|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia chỉ ra 3 điểm yếu ‘chí mạng’ của bitcoin khiến nó có thể bị thay thế

16:15 | 18/06/2021
Chia sẻ
Là đồng tiền mã hoá được giao dịch nhiều nhất trên thế giới song bitcoin vẫn có rất nhiều điểm yếu.

Bitcoin, đồng tiền mã hóa được biến đến nhiều nhất trên thế giới, có một số điểm yếu. Thực tế này khiến nhiều đồng tiền mã hóa khác đang được tạo ra trong vai trò lựa chọn thay thế, theo một giáo sư tại Đại học Cornell.

Chuyên gia chỉ rõ 3 điểm yếu ‘chí mạng’ của bitcoin khiến nó có thể bị thay thế - Ảnh 1.

Ảnh hưởng đến môi trường, không nặc danh như nhiều người nghĩ và không đáng tin cậy trong vai trò của một đồng tiền là những điểm yếu lớn của đồng bitcoin. (Ảnh: CNBC)

Bitcoin không có tính nặc danh như mọi người nghĩ và "đào" bitcoin để lại các tác động tiêu cực đến môi trường, giáo sư kinh tế Eswar Prasad chia sẻ. Bên cạnh đó,  bitcoin còn không làm tốt vai trò của một đồng tiền, ông nói với CNBC.

Một xu hướng thú vị mà ông Eswar Prasad nhận thấy là nhiều đồng tiền số khác đã ra đời kèm theo giải pháp cho các điểm yếu của bitcoin. Ông Eswar Prasad từng là người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tê (IMF) Trung Quốc.

1. Đào bitcoin ảnh hưởng đến môi trường

Đào bitcoin là một quá trình tiêu tốn cực kỳ nhiều năng lượng. Đây là quá trình để tạo ra các đồng tiền mới và đảm bảo hệ thống thanh toán bảo mật và được xác thực.

Theo đó, khi các giao dịch được xác nhận trên mạng blockchain của bitcoin, điện năng sẽ được tiêu thụ. Cùng với quá trình đào bitcoin, "điều này chắc chắn không tốt cho môi trường", ông Prasad chia sẻ.

Tháng trước, Elon Musk, CEO Tesla, nói rằng công ty xe điện của ông sẽ dừng chấp nhận bitcoin như một phương thức thanh toán vì những quan ngại liên quan đến môi trường. Quyết định này khiến bitcoin giảm giá đến 5% chỉ sau vài phút.

Hồi tuấn trước, Elon Musk lại chia sẻ thêm trên Twitter cá nhân rằng Tesla sẽ chấp nhận bitcoin nếu có thể xác nhận rằng "mỏ đào bitcoin đang dùng năng lượng sạch và hợp lý".

Các thợ đào tiền mã hoá sử dụng máy tính chuyên dụng giải các thuật toán phức tạp để đảm bảo một giao dịch tiền mã hoá được thực thi. Đổi lại, các mỏ đào nhận được một phần tiền mã hoá cho phần việc của mình.

Theo Cambridge Bitcoin Electricity Consumption Index, năng lượng cần để duy trì đồng bitcoin có thể lớn hơn cả những gì các quốc gia như Thuỵ Điển hay Phần Lan tiêu thụ.

Ngược lại, đồng Ethereum, đồng tiền số lớn thứ 2 trên thế giới, đang nghĩ ra một phương thức đào tiền mã hoá mới yêu cầu ít điện năng hơn, ông Prasad chỉ ra.

Được gọi là "bằng chứng cổ phần", Ethereum Foundation nói rằng quá trình đào đồng tiền này có thể dùng ít hơn 99,95% năng lượng so với trước đây.

"Đồng tiền này sẽ tốn ít năng lượng hơn và có thể mang lại nhiều lợi ích mà lẽ ra bitcoin phải mang lại. Bên cạnh đó, các giao dịch cũng sẽ rẻ và nhanh hơn", ông Prasad nói thêm. Dù vậy, Ethereum cũng chưa phải một giải pháp hoàn hảo, ông nhận định.

2. Không thực sự nặc danh

Đầu tháng này, cơ quan pháp luật Mỹ đã đòi lại được 2,3 triệu USD giá trị bitcoin được thanh toán cho một nhóm tội phạm số liên quan đến vụ tấn công Colonial Pipeline hồi tháng 5.

FBI cho biết đã xác định được ví tiền ảo mà hacker dùng để nhận thanh toán.

"Ý tưởng chính của bitcoin là mang đến tính nặc danh", ông Prasad nói. "Tuy nhiên nếu bạn dùng nhiều bitcoin, đặc biệt là dùng bitcoin để đổi lấy hàng hoá và dịch vụ thật, việc liên kết định danh số và định danh thực tế là hoàn toàn có thể."

Hiện tại, một số đồng tiền như Monero hay Zcash đang muốn giải quyết vấn đề này.

Theo ông Prasad, bitcoin ra đời với mong muốn trở thành một phương tiện trao đổi mà không cần đi qua các định chế như ngân hàng thương mại song vẫn chưa đạt đến mục đích của mình.

3. Chưa hoàn thành nhiệm vụ của một đồng tiền

Về lý thuyết, bitcoin cung cấp một phương tiện thanh toán nặc danh và hiệu quả nhưng "chưa hiệu quả theo cách này". Việc thanh toán bằng đồng bitcoin vẫn "chậm và rắc rối", trong khi đó thị trường lại có mức độ biến động quá cao, theo ông Prasad. Tháng trước, đồng bitcoin giảm giá tới 30% chỉ trong một ngày.

"Vì thế nếu bạn mang bitcoin đến nhà hàng, hôm nay, nó có thể chỉ đủ mua cà phê nhưng hôm sau, nó có thể mua được cả bữa ăn 5 sao. Vì thế, nó không phải một phương tiện trao đổi hiệu quả", ông nói.

Bitcoin đã trở thành một loại tài sản đầu cơ cho những người mong nó tăng giá trong tương lai. Họ không giữ bitcoin vì mong muốn thanh toán.

Nam Khánh