|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu than một dự án doanh nghiệp phải tiếp tới 5-6 đoàn thanh tra

15:14 | 30/03/2018
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện công tác thanh tra của ta còn chồng chéo dẫn đến thực trạng trong một quý, một doanh nghiệp có thể tiếp đến 5, 6 đoàn thanh tra của các Sở, ngành khác nhau về cùng một dự án.
chu tich hiep hoi nha thau mot doanh nghiep mot quy phai tiep den 5 6 doan thanh tra so nganh khac nhau Hà Nội yêu cầu kiểm soát chặt dân số tại các dự án đầu tư xây dựng

Tại Hội nghị lắng nghe khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản do Bộ Xây dựng và VCCI phối hợp tổ chức vào hôm nay (ngày 29/3), ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, đầu tư xây dựng hiện đang chiếm 11% tổng giá trị GDP của Việt Nam, vì vậy hoạt động này cần được đánh giá đúng mức tầm quan trọng.

chu tich hiep hoi nha thau mot doanh nghiep mot quy phai tiep den 5 6 doan thanh tra so nganh khac nhau
Nhà đầu tư nước ngoài thậm chí nói rằng họ như bị lạc vào mê hồn trận khi hoạt động xây dựng bị chi phối bởi hàng chục luật khác nhau. (Ảnh: Hiếu Quân)

Tuy nhiên, hiện việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng đang bị chi phối bởi quá nhiều bộ luật của các Bộ khác nhau. Riêng Bộ Xây dựng có 4 luật: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Luật Kinh doanh Bất động sản; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 luật khác: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công; Bộ Tài nguyên và Môi trường có hai Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường; Bộ Công an thì có quy định về Phòng cháy chữa cháy...

“Nhà đầu tư nước ngoài thậm chí nói rằng họ như bị lạc vào mê hồn trận khi hoạt động xây dựng bị chi phối bởi hàng chục luật khác nhau. Đặc biệt, cùng một vấn đề nhưng giữa luật này và luật kia có sự khác nhau hoặc mâu thuẫn, gây khó khăn cho người thực hiện. Chưa kể, dưới Luật còn vô vàn Nghị định, Thông tư có tính hiệu lực cao khiến hàng rào pháp lý trở nên rối rắm và các doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn”, ông Hiệp nhận định.

Về công tác thanh tra, kiểm tra trong đầu tư xây dựng, cần kiên quyết loại bỏ hình thức “phạt cho tồn tại” nếu chủ đầu tư xây dựng phá vỡ quy hoạch đã được duyệt.

“Hiện công tác thanh tra của ta còn chồng chéo dẫn đến thực trạng trong một quý, một doanh nghiệp có thể tiếp đến 5, 6 đoàn thanh tra của các Sở, ngành khác nhau về cùng một dự án. Chúng tôi đề nghị thành phố cần quy định lịch thanh tra theo nguyên tắc một lần/ một năm chứ không thanh tra tùy tiện”, ông Hiệp nói.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng cũng cho rằng cần xem xét lại cách tính giá đất để không đẩy giá bất động sản lên quá cao. Với cách tính hiện nay, giá đất nhà đầu tư phải nộp cao hơn giá đất nhà nước công bố từ 2 – 2,5 lần. Đây là nguyên nhân làm giá nhà tăng cao liên tục vì hệ số đơn giá đất liên tục tăng hàng năm, thậm chí theo quý.

Hiện hệ số tính giá đất (hệ số K) đang dao động trong khoảng từ 1,8 – 2,6. TP HCM vừa tăng hệ số này lên 0,1, điều này dẫn đến thực trạng là các dự án thực hiện trước thời điểm điều chỉnh hệ số K chỉ một quý thôi cũng sẽ có giá đất khác – đây chính là nơi có thể xuất hiện hiện tượng xin – cho... Theo ông Hiệp, cần có một khung giá đất ổn định để thị trường bớt leo thang theo từng thời điểm, giúp chủ đầu tư chủ động và tránh được cơ chế xin – cho.

Hay như sự việc xảy ra tại dự án Bright City (AZ Thăng Long) mới đây (chủ đầu tư đã bán 200 căn hộ nhưng sau lại tuyên bố không đủ vốn thực hiện dự án và xin thanh lý hợp đồng mua bán nhà) đòi hỏi phải minh bạch hơn mối quan hệ dân sự giữa chủ đầu tư và người mua nhà. Khi có dấu hiệu vi phạm cần xử lý nghiêm với không chỉ chủ đầu tư mà còn cả đối với người mua nhà nữa...

Từ phía doanh nghiệp tham dự Hội nghị, bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc (thuế) Công ty Ernst and Young Việt Nam góp ý về Điều 9 Thông tư 14/2016/TT-BXD Quy định và cách thức thông báo Văn phòng Điều hành: “Sau khi được cấp giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm lập Văn phòng Điều hành tại nơi có dự án; đăng ký địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail, dấu, tài khoản, mã số thuế của Văn phòng điều hành”.

“Thực tế có một số nhà thầu nước ngoài do tính chất nhận thầu chỉ bao gồm các dịch vụ liên quan như đào tạo, bảo hành, bảo trì dây truyền sản xuất... Với những nhà thầu này thì việc thành lập Văn phòng điều hành là không cần thiết nên chỉ cần yêu cầu lập Văn phòng này đối với một số hoạt động cụ thể hoặc theo nhu cầu của dự án”, bà Trang nhận định.

Còn đối với Công văn 132/BXD-KTXD ban hành hồi năm 2010 hướng dẫn: “Về tài khoản sử dụng để tạm ứng, thanh toán hợp đồng”, nhà thầu nước ngoài chỉ được tham gia hoạt động xây dựng ở Việt Nam sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cấp giấy phép thầu và phải đăng ký địa chỉ, phương tiện liên lạc, tài khoản giao dịch của Văn phòng điều hành công trình... Việc tạm ứng, thanh toán hợp đồng phải thực hiện qua tài khoản này.

Nhưng thực tế có nhiều hợp đồng có thời hạn ngắn, nhà thầu không đủ điều kiện trực tiếp thuê khai nộp thuế mà mà chủ đầu tư thực hiện khấu trừ thuế và nộp hộ. Ttrong trường hợp đó, việc mở tài khoản ở Việt Nam để nhận tiền thanh toán của chủ đầu tư là không cần thiết. Chủ đầu tư có thể khấu trừ nghĩa vụ thuế của nhà thầu trước khi thực hiện thanh toán vào tài khoản của nhà thầu ở nước ngoài. Phó tổng Giám đốc Công ty Ernst and Young Việt Nam kiến nghị việc mở tài khoản nên quy định theo hướng được phép mở nếu có yêu cầu.

Mở đầu Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, thời gian qua Bộ Xây dựng đã giảm được đến 75% số hồ sơ cần phải giải quyết ở Bộ. Bộ cũng đã thông qua nhiều luật và quy định mới như: Bỏ quy định bán nhà qua sàn giao dịch, cho người nước ngoài mua sở hữu nhà tại Việt Nam...

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn còn chưa xây dựng và hoàn thiện một số luật khác như: quy định về loại hình bất động sản condotel, quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, áp dụng đơn giá chưa phù hợp (nhất là công trình không sử dụng vốn Nhà nước)... Những thiếu sót, hạn chế này sẽ dần dần được Bộ bổ sung thông qua việc chỉnh sửa 4 Bộ Luật mà Bộ Xây dựng đang soạn thảo và chỉ đạo thực hiện là Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Luật Kinh doanh Bất động sản.

Hiếu Quân