|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khác biệt quan điểm định giá, con tàu 104.000 tấn từ thời Vinashin vẫn chưa thể bàn giao

15:03 | 06/09/2019
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính, vướng mắc trong việc bàn giao hiện nay xuất phát từ khác biệt trong quan điểm thực hiện của PVN về “nhận bàn giao nguyên trạng” con tàu.

Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Công Thương và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước về việc chuẩn bị phiên họp thứ 8 Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương.

Trong đó, Bộ có nêu quan điểm về việc xử lý vướng mắc giữa Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Vinashin (SBIC) trong bàn giao nguyên trạng con tàu 104.000 tấn từ Vinashin sang SBIC.

Cụ thể, bộ Tài chính đã có hướng dẫn đầy đủ về bàn giao doanh nghiệp từ Vinashin (nay là SBIC) tại công văn số 319 và trả lời trực tiếp PVN tại công văn số 7050 (tiếp tục làm rõ nguyên tắc "bàn giao nguyên trạng" trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại thông báo số 165.

Theo Bộ Tài chính, việc bàn giao nguyên trạng con tàu từ SBIC sang PVN là bàn giao một dự án độc lập. Giá trị PVN phải thanh toán cho chủ đầu tư SBIC (SBIC giao lại Vinashines làm chủ đầu tư, sau đó Vinashines được bàn giao cho Vinalines) đối với con tàu được xác định trên cơ sở đây là bàn giao dự án đầu tư độc lập của chủ đầu tư (SBIC) sang PVN.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng phải kiểm toán độc lập tập hợp chi phí 448 tỉ đồng theo dõi tại SBIC làm cơ sở xác định chính xác số kinh phí này.

Trong khi đó, PVN cho rằng chỉ chấp nhận thanh toán 819 tỉ đồng theo số hạch toán về chi phí dở dang thực hiện con tàu tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Lý do là PVN tiếp nhận nguyên trạng Nhà máy đóng tàu Dung Quất, bao gồm vốn và tài sản hạch toán tại nhà máy này, trong đó có giá trị dở dang con tàu.

Trong khi đó, ngoài khoản tiền 819 tỉ đồng kể trên, SBIC yêu cầu PVN thanh toán tiếp 448 tỉ đồng.

Số tiền 448 tỉ đồng chính là các khoản chi phí lãi vay sẽ được vốn hóa vào vốn đầu tư dự án, phí bản quyền, chi phí thiết kế được chủ đầu tư theo dõi hạch toán nhưng chưa phân bổ trực tiếp vào dự án dở dang.

Bộ Tài chính cũng cho biết, ý kiến của PVN đến nay không có gì mới, xoay quanh bảo vệ quan điểm của PVN về "bàn giao nguyên trạng" con tàu chỉ giới hạn là chi phí xây dựng dở dang được hạch toán, theo dõi tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS).

Theo Bộ Tài chính, PVN không giải trình rõ, cơ sở nào để Tập đoàn bán lại con tàu sau khi tiếp nhận DQS từ SBIC trong khi thời điểm đó DQS chỉ là nhà thầu, không phải là chủ đầu tư, sở hữu con tàu.

Đồng thời đến nay, Bộ Tài chính không nhận được báo cáo của PVN về việc có hợp đồng mua bán con tàu 104.00 DWT giữa PVN với chủ đầu tư.

Đồng thời, đến nay, Bộ Tài chính cho biết không nhận được báo cáo của PVN về việc có hợp đồng mua bán con tàu 104.000 tấn giữa PVN với chủ đầu tư.

Trong văn bản này, Bộ Tài chính cho rằng, tồn tại giữa PVN và SBIC hiện nay phải giải quyết trước tiên là kiểm toán, xác định chi phí thực hiện hạch toán, theo dõi tại chủ đầu tư cho tới khi bàn giao con tàu từ SBIC về PVN.

"Đây là nhiệm vụ của PVN, SBIC đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo và Bộ Tài chính có ý kiến nhiều lần. Tuy nhiên PVN và SBIC vẫn không thực hiện", Bộ Tài chính nêu.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu của PVN và SBIC có trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.

TH