|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chủ tịch VietinBank nói gì về hai thách thức tăng vốn và nợ xấu?

09:23 | 26/05/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Lê Đức Thọ nhấn mạnh tăng vốn là một vấn đề hết sức quan trọng đối với ngân hàng trong thời điểm hiện tại. Ngân hàng đã trình phương án tăng vốn trước mắt từ lợi nhuận giữ lại năm 2017 - 2018 ước khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng.
Chủ tịch VietinBank nói gì về hai thách thức tăng vốn và nợ xấu? - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank (Ảnh: VietinBank).

Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ đã chia sẻ chi tiết hơn về kế hoạch tăng vốn của ngân hàng. 

Ông nhận định việc tăng vốn điều lệ là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình phát triển của VietinBank. Ngân hàng đã xây dựng phương án tăng vốn và đến thời điểm hiện tại đã được Chính phủ, NHNN, Bộ Tài Chính chấp thuận chủ trương và đang hoàn tất các thủ tục sửa đổi các Nghị định có liên quan đến việc tăng vốn cho các ngân hàng có vốn Nhà nước trên 50%.

Sau khi hoàn tất những thủ tục này thì VietinBank sẽ thực hiện được kế hoạch tăng vốn trước hết là tăng vốn tự có bằng nguồn lợi nhuận để lại của VietinBank năm 2017 - 2018 thông qua biện pháp là chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, ước tính mức tăng vốn khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng.

"Chúng tôi đang tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép được sử dụng lợi nhuận làm ra của năm 2019 để tăng vốn", ông nói.

Cập nhật về hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng mới nhất, ông cho biết tính theo Basel I hệ số CAR của VietinBank là 10% và theo Thông tư 41 (Basel II) là 8,6%, vẫn đạt mức qui định của NHNN.

Khi được hỏi thêm về các kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu trong thời gian tới, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết ngân hàng chưa tính đến phương án phát hành riêng lẻ do room đã đạt mức tới hạn và hiện tại cần tập trung đảm bảo cho cổ đông hiện hữu.

Tại VietinBank, giải pháp tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư không thực hiện được do tỉ lệ sở hữu nhà nước (64,45%) hiện đã dưới giới hạn tối thiểu qui định; giải pháp phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 cũng không thể tiếp tục thực hiện do đã phát hành hết hạn mức trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Do vậy, giải pháp khả thi duy nhất hiện nay là sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quĩ để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phần.

VietinBank sẽ làm gì để đối phó với nguy cơ bùng phát nợ xấu sau đại dịch COVID-19?

Nói về vấn đề nợ xấu và nguy cơ bùng phát nợ xấu vào cuối năm 2020 cũng như trong năm 2021, ông Thọ cho rằng những tác động của dịch bệnh làm cho nền kinh tế khó khăn và từ đó gia tăng nợ xấu của nền kinh tế và được phản ánh qua tỉ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng. 

Nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu của nền kinh tế có khả năng tăng như dự báo. Tuy nhiên, với những biện pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, rồi cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ với những trường hợp bị tác động bởi dịch bệnh, ông kì vọng rằng sẽ sớm kiểm soát được tình trạng nợ xấu để tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trong quí I, mặc dù cho vay khách hàng giảm nhưng số dư nợ xấu của ngân hàng lại tăng mạnh hơn 35%, đáng chú ý, dư nợ nhóm 3 của ngân hàng tăng đột biến.

Chủ tịch VietinBank nói gì về hai thách thức tăng vốn và nợ xấu? - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC quí I của VietinBank.

Lí giải về vấn đề này tại đại hội, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết nguyên nhân là nhiều khách hàng gặp khó khăn, khả năng tài chính sụt giảm và quá trình xử lí thu hồi các khoản nợ bị ảnh hưởng lớn.

Ông chỉ rõ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu nhập, lợi nhuận, dòng tiền của nhiều khách hàng bị ảnh hưởng, tuy nhiên có những khách hàng tốt gặp khó khăn  cũng có những khách hàng có nhiều vấn đề nội tại bị tác động. Do đó, không phải khách hàng nào cơ cấu lại nợ cũng được áp dụng theo Thông tư 01 để giữ nguyên nhóm nợ.

Cũng trong quí I, ngân hàng đã mua lại 3.100 tỉ đồng từ VAMC, lượng trái phiếu VAMC còn sở hữu là trên 9.000 tỉ trong đó đã trích lập trên 50%.

Diệp Bình