|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch quỹ KIM Việt Nam: Dòng vốn ngoại sẽ quay lại tích cực hơn trên TTCK Việt Nam

15:20 | 05/04/2023
Chia sẻ
Theo chia sẻ của ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý quỹ KIM Việt Nam, kể từ quý IV/2022 các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng trở lại và kéo dài đà mua ròng cho đến nay. Dòng tiền này cũng đã góp phần vào đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam sau một đợt suy giảm kéo dài.

Trong bối cảnh cục dự trữ liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp, khiến mức lãi suất tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay. Điều đó đã làm cho dòng vốn toàn cầu có sự xáo trộn khi chi phí tăng lên cao.

Nhưng tại Việt Nam, trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp mua ròng trong thời gian vừa qua. Nếu tính từ đầu năm cho đến nay thì khối ngoại đã mua ròng khoảng 7.300 tỷ đồng. Tuy nhiên việc Fed dự kiến sẽ còn tăng lãi suất từ nay đến cuối năm đã khiến cho giới đầu tư lo ngại về sự thu hẹp của dòng vốn toàn cầu trong thời gian tới.

Tại Talkshow “Phố Tài chính”, Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý Quỹ KIM Việt Nam đã có những chia sẻ về ảnh hưởng của xu hướng tăng lãi suất đến dòng vốn toàn cầu, cũng như dòng vốn vào thị trường Việt Nam.

Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý quỹ KIM Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

BTV Mùi Khánh Ly: Các thị trường tài chính đang ở trong giai đoạn lãi suất tăng cao. Dù gần đây Fed có điều chỉnh mức tăng lãi suất nhưng vẫn đang trong xu hướng tăng từ nay cho đến cuối năm. Theo ông điều này đang làm ảnh hưởng như thế nào đến dòng vốn toàn cầu?

Ông Yun Hang Jin, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý Quỹ KIM Việt Nam: Cho đến nay, chưa thấy có dấu hiệu về việc dòng vốn toàn cầu dịch chuyển về Mỹ, nơi có lãi suất đang tăng tương đối nhanh. Nguyên nhân là bởi sau đại dịch, các dòng vốn được đẩy ra thị trường nhờ chính sách nới lỏng định lượng quy mô lớn.

Đây là các nguồn vốn đầu tư tập trung vào tốc độ tăng trưởng cao, không phải các dòng vốn dịch chuyển giữa các khu vực để theo đuổi lãi suất cao, ví dụ như các khoản đầu tư vào các cổ phiếu ngành công nghệ Mỹ.

Thêm vào đó, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, các dòng vốn đầu tư sử dụng đòn bẩy cùng với các khoản nợ thì sẽ tạo ra nguy cơ bong bóng và sự kiện SVB là một tiếng chuông cảnh báo. Lúc này việc giảm quy mô đòn bẩy xuống được lựa chọn hơn là việc dịch chuyển các dòng vốn.

Theo ông hiện nay dòng vốn đang dịch chuyển nhiều nhất sang khu vực nào?

Thứ nhất tùy thuộc vào thời điểm kết thúc việc tăng lãi suất của Mỹ, vốn đã kèo dài khoảng 1 năm qua. Trước đó ngay từ khi bắt đầu tăng lãi suất, các dòng vốn quy mô lớn trên toàn cầu đã bán trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn từ 10 năm trở lên và mua trái phiếu ngắn hạn từ 1 đến 2 năm.

Tuy nhiên nếu nhận thấy tín hiệu dừng tăng lãi suất thì dòng vốn đó sẽ quay lại, bán ra trái phiếu ngắn hạn và mua vào trái phiếu dài hạn. Và những thay đổi này sẽ không mấy liên quan đến thị trường Việt Nam.

Thứ hai, dự kiến việc cơ cấu lại các dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi và thị trường cận biên sẽ diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Sự thay đổi của các dòng vốn này sẽ tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là hơn 8% vào năm ngoái và Chính phủ Việt Nam cũng dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Cùng với đó thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt giảm đáng kể vào năm ngoái, P/E dự kiến sẽ ở quanh mức 10 lần. Đây là mức hấp dẫn nhất trong 10 năm qua kể từ năm 2012.

Dòng vốn vào thị trường Việt Nam thời gian qua có bị ảnh hưởng không?

Về dòng vốn vào Việt Nam, thứ nhất về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, chúng tôi nhìn nhận tích cực về khả năng thu hút nguồn vốn này tại Việt Nam, khi Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng của nhiều doanh nghiệp trong quá trình mở rộng chuỗi sản xuất. Chúng tôi hy vọng đại dịch qua đi giúp cho các hoạt động chuyển dịch và đa dạng hóa chuỗi cung ứng diễn ra với tốc độ nhanh hơn trong năm nay.

Còn về dòng vốn đầu tư gián tiếp FII trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từ tháng 8/2019 các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp bán ròng. Nhưng kể từ quý IV/2022 các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng trở lại và kéo dài đà mua ròng cho đến nay. Dòng tiền này cũng đã góp phần vào đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam sau một đợt suy giảm kéo dài. Ngoài ra nếu tính từ năm 2007 cho đến tháng 3/2023 giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài là 72.000 tỷ đồng.

Với những phân tích ở trên thì theo ông dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Việt Nam đang trở thành điểm đến tiềm năng của nhiều doanh nghiệp trong quá trình mở rộng chuỗi sản xuất sau đại dịch. Thêm vào đó đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến thăm Việt Nam vào năm ngoái nên kỳ vọng rằng dòng vốn FDI sẽ mở rộng trở lại từ năm nay, trong đó tập trung vào việc hồi phục dòng vốn đăng ký mới và dòng vốn M&A.

Đồng thời nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại tích cực hơn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó dòng vốn ngoại chảy ra khá nhanh trong 2 năm qua, tập trung vào các quỹ mở và quỹ ETF. Dòng vốn này có thể quay lại bất cứ lúc nào.

Chúng tôi cũng đánh giá rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại tương đối hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Nếu các chỉ số kinh tế vẫn ổn định, dự báo dòng vốn nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam.

Linh Chi