|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Cò đất' làm giá bất động sản

09:13 | 24/03/2017
Chia sẻ
Nhiều chủ đầu tư “lách luật” bằng việc ký hợp đồng phân phối với sàn môi giới BĐS để các sàn này trực tiếp tung ra thị trường bằng việc ký hợp đồng giữ chỗ, đặt cọc hàng trăm triệu đồng với khách hàng và khách hàng cũng chưa biết khi nào mới ký hợp đồng chính thức với chủ đầu tư...

Đẩy giá tăng trên 30%

Một chuyên gia có thâm niên gần 20 năm theo đuổi thị trường BĐS Đà Nẵng ví von, thị trường BĐS của thành phố trong những tuần vừa qua như “cá gặp nước”. Theo phân tích của vị này, bởi dòng tiền nhàn rỗi của người dân “nằm im” trong két ngân hàng quá lâu. Khi thị trường có dấu hiệu ấm lên và phục hồi thì nhiều người đổ xô đổ tiền vào thị trường BĐS với mong muốn tìm kiếm nguồn lãi lớn hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Nắm bắt tâm lý này, giới đầu cơ hay nói nôm na là “cò đất” tung thủ thuật đẩy giá lên đến 30% so với giá trị thực của sản phẩm BĐS… Do đó, khả năng người mua vào sẽ tiềm ẩn rủi ro rất cao.

co dat lam gia bat dong san
Hàng trăm người chen lấn mua đất nền Nam Hòa Xuân tại sàn giao dịch Sunland

Thực tế cho thấy, sau một thời gian phục hồi, thị trường BĐS Đà Nẵng đang tiềm ẩn rủi ro mà nếu nhà đầu tư không sáng suốt thì có khả năng trả giá khi gặp những thông tin không chính thức của giới môi giới BĐS. Hơn tháng qua, thị trường BĐS Đà Nẵng như đang “bùng nổ” giao dịch, tất cả các phân khúc từ cao cấp đến bình dân đều được thổi lên từng ngày. Điều này, đẩy thị trường BĐS đứng trước nguy cơ “bong bóng”.

Hàng loạt dự án BĐS trên địa bàn “nóng” lên từng ngày, thậm chí từng giờ cả về số lượng giao dịch và giá cả. Khảo sát tại một số khu vực giá cả tăng chóng mặt nhưng vẫn được khách hàng lùng sục mua. Điển hình là khu đô thị Nam Hòa Xuân nếu như năm 2016, giá mỗi lô chỉ dao động từ 520 - 620 triệu đồng/lô (tùy vị trí) thì nay đã lên trên 1 tỷ đồng/lô.

Khu đô thị Nam cầu Nguyễn Tri Phương trước Tết Nguyên đán có giá 900 - 1 tỷ đồng/lô, thì nay lên đến 1,1 - 1,3 tỷ đồng/lô. Tương tự, tại khu đô thị Tây Bắc gần đường Nguyễn Tất Thành giá trước Tết chỉ dao động từ 700 - 800 triệu đồng/lô thì nay nhảy lên 1,1 - 1,2 tỷ đồng/lô đường 7m5; Khu đô thị Phước Lý giá cũng tăng lên 100 triệu đồng/lô so với năm 2016…

Đặc biệt, sốt nhất vẫn là phân khúc đất nền ven biển, nhiều vị trí đất đẹp ven biển giá đã tăng gấp đôi, gấp ba so với đầu năm 2016. Cụ thể, những lô đất nằm ven biển đường Trường Sa đoạn đường Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt, nếu đầu năm 2016 giá chỉ khoảng 60-80 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá lên đến 230 triệu đồng/m2; mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành năm 2016 chỉ dao động từ 12 - 22 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên gấp 3 lần, giá giao dịch hiện tại từ 30 - 50 triệu đồng/m2, thậm chí giá tăng từng ngày.

Bất chấp bán “lúa non”

Mặc dù, giá BĐS đang liên tục tăng cao nhưng vẫn được khách lùng sục mua. Đơn cử, như dự án Nam Hòa Xuân của Công ty BĐS Sunland vừa mở bán 4 đợt vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2017, với 450 nền có giá từ 750 triệu đồng/105m2, lập tức được nhà đầu tư và khách hàng chen lấn mua hết chỉ trong vòng 1 buổi sáng mở bán.

Tương tự, Đất Xanh Miền Trung mở bán dự án đất nền Aquamrine ngay bờ Đông sông Hàn với giá 2,2 tỷ đồng/nền cũng được khách hàng xuống tiền mua gần hết. Dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng (khu đô thị Đa Phước cũ) của chủ đầu tư Novaland - Bắc Nam 79 mở bán với giá từ 3,8 tỷ đồng/căn vẫn cháy hàng…

Một trong những nguyên nhân đang được các chủ đầu tư, giới đầu tư, đầu cơ mượn cớ để “thổi giá”, đó là sự kiện Lễ hội Pháo hoa Quốc tế 2017 (DIFC), Tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra tại Đà Nẵng. Cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng liên tục điều chỉnh và áp dụng khung giá đất mới cao sát với giá thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường BĐS nhảy múa…

Việc hàng loạt dự án vừa bung hàng đã hết, giá tăng liên tục xuất hiện tình trạng đầu cơ, tạo sóng, đẩy giá. Điều này, dấy lên lo ngại thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cao trong thời gian tới.

Rõ ràng từ đầu năm 2017 đến nay thị trường BĐS Đà Nẵng lên cơn sốt khủng, dự án nào mở bán cũng được khách hàng lùng sục mua. Chính vậy, nhiều chủ đầu tư dự án vội vàng “bán lúa non” ra thị trường khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, như phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án, có dự án đất thương mại dịch vụ đang làm thủ tục xin chuyển đổi sang đất ở lâu dài với mục đích phân lô bán nền.

Nhiều chủ đầu tư “lách luật” bằng việc ký hợp đồng phân phối với sàn môi giới BĐS để các sàn này trực tiếp tung ra thị trường bằng việc ký hợp đồng giữ chỗ, đặt cọc hàng trăm triệu đồng với khách hàng và khách hàng cũng chưa biết khi nào mới ký hợp đồng chính thức với chủ đầu tư... Đơn cử như dự án Sun river Nam Đà Nẵng cũng được Công ty Vùng Đất Sáng quảng cáo công khai nhận đặt chỗ trong khi hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh…

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án, các chủ sử dụng đất trên địa bàn thành phố không được phép tổ chức giao dịch chuyển quyền sử dụng BĐS cho người dân khi dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý về quy hoạch, đất đai. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên thận trọng trong mua bán, giao dịch chuyển quyền sử dụng các dự án BĐS này.

Chí Thiện – Thái Hòa