|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyển động ngầm trong ngân hàng trước mùa báo lãi quý 3

16:34 | 13/10/2016
Chia sẻ
Thay vì mục tiêu lợi nhuận, có ngân hàng đang đặt kế hoạch "lôi" toàn bộ lượng nợ xấu đã bán cho VAMC về để tự xử lý.

Không thể vung tay

Theo vị lãnh đạo trên, 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại ở một số thành viên. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng không phải là ảnh hưởng tiêu cực.

“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm chặt chẽ ở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi cũng muốn được nới thêm vì nguồn vốn đang dồi dào. Nhưng, 17% chỉ tiêu vẫn giữ nguyên, không thể linh hoạt lên 20-21% như những năm trước”, lãnh đạo trên cho biết.

Theo lý giải của người trong cuộc này, Ngân hàng Nhà nước làm chặt như vậy có nguyên do. Với giới hạn tăng trưởng đã định, các thành viên không thể vung tay mở rộng cho vay, lợi nhuận theo đó khó đẩy mạnh ngay. Nhưng ngược lại, trong giới hạn đó, ngân hàng càng buộc phải sử dụng vốn hiệu quả hơn, canh chất lượng tín dụng tốt hơn, tựu trung là cơ cấu lại khách hàng và địa chỉ tiếp vốn.

chuyen dong ngam trong ngan hang truoc mua bao lai quy 3

Tương tự, mặc dù không nhất quyết tăng mạnh hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản, hay ở những lĩnh vực có cảnh báo thời gian qua, nhưng NHNN sử dụng giới hạn chỉ tiêu tín dụng nói trên để lái các thành viên, nắn vốn theo các chủ đích an toàn hoặc khuyến khích khác.

Như trên, khi lượng bị khống chế, các ngân hàng sẽ tập trung hơn về chất để tăng hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện lợi nhuận. 9 tháng đầu năm nay, điểm được báo trước là sự gia tăng tín dụng bán lẻ, tiêu dùng trong cơ cấu dư nợ của các NHTM.

Thứ hai, có một chuyển động ngầm là sự dịch chuyển nhất định về nguồn vốn tại các NHTM lớn.

Một số lãnh đạo nhóm “Big 4” cho biết, 9 tháng đầu năm nay, họ đã bắt đầu sàng lọc chặt chẽ hơn tình trạng doanh nghiệp lớn vay tay trái gửi tay phải.

Thậm chí, trước tình trạng doanh nghiệp lớn và tốt vay của ngân hàng này lãi suất thấp đi gửi ngân hàng khác lãi suất cao để hưởng chênh lệch, cùng với sự sàng lọc dần nói trên, các thành viên có thể sẽ cùng hướng tới một “sàn” lãi suất cho vay.

Đây có thể là điểm đến cần thiết, sau khi có hiện tượng cạnh tranh và giảm lãi vay quá mức tại nhóm khách hàng này, dẫn đến rất hạn chế về lợi nhuận.

Và những cái tên…

Theo quy định, còn khoảng một tháng nữa mới đến hạn bắt buộc các NHTM công bố báo cáo tài chính quý 3. Nhưng lúc này, bước đầu có những cái tên được chú ý và chờ đợi.

Sau những khó khăn kéo dài, chờ đợi có khả năng chuyển biến vẫn đặt tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ở thời điểm này, mới chỉ có định hướng cơ bản: lợi nhuận các quý của Eximbank năm nay sẽ khác những năm trước, phản ánh luôn những rủi ro thay vì dồn vào trích lập cuối năm.

Ở cái tên khác, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) cũng sẽ được chú ý, như một tham khảo phản ánh về tác động tiêu cực từ sự cố thông tin đồn đoán vừa qua. Trước đó, tính đến 30/6/2016, lợi nhuận trước thuế của Maritime Bank đạt 151 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2015.

Xét ở sự cải thiện, một cái tên khác được thấy trước trong kỳ báo cáo lợi nhuận 9 tháng này là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Sau vài năm trước khó khăn, đặc biệt là mức giảm tới 21% lãi năm 2015, 9 tháng đầu năm nay LienVietPostBank có đà trở lại đáng chú ý với 865 tỷ lợi nhuận, và dự kiến cả năm có thể đạt trên 1.000 tỷ.

Còn ở tốp đầu, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vẫn đang hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch năm. Sau 9 tháng, ngân hàng dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận, theo con số tuyệt đối, đã đạt khoảng 6.400 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất.

Lãnh đạo VietinBank cho biết, trong quý 4, ngân hàng sẽ nỗ lực để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh doanh cả năm mà đại hội đồng cổ đông giao. Riêng về kế hoạch tăng vốn, VietinBank đang chuẩn bị báo cáo trình Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, trong đó có những giải pháp đột phá, gắn với thực tế triển khai và tình hình kinh doanh hiện nay.

Riêng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận năm nay sẽ vẫn là “ẩn số”. Vì chính sách trích lập dự phòng khá đặc biệt tác động trực tiếp tới lợi nhuận.

9 tháng đầu năm nay, ước tính lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank lên tới 10.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, với khoảng 4.500 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế tại đây còn khoảng 6.200 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, chính sách dồn trích lập nói trên sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong quý cuối năm, và dự kiến tổng lượng cả năm là 6.000 tỷ đồng. Theo đó, đây có thể là ngân hàng thương mại đầu tiên “lôi” lượng nợ xấu đã bán cho VAMC về hoàn toàn tự xử lý trong năm 2017.

Minh Đức