|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CII: Mảng BĐS có thể đem về 3.800 tỷ đồng doanh thu, mục tiêu dư nợ giảm một nửa hết năm nay

09:47 | 06/04/2022
Chia sẻ
Năm nay, các dự án BĐS và BOT dự kiến hoàn thành và đi vào khai thác sẽ lần lượt đóng góp 3.800 tỷ và ít nhất 1.500 tỷ đồng vào tổng doanh thu của CII, giúp tình hình tài chính của công ty cải thiện hơn.

Dự án cho thuê văn phòng tại địa chỉ 152 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM của CII. (Ảnh tư liệu: Minh Hằng).

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (Mã: CII) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, dự kiến  diễn ra vào ngày 25/3 tới tại TP HCM.

Mảng BĐS đóng góp 3.800 tỷ đồng vào doanh thu

Năm nay, CII đặt mục tiêu doanh thu hơn 8.010 tỷ đồng, tăng hơn 5.094 tỷ, tức và gấp 2,7 lần so với kết quả năm vừa qua. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ mục tiêu đạt gần 757 tỷ so với phần lỗ ròng là 341 tỷ đồng năm 2021. Nếu hoàn thành thì đây sẽ là lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ năm 2018.

Công ty dự kiến tổng doanh thu thu phí trong năm 2022 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng - 2.200 tỷ đồng (năm ngoái là 945 tỷ) bao gồm việc tăng giá vé thu phí cho các dự án theo lộ trình tăng giá trong hợp đồng BOT. Tuy nhiên, việc tăng giá vé trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chịu áp lực từ dịch COVID-19 nên có thể chậm hơn so với tiến độ đề ra.

Dự kiến tổng doanh thu từ mảng bất động sản đạt khoảng hơn 3.800 tỷ đồng (gấp 3 lần năm ngoái). Việc ghi nhận doanh thu phụ thuộc nhiều vào tiến độ nhận bàn giao của khách hàng, và do vậy vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do khách hàng phải thanh toán phần tiền còn lại theo tiến độ mới đủ điều kiện được nhận bàn giao.

Tổng dư nợ giảm về 6.000 tỷ đồng năm nay

CII khẳng định, nhu cầu góp thêm vốn chủ sở hữu vào các dự án đang triển khai sẽ không còn nhiều như giai đoạn trước, dẫn đến việc công ty sẽ có thặng dư nguồn vốn lớn, là cơ sở để công ty có thể hoàn trả gần như toàn bộ các khoản nợ tài chính tại công ty mẹ trong giai đoạn 2022-2023.

Cụ thể, trong năm 2022, CII dự kiến thanh toán nợ gốc và lãi vay lần lượt khoảng 2.330 tỷ đồng và 640 tỷ đồng. Trong đó, công ty dự kiến trả nợ trước hạn khoảng 1.000 tỷ đồng. Như vậy, đến cuối năm 2022, tổng số dư nợ dự kiến chỉ còn khoảng 6.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cuối năm 2021. Công ty ước tính đến năm 2023 sẽ thanh toán được phần lớn các khoản nợ của công ty CII mẹ.

Bên cạnh đó, công ty gia tăng vốn chủ (thông qua thoái vốn tại Năm Bảy Bảy và Saigon Water), cộng với tăng giá vé thu phí các BOT) và giảm nợ tài chính nói trên cũng là bước chuẩn bị cần thiết và quan trọng để CII có thể tham gia đầu tư vào các dự án mới với quy mô lớn, từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng, trong giai đoạn sau 2024.

Phát hành cp thưởng và chia ESOP

Tại Đại hội, CII sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 12% cho năm 2022, có thể bằng tiền mặt bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu.

Ngoài ra, công ty cũng trình phương án chia cổ phiếu thưởng cho hai năm 2019 và 2020 (chưa thực hiện xong trước đó) với tỷ lệ 14%, trong đó 2% cổ tức còn lại của năm 2019 và 12% cổ tức của năm 2020.

Công ty dự kiến sẽ phát hành 33,9 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:14, nâng vốn điều lệ từ 2.833 tỷ đồng lên 3.173 tỷ đồng. Cổ phiếu thưởng sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Trải qua 20 năm kể từ khi thành lập, các dự án trọng điểm đã bước vào giai đoạn trọng điểm và thu hồi vốn, CII dự kiến phát hành tối đa 5 triệu cổ phiếu ESOP cho ban lãnh đạo để ghi nhận sự đóng góp với giá 10.000 đồng/cp, bằng khoảng 1/3 thị giá của CII (chốt phiên 5/4 là 31.550 đồng/cp). Dự kiến ESOP sẽ phát hành trong năm 2023 hoặc theo quyết định của HĐQT. ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm.

 Danh sách ban lãnh đạo được nhận ESOP phát hành với giá 10.000 đồng/cp. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ của CII).

Minh Hằng