàng tăng giá với SHB là quán quân (+38,5%). Về thanh khoản, STB dẫn đầu toàn ngành với khối lượng giao dịch đạt hơn 283 triệu đơn vị.

SHB tăng 38,5% trong tuần

Tuần qua (29/3 - 2/4) chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ của của nhóm cổ phiếu ngân hàng. 

Tính chung trong 5 ngày giao dịch, có 25/26 cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM tăng giá. Trong đó, SHB là mã tăng mạnh nhất (+38,5%) với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá.

Với sự bứt phá trong tuần qua, SHB kết thúc quý I với mức tăng giá 51,2%, riêng tháng 3 tăng gần 62%.

Chỉ đứng sau SHB, SSB của SeABank tiếp tục duy trì đà tăng giá mạnh trong tuần khi chốt ngày 2/4 ở mức 28.250 đồng/cp, tương ứng tỷ suất sinh lời 22,6% sau 5 phiên leo dốc liên tiếp. 

Trước đó, SSB cũng ghi nhận mức tăng 37,2% trong ba ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE. Như vậy, sau 8 phiên giao dịch, SHB đã tăng tổng cộng hơn 68% so với giá tham chiếu chào sàn (16.800 đồng/cp).

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Một loạt mã tăng trên 10%, hơn 283 triệu cp STB được trao tay - Ảnh 1.

Cây ATM của ACB và SeABank tại trung tâm Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngoài SHB và SSB, nhiều mã ngân hàng khác cũng có mức tăng giá trên 10% trong tuần như STB (+19,3%), VIB (+17,2%), ABB (+15%), NVB (+14,4%), KLB (+12,4%), LPB (+11,7%).

Ngược lại, BAB là mã ngân hàng duy nhất giảm giá trong tuần khi mất 0,3%, từ 29.200 xuống 29.100 đồng/cp.

Xu hướng tăng giá chiếm áp ưu thế đảo trong nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh VN-Index thiết lập mức đỉnh lịch sử mới.

Tính cả tuần giao dịch, VN-Index tăng 62,24 điểm (+5,36%), lên 1.224,45 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 3,1% xuống 79.406 tỷ đồng, khối lượng giảm 0,5% xuống 3.479 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 23,93 điểm (+8,83%), lên 294,89 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 20,7% lên 15.771 tỷ đồng, khối lượng tăng 8,8% lên 934 triệu cổ phiếu.

z2416228479712_bce71e581fb740e5e723650e94f3248d.jpg

Đóng cửa ngày 2/4, giá trị vốn hóa của 26 ngân hàng dừng ở hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng gần 103.800 tỷ so với mức chốt tuần trước, tương ứng tăng 7,27%.

Kết thúc tuần qua, Vietcombank tiếp tục sở hữu vốn hóa lớn nhất ngành đạt 362.728 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần BIDV và 2,4 lần VietinBank. 

Ngược lại, VietBank, PG Bank và Viet Capital Bank lần lượt là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất, ở mức 5.950 tỷ đồng, 4.920 tỷ đồng và 4.503 tỷ đồng.

z2416236075578_403d70bab3a781c48530aef29b4961a0.jpg

Bùng nổ thanh khoản tại STB

Tuần qua có tổng cộng gần 1,1 tỷ cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 29.282 tỷ đồng; tăng 9% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với tuần trước. 

Trong tuần, STB thay thế SHB trở thành mã có thanh khoản cao nhất ngành với khối lượng giao dịch đạt hơn 283 triệu đơn vị. 

Riêng ngày 30/3, cổ phiếu Sacombank tăng trần với khối lượng giao dịch khớp lệnh cao kỷ lục gần 100 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.800 tỷ đồng.

Theo công bố thông tin từ HOSE, chưa có bất kỳ tổ chức hay cá nhân báo cáo giao dịch khối lượng lớn cố phiếu STB trong tháng 3. Do vậy, nghi vấn về sự bùng nổ thanh khoản đổ dồn về phía Kienlongbank và Eximbank, hai ngân hàng đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo.

Trước đó, cả hai nhà băng này đều có ý định bán số cổ phiếu thế chấp trên để xử lý nợ xấu và thực tế Kienlongbank từng cho biết đã bán một phần cổ phiếu STB trong tháng 1.

Ngoài STB, SHB cũng duy trì thanh khoản ở mức cao với gần 237 triệu đơn vị. Lũy kế từ đầu năm, có tổng cộng hơn 2,12 tỷ cổ phiếu SHB được giao dịch với giá trị đạt hơn 38.390 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90% lượng cổ phiếu SHB được sang tay theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn.

MBB, CTG, LPB và TCB lần lượt đứng kế sau với khối lượng giao dịch đạt khoảng 50 - 80 triệu đơn vị.

Xét về giá trị giao dịch, STB cũng đứng đầu toàn ngành với gần 5.896 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với tuần trước. Bám sát STB, SHB có giá trị giao dịch trong tuần đạt hơn 5.749 tỷ đồng, tăng 50%.

z2416240199516_d0a85c20e3338bd7c96b93706960f515.jpg

Tuần qua chứng kiến sự gia tăng thanh khoản của 17/26 mã ngân hàng. Trong đó, khối lượng giao dịch của KLB đạt hơn 1,45 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần tuần trước.

Bên cạnh KLB thì ABB, EIB và SSB là những mã ngân hàng sở hữu thanh khoản tăng gấp 2 lần.

Mặt khác, có 9 mã ngân hàng sụt giảm khối lượng giao dịch. Trong đó, thanh khoản SGB giảm gần 98%, xuống còn hơn 580.000 cp do không còn các giao dịch thỏa thuận đột biến.

Ngoài SGB thì MSB, OCB và CTG là những mã có khối lượng giao dịch giảm hơn 20% trong tuần.

z2416246270538_577c746c0d453235e3ba3b19e23c2f46.jpg

Thay đổi khối lượng giao dịch so với tuần trước (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp).

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 1,04 tỷ cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 27.259 tỷ đồng, chiếm 94,7% về khối lượng và gần 93,1% giá trị.

Gần 57,8 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt hơn 2.024 tỷ đồng. 

Trong đó, TPB sở hữu khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với gần 14,9 triệu đơn vị, chiếm hơn 51% tổng số cổ phiếu này được mua bán trong tuần qua. 

Ngoài TPB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại nhiều mã ngân hàng khác như VPB (gần 12,1 triệu cp), TCB (gần 7,7 triệu cp), NVB (gần 5,8 triệu cp), EIB (hơn 5,7 triệu cp), ACB (gần 5 triệu cp),...

z2416249238109_5952c050a6ebcebab207bae4faa4959c.jpg

(Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)

Quốc Thụy