Chuyên gia: Triển vọng ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc vào câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu và BĐS
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng triển vọng trong tương lai của ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào câu chuyện Chính phủ đưa ra các quyết định tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu và bất động sản.
Nhìn chung, những khó khăn, tiêu cực của ngành ngân hàng đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Theo đó, P/B của nhiều ngân hàng đã về 1 lần, thậm chí 0,8 hoặc 0,7 mà trước đây là khoảng 2-3 lần. Đến thời điểm này, rất nhiều ngân hàng đã hồi phục khoảng 10-15% từ đáy.
Ông Ngọc cho biết có những ngân hàng không chịu ảnh hưởng từ bất động sản và trái phiếu thì hồi phục mạnh hơn nhiều như Sacombank, hoặc các ngân hàng có uy tín cao, tỷ lệ cổ phần Nhà nước lớn như VietinBank, BIDV và Vietcombank. Các ngân hàng TMCP tư nhân có mức hồi phục khoảng 10-15%, trong khi những ngân hàng không bị cuốn vào vòng xoáy của trái phiếu và bất động sản thì hồi phục từ 25-30%.
Cũng theo ông Ngọc, năm 2022 là một năm rất thách thức với ngành ngân hàng. Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh trong năm, ngành ngân hàng vẫn có sự ổn định so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại giảm rất nhiều bời vì điều này liên quan đến câu chuyện kỳ vọng, ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng của nhà đầu tư đối với ngành ngân hàng.
Những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán dẫn đến việc có một làn sóng rút vốn khỏi ngân hàng, ở đây là rút vốn trái phiếu. Rất nhiều ngân hàng cũng là một kênh phân phối trái phiếu. Ngân hàng hiện nay có tỷ lệ cho vay rất cao, tỷ lệ cho vay trên huy động gần như 100%. Với tỷ lệ cao như vậy cộng với việc có làn sóng rút vốn, như giai đoạn tháng 4, tháng 5 hay tháng 11, thanh khoản gặp khó khăn rất nhiều.
Bên cạnh đó, năm nay ngành bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể hoạt động bình thường, lợi nhuận sụt giảm. Trong khi dư nợ trái phiếu và dư nợ ngành bất động sản tại các ngân hàng rất lớn và do đó, bức tranh tương lai của ngành ngân hàng sẽ bị đánh giá kém hơn nhiều so với hai năm trước. Đó là lý do vì sao giá cổ phiếu giảm sâu.
Nói đến hành động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian gần đây, ông Ngọc cho biết nhà điều hành đã hỗ trợ thanh khoản kỳ hạn dài hơn, mở rộng danh mục giấy tờ có giá để tham gia giao dịch trên thị trường mở.
Và mới đây là những dấu hiệu cho thấy NHNN sẽ mua ngoại tệ trở lại, điều này giống như bơm tiền ra nền kinh tế và hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Chuyên gia cho rằng với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay, song song với việc mua ngoại tệ, NHNN có thể sẽ điều tiết bằng cách phát hành tín phiếu để việc bơm tiền ra không làm thay đổi một mục tiêu trung và dài hạn là duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.