|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp bất động sản gọi vốn ngoại

21:55 | 16/01/2020
Chia sẻ
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện được xem có sức hấp dẫn bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á và đây là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản trong nước muốn tìm đối tác, nhà đầu tư nước ngoài qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp bất động sản gọi vốn ngoại - Ảnh 1.

Cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản Việt Nam gọi vốn đầu tư ngoại hiện được cho là rất lớn. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Thông tin này được ghi nhận tại buổi họp báo hôm 16-1 về sự kiện Diễn đàn Quốc tế Đầu tư Bất động sản Việt Nam (VINA - M&A) sẽ diễn ra tại TPHCM vào ngày 24-3 tới.

Sức hấp dẫn của Việt Nam

Là nhà đầu tư bất động sản lớn của Nhật Bản, tại cuộc họp, ông Akihiko Iwatani, Quản lý cao cấp, kiêm Trưởng văn phòng đại diện của Haseko Corporation tại Hà Nội, đánh giá trong khu vực ASEAN hiện Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng và hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Việc đầu tư vào phân khúc bất động sản nào còn tùy thuộc chiến lược của mỗi nhà đầu tư, nhưng theo ông Akihiko Iwatani, phát triển căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Những nhà đầu tư có chiến lược phát triển dài hạn và an toàn thì chú ý đến phân khúc bất động sản văn phòng hay khách sạn, ông Akihiko Iwatani nói.

Đại diện tập đoàn xây dựng và phát triển bất động sản đến từ xứ mặt trời mọc này phân tích, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với các nhà đầu tư nước ngoài ở Indonesia hiện rất khó khăn, và tại Singapore thì thị trường quá bé, trong khi ở thị trường Malaysia đã phát triển tương đối ổn định. Trong khi đó, Việt Nam với gần 100 triệu dân, dân số trẻ, phát triển kinh tế ổn định và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu nhà ở với người trẻ còn rất lớn là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Đồng tình quan điểm trên, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng cả năm lĩnh vực bất động sản gồm nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp - kho bãi, trung tâm thương mại, và khách sạn - khu nghỉ dưỡng của Việt Nam đều được đánh giá có sức hút cao với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay và cho cả những năm tới.

Nhận định này của ông Thắng ngoài việc dựa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định của đất nước trong những năm qua, còn có cả sự thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển doanh nghiệp và khách du lịch đang tăng cao...

Nhà đầu tư nào quan tâm?

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp bất động sản gọi vốn ngoại - Ảnh 2.

Từ trái sang, ông Phan Hữu Thắng, ông Akihiko Iwatani, ông Thân Thanh Vũ, bà Lưu Thị Thanh Mẫu,... chia sẻ thông tin và trả lời câu hỏi phóng viên tại buổi họp - Ảnh: Hùng Lê

Vậy những nhà đầu tư đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ nào quan tâm thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay? Ông Phan Hữu Thắng cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là hai đất nước có lượng nhà đầu tư chủ đạo bên cạnh các nhà đầu tư đến từ Singapore và Hồng Kông.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu lý hiện có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực bất động sản Việt Nam mà bằng chứng là trong những năm gần đây những quỹ này dành các khoản đầu tư lớn hoặc quyết định rót một nguồn vốn khá lớn vào các dự án bất động sản Việt Nam.

Trong khi đó, ông Thân Thanh Vũ, Trưởng Ban tổ chức VINA-M&A 2020 cho rằng sức hút thị trường bất động sản Việt Nam có vẻ rộng lớn hơn về số nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. "Năm nay, chúng tôi mời các tập đoàn tư nhân lớn đã hoạt động đầu tư nhiều tại Việt Nam và từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, UAE, Úc, Mỹ, và EU với giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp này vượt hơn 500 tỉ đô la Mỹ", ông Vũ chia sẻ.

Theo ông Vũ, dù còn hơn 2 tháng nữa sự kiện VINA-M&A 2020 mới diễn ra nhưng đến nay đã có hơn 50 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tham dự. Với kinh nghiệm 12 năm tổ chức sự kiện này tại TPHCM, Hà Nội, Tokyo, Hồng Kông, Singapore,... ông Vũ tin rằng đến ngày khai mạc thì số nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ tăng lên rất nhiều.

Theo ông Vũ, Ban tổ chức sự kiện này là các doanh nhân và chuyên gia về kinh tế tư nhân, thấu hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, các vấn đề vốn và chuyển nhượng vốn, tình hình thị trường và cung - cầu. "Chúng tôi chỉ tập trung kết nối các tập đoàn, các quỹ đầu tư có nhu cầu đầu tư thực sự vào Việt Nam trong các lĩnh vực trên và các doanh nghiệp, tổ chức, dự án trong nước có nhu cầu gọi vốn, tìm đối tác liên doanh liên kết thông qua hoạt động góp vốn, mua bán sáp nhập (M&A)", ông Vũ chia sẻ.

Là nhà đầu tư bất động sản lớn, ông Akihiko Iwatani của Haseko Corporation cũng cho rằng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào sự kiện VINA-M&A 2020 sắp tới sẽ rất lớn, đáng chú ý là đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Trong bối cảnh tính pháp lý một số dự án còn chưa rõ ràng, sự tiếp cận trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này còn gian nan, thì sự kiện như VINA-M&A được xem là cơ hội lớn để nhà đầu tư nước ngoài cơ hội tìm kiếm những đối tác, doanh nghiệp Việt Nam để cùng hợp tác, liên doanh hoặc tham gia góp vốn,... phát triển dự án.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, CEO của Tập đoàn Phúc Khang, một doanh nghiệp bất động sản lớn Việt Nam, cũng cho rằng với cơ chế thị trường như hiện nay thì các thương vụ M&A rất cần thiết để tạo nên một thị trường có tính minh bạch cao và dòng vốn dồi dào. Theo bà Mẫu, cơ hội gọi vốn đầu tư nước ngoài đối với những doanh nghiệp, nhà phát triển các dự án bất động sản Việt Nam hiện nay là khá lớn, nhất là đối với những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, tính pháp lý dự án rõ ràng hoặc những dự án đã được phê duyệt về chủ trương đầu tư,...

Trong khi đó, ông Vũ cho biết bên cạnh diễn đàn, Ban tổ chức còn tổ chức khoảng 20 gian hàng triển lãm giới thiệu dự án với mỗi gian hàng có giá thuê lên đến 10.000 đô la Mỹ, thì khả năng những doanh nghiệp tham gia thuê gian hàng sẽ phải mang đến những sản phẩm, dự án "sạch", có tính pháp lý rõ ràng,... để nhà đầu tư tiếp cận.

Bên cạnh đó, còn có sự tham gia các hiệp hội doanh nghiệp, lãnh sự và tham tán tại Việt Nam của nhiều quốc gia; đại diện các bộ, ban, ngành và các đơn vị liên quan, đại diện UBND các tỉnh thành; các ngân hàng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

VINA - M&A 2020 quy tụ nhiều doanh nhân và chuyên gia về kinh tế tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài. Diễn đàn này sẽ bàn thảo các vấn đề vốn và chuyển nhượng vốn, tình hình thị trường và cung - cầu trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, tập trung kết nối các tập đoàn, các quỹ đầu tư có nhu cầu đầu tư thực sự vào Việt Nam với các doanh nghiệp, tổ chức, dự án trong nước có nhu cầu gọi vốn, tìm đối tác liên doanh liên kết thông qua hoạt động góp vốn, mua bán sáp nhập (M&A).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Hoàng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.