|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CMCN 4.0 có thể kéo GDP Việt Nam tăng thêm 8-18 tỷ USD/năm

21:01 | 18/07/2018
Chia sẻ
Dẫn kết quả nghiên cứu sơ bộ của Công ty tư vấn BCG về cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam trong cuộc CMCN lần thứ 4 tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam 2018 diễn ra ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, CMCN lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 8 đến 18 tỷ USD mỗi năm.
cmcn 40 co the keo gdp viet nam tang them 8 18 ty usdnam WB: Không cải cách lương, bảo hiểm, GDP Việt Nam có thể thâm hụt 1/3
cmcn 40 co the keo gdp viet nam tang them 8 18 ty usdnam
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Cơ hội thúc đẩy cải cách

Không chỉ nhìn về con số với tăng trưởng kinh tế, quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, CMCN 4.0 là động lực để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thúc đẩy các nỗ lực cải cách hiện nay mà Chính phủ đang thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia thụ động chờ đợi, thụ động tiếp nhận những thay đổi do CMCN 4.0 đem lại.

Theo Bộ trưởng, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người. CMCN 4.0 hình thành và phát triển thông qua quá trình tích hợp của hàng loạt các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc tạo ra bước phát triển nhảy vọt của nhân loại, xóa bỏ dần các giới hạn truyền thống về khan hiếm nguồn lực, làm thay đổi không gian kinh tế - xã hội theo hướng hòa trộn giữa không gian vật lý và không gian số.

Đáng lưu ý, CMCN 4.0 có sự khác biệt rất lớn so với các cuộc CMCN trước đây, nhất là về tư liệu sản xuất và lực lượng lao động. Tư liệu sản xuất chính sẽ chuyển từ chủ yếu là vật chất sang chủ yếu là phi vật chất, trong đó, hệ thống mô phỏng tích hợp các loại công nghệ, môi trường số, kết nối vạn vật và không gian mạng sẽ trở thành công cụ sản xuất chủ yếu. Dữ liệu, thông tin sẽ trở thành nguyên liệu có giá trị nhất, có sức mạnh nhất và có thể được sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian và thời gian. Lao động trí tuệ, lao động đa kỹ năng sẽ ngày càng trở thành lực lượng lao động chi phối. Trí tuệ nhân tạo, người máy sẽ thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực, làm cho năng lực và tiềm năng phát triển được mở rộng không giới hạn.

Với ý nghĩa như vậy, nhu cầu về tài chính sẽ giảm đáng kể, nhiều hoạt động hay công đoạn sản xuất có thể thực hiện với chi phí rất thấp, thậm chí bằng không. Chi phí cận biên trên một sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ có thể được giảm xuống hàng trăm, hoặc hàng nghìn lần. Quy trình sản xuất trở nên nhanh hơn, thông minh hơn, có thể được rút ngắn gấp nhiều lần so với trước đây. Đối với Việt Nam, đây chính là những điểm mạnh, lợi thế cần được phát huy để chúng ta có thể nhanh chóng bắt kịp, đi cùng và tiến tới vượt lên hàng đầu ở một số lĩnh vực với các công nghệ đặc trưng của thời đại 4.0.

Chủ động, tích cực đổi mới

Trên cơ sở những phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt các chương trình cải cách trên 04 yếu tố nền tảng và các trụ cột chuyển đổi. “Chúng ta không chỉ tiếp nhận, tận dụng cơ hội mà còn phải tạo ra cơ hội mới với tư duy và phương châm hành động là “bây giờ hoặc không bao giờ”. Vì cơ hội chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

4 yếu tố nền tảng thúc đẩy sự chủ động thực hiện cải cách phát triển được người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới đó là: Đột phá về thể chế; Phát triển và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, theo Bộ trưởng, đổi mới và phát triển hệ thống thể chế phù hợp là quan trọng và quyết định nhất, đúng như thông điệp đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở nhiều lần là “thể chế, thể chế và thể chế”.

“Hệ thống thể chế cho CMCN lần thứ 4 trước hết là thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; luôn hướng tới sự chấp nhận, thích nghi và khuyến khích thúc đẩy với những cái mới, những thay đổi liên tục, mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học và công nghệ; là hệ thống thể chế nuôi dưỡng, thu hút nhân tài, giải phóng năng lực cá nhân…”, Bộ trưởng nói.

Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, Bộ trưởng cho rằng, cần được quan tâm, đầu tư để có thể mở rộng, nâng cấp ít nhất là ngang bằng với mức độ tiên tiến của khu vực. Cơ sở dữ liệu quốc gia cần phải được nhanh chóng xây dựng và phát triển một cách thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế về lưu trữ, phân tích, kết nối, lưu chuyển, tiếp cận và khai thác sử dụng thông tin. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, đi đôi với chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp và thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại 4.0 theo hướng đào tạo kỹ năng đa ngành. Người lao động phải được trang bị nhiều loại kỹ năng đa dạng để thích ứng với môi trường thời đại 4.0 và dễ dàng dịch chuyển công việc phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong quá trình này, Bộ trưởng nhấn mạnh thông điệp: “Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi cam kết sẽ đi tiên phong, là đối tác tin cậy của tất cả các bên để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh CMCN 4.0”.

Xem thêm

Việt Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.