Cổ phiếu LDP của Dược Lâm Đồng nổi sóng khi một doanh nghiệp hệ sinh thái Louis bẻ hướng sang dược phẩm
Cổ phiếu LDP tăng trần 4 phiên liên tiếp, một doanh nghiệp nhóm Louis chuyển định hướng sang dược phẩm
Ghi nhận trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu LDP của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) tăng hết biên độ lên 6.900 đồng/cp với khối lượng dư mua giá trần lên đến 90.800 đồng/cp. Đây đã là phiên tăng trần thứ 4 liên tục của mã này sau thời gian dài đi ngang trước đó.
Bên cạnh việc tăng giá mạnh, thanh khoản cổ phiếu LDP cũng tích cực hơn. Ba phiên gần đây, thanh khoản khớp lệnh mã này nâng lên hàng hàng trăm nghìn đơn vị cổ phiếu, trong khi giai đoạn trước đó, khối lượng giao dịch mã này chỉ loanh quanh vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.
Diễn biến khởi sắc của mã này diễn ra trong bối cảnh không mấy tích cực khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc đưa 12,7 triệu cổ phiếu LDP của Ladophar vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 là số âm.
Ngay sau quyết định đưa cổ phiếu LDP vào diện cảnh báo, HNX cũng đồng thời ra thông báo cắt margin đối với cổ phiếu này với lý do tương tự.
Việc không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ đồng nghĩa với việc nhà đầu tư mua sẽ không được sử dụng margin do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua cổ phiếu LDP kể từ ngày 23/3/2023.
Trong 15 ngày kể từ ngày 20/3, CTCP Dược Lâm Đồng phải gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và công bố thông tin kèm theo biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Định kỳ hàng quý, Dược Lâm Đồng phải giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và công bố thông tin.
Việc cổ phiếu LDP liên tục tăng kịch trần xuất hiện trong thời điểm một công ty trong "hệ sinh thái Louis" công bố cơ cấu lại hoạt động theo và thay đổi định hướng kinh doanh sang ngành dược. Cụ thể, Louis Capital (Mã: TGG) sẽ đổi tên thành The Golden Group.
Cùng với việc đổi tên, định hướng phát triển công ty chuyển sang ngành dược là ngành cốt lõi. Công ty tiếp tục thực hiện hoạt động M&A những công ty trong lĩnh vực dược phẩm hoặc các công ty có tiềm năng. Với định hướng mới là dược phẩm và mảnh ghép Ladophar trong hệ sinh thái, liệu nhóm Louis có thể cơ cấu sau cú sốc của cựu lãnh đạo Đỗ Thành Nhân là một câu hỏi được giới đầu tư quan tâm?
Thị trường chưa rõ những bước đi tiếp theo của nhóm này, nhưng nếu chỉ nhìn vào nội lực và kết quả kinh doanh của Ladophar thì bức tranh vẫn còn nhiều mảng tối.
Quá khứ từng nổi sóng nhờ "hiệu ứng Louis"
Quay trở lại hơn một năm trở về trước, cổ phiếu LDP của Ladophar thăng hoa trong suốt giai đoạn cuối năm 2021 – đầu năm 2022. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp có sự biến động lớn về cơ cấu cổ đông lớn.
Tháng 12/2021, Louis Holdings xuất hiện với vai trò cổ đông lớn của Ladophar khi nhóm Nguyễn Kim thoái toàn bộ 6,85 triệu cổ phiếu tương đương 53,91% vốn tại công ty. Mức giá thoái thời điểm đó là trên 35.000 đồng/cp.
Sau đổi chủ, người của nhóm Louis được bầu làm ban lãnh đạo cấp cao của công ty. Trong đó, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Louis Holdings đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT của Ladophar. Ông Nguyễn Mai Long được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc. Ông Long từng được biết đến trên cương vị Tổng Giám đốc của Louis Holdings.
Về phần Louis Holdings, cái tên nổi lên bắt đầu từ năm 2021. Từ một công ty gạo, doanh nghiệp này thâu tóm nhiều doanh nghiệp đa ngành, tạo dựng hệ sinh thái "họ Louis". Chỉ trong một năm, doanh nghiệp do ông Đỗ Thành Nhân lãnh đạo đã trở thành cổ đông lớn của 5 đơn vị gồm CTCP Louis Capital (Mã: TGG), CTCP Louis Land (Mã: BII), Ladophar (Mã: LDP), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – Mã: AGM) và CTCP Sametel (Mã: SMT).
Từ khi có thông Louis Holdings mua lại Ladophar, LDP này tăng giá phi mã từ quanh 14.000 đồng/cp vào cuối tháng 11/2021 lên đỉnh 54.800 đồng/cp phiên 12/1/2022.
Tuy nhiên, sau thông tin ông Đỗ Thành Nhân bị bắt để điều tra nghi vấn thao túng thị trường chứng khoán từ giữa tháng 4/2022, các cổ phiếu trong hệ sinh thái Louis, bao gồm LDP đồng loạt trượt dốc, giá cổ phiếu rơi tự do với hàng triệu cổ phiếu dư bán sàn mỗi phiên. Từ mức đỉnh 54.800 đồng/cp, LDP lao dốc và chạm đáy 4.400 đồng/cp trong phiên 18/11/2022, tức bốc hơi 92% giá trị.
Kinh doanh thua lỗ, Ladophar đặt mục tiêu hòa vốn năm 2023
Sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, cổ đông và đối tác nghi ngại về khả năng hoạt động liên tục của Ladophar cũng như mất niềm tin vào cổ phiếu doanh nghiệp. Khi đó ông Nguyễn Mai Long, Cựu Tổng giám đốc Ladophar đã chia sẻ rằng việc giá cổ phiếu giảm là diễn biến thông thường bởi tâm lý quan ngại của cổ đông nhỏ và tự tin thời gian tới cổ phiếu sẽ chuyển biến tích cực nhờ kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên thực tế chỉ ra bức tranh kinh doanh của Ladophar năm 2022 không mấy khả quan khi thua lỗ ở tất cả các hoạt động. Doanh thu năm 2022 đạt 187,4 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021, thực hiện 83% kế hoạch đề ra.
Lỗ sau thuế năm 2022 là 38,9 tỷ đồng, dù năm 2021 công ty vẫn báo lãi gần 37,9 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng các hoạt động đầu tư tài chính khác. Trước đó, trong năm 2018, 2020 công ty lỗ lần lượt 20 tỷ và 26 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2022 của Ladophar chuyển âm 38,9 tỷ đồng so với mức dương 12,3 tỷ hồi đầu năm.
Theo Ladophar, hoạt động kinh doanh tiếp tục đi xuống do thiếu hụt nguồn cung dẫn đến một số nguyên liệu hàng hóa tăng giá, chậm cung ứng và thiếu hàng, … làm gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến động xuất khẩu sản phẩm của công ty qua các thị trường Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ - vốn là thị trường chủ lực của công ty.
Ngoài ra, với hoạt động kinh doanh dược phẩm, cạnh tranh về giá đấu thầu thuốc ngày càng gay gắt, thị phần bị phân mảnh với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong nước có dây chuyển sản xuất đạt GMP-WHO...
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 là 287 tỷ đồng, tăng 53% so với kết quả thực hiện năm 2022. Lợi nhuận gộp đặt kế hoạch tăng 76% lên 64,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu hòa vốn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự kiến sẽ vay ngân hàng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh với hạn mức 150 tỷ đồng; vay vốn trung hạn và dài hạn tại các tổ chức tín dụng và các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tổ chức tài chính khác để thực hiện việc đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, với định mức 90 tỷ đồng. Tổng cộng nguồn vốn dự kiến vay là 240 tỷ đồng.