Chủ tịch TP.HCM yêu cầu bồi thường hợp lý khi giải tỏa nhà ven kênh
Chiều 18/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp nghe báo cáo sơ kết hơn 2 năm thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020.
Câu chuyện được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị là chuyện di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị hiện đại. Theo UBND quận 8, hiện quận có gần 10.000 căn nhà, với khoảng 32.000 nhân khẩu. Quận đã có phương án di dời toàn bộ các hộ dân thuộc diện này trên địa bàn hoặc ưu tiên di dời giải tỏa trước các nhà đã lụp xụp, không đảm bảo an toàn.
Nhà ven kênh Nước Đôi (quận 8) sắp tới sẽ được giải tỏa để chỉnh trang đô thị khu Nam Sài Gòn. Ảnh: Minh Thanh.
Còn ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4,cho biết quận còn 1.700 căn nhà ở ven kênh rạch.Theo ông Quân, khó khăn của quận 4 trong di dời, giải tỏa là quỹ nhà tái định cư không có.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở xây dựng TP.HCM cho biết hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, có gần 22.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch thuộc 61 dự án, được phân thành 3 nhóm thực hiện theo quy định của pháp luật. Chương trình di dời chủ yếu thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước, các khoản hỗ trợ tài chính, vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới.
Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phước Tuần.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh chỉnh trang đô thị có 3 nội dung là di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch để tổ chức cuộc sống người dân tốt hơn; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng xuống cấp, chỉnh trang nâng cấp khu dân cư hiện hữu; xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn TP.
Đối với việc tái định cư và bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện vận dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ hợp lý; tính toán đồng bộ việc bố trí tái định cư.
Một góc nhà ven kênh ở khu vực quận 8, TP.HCM. Ảnh: Hải An.
“Giải bài toán di dời nhà ven kênh, rạch phải làm cho khéo và không được vi phạm pháp luật. Vì trên 22.000 căn nhà phải di dời, có những căn nhà thiếu tính pháp lý nên phải khảo sát thật kỹ để có giải pháp hài hòa. Đặc biệt, giải tỏa rồi nhưng tái định cư rất quan trọng cho đời sống người dân", ông Phong chỉ đạo.
Cũng tại hội nghị, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã hoàn tất công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với 474 chung cư cũ (573 lô) xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn TP. Kết quả có 15 chung cư cấp D (7 chung cư hư hỏng nặng, 8 cấp độ nguy hiểm); 115 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B; 12 chung cư không cần kiểm định do đã và đang di dời hoặc cải tạo, chuyển mục đích sử dụng.