|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: 'Nới room tín dụng lên 15%,16% hay 17% rất dễ nhưng sẽ dẫn đến bất ổn vĩ mô sau này'

14:29 | 29/08/2022
Chia sẻ
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng 14% là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp trong năm 2022 khi mà các nền kinh tế khác đang thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital,ông Đỗ Bảo Ngọc, nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock.vn và hiện là Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá mức tăng trưởng tín dụng 14%,cao hơn mức tăng 13,6% của năm trước, là mức tăng trưởng phù hợp trong năm nay khi mà các nền kinh tế khác đang thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Nhiều người kỳ vọng phải nới hơn mức 14% thì tôi thấy hơi quá đà. Bởi vì nới room tín dụng lên 15%,16% hay 17% rất dễ nhưng cũng dẫn đến những bất ổn vĩ mô sau này", chuyên gia nhận định

Theo ông Ngọc, vấn đề hiện nay là khi nào thì phân bổ nốt hạn mức tín dụng của năm nay cho 6 tháng cuối năm. "Dự kiến đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã ở đâu đó khoảng 10%. Còn 4% thì sắp tới sẽ phân bổ như nào phù hợp với năng lực tài chính của từng ngân hàng", ông Ngọc nói.

Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock.vn, ông Đỗ Bảo Ngọc. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Từ nguồn lực đó thì các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay ra nền kinh tế, khơi thông dòng vốn. Đây là những yếu tố tích cực, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong quý III và thời gian sắp tới. Đồng thời điều này cũng sẽ có tác động đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Cũng theo ông Ngọc, kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm so với nền tảng của thế giới là tích cực hơn. Những nỗ lực kiểm soát lạm phát và cung tiền để ngăn chặn lạm phát tiềm tàng trong tương lai hay những nỗ lực điều hành tỷ giá giúp cho Việt Nam cân đối vĩ mô tốt hơn. 

Trước đó, tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng nếu chờ đợi đến quý IV mới nới room thì hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội phục hồi.

NHNN cần lưu ý đến vấn đề này và theo chuyên gia nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên.

Lưu ý thêm rằng nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Phương Nga