|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Vị doanh nhân mê tạo giống lúa

21:18 | 20/02/2018
Chia sẻ
Từ một thương binh trở về từ chiến trường,làm công nhân chăn nuôi lợn, rồi tạp vụ đến người đứng đầu doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tiên ở Thái Bình, hiện đang cung ứng đến 20% lượng giống lúa cho cả nước.

Cuộc đời ông Trần Mạnh Báo góp thêm một minh chứng rằng, thành công nhất định sẽ đến với những ai có ý chí, có óc sáng tạo và dám nghĩ, dám làm…

Người khởi xướng những cuộc “lột xác”

Tôi biết đến ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) trong lần dự lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2016. Ấn tượng về một doanh nghiệp 5 lần tham gia đều đoạt giải khiến tôi tò mò tìm hiểu về người đứng đầu doanh nghiệp ấy.

Con đường đưa ông Báo trở thành một doanh nhân thật tình cờ. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, năm 1968, ông nhập ngũ, làm lính Sư đoàn 320 trên chiến trường Quảng Trị, rồi năm 1970 sang Campuchia làm lính Sư đoàn 1. Năm 1974, trở về quê hương mang theo nhiều vết thương chưa lành - với mức thương tật 2/4, ông Báo được nhận vào làm công nhân chăn nuôi lợn ở Trạm Truyền giống lợn Hưng Hà, rồi làm tạp vụ tại Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Cứ ngày làm, đêm học, cuối cùng ông tốt nghiệp cấp III, rồi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Sự nghiệp của ông cũng chuyển hướng từ đó.

Năm 1987, ông đảm nhiệm chức Trại phó Trại Giống lúa cấp 1 Đông Cơ thuộc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, trong tình trạng bế tắc, sản xuất kinh doanh không có đầu ra. Quan sát, tìm hiểu và suy tính, ông nhận thấy hai khâu chính cần đột phá trong mô hình sản xuất nông nghiệp quốc doanh chính là giống và quyền tự chủ trên mảnh ruộng.

chu tich hdqt thaibinh seed tran manh bao vi doanh nhan me tao giong lua
Ông Trần Mạnh Báo cùng cán bộ của công ty xuống đồng gặt cứu giống trước khi bão về. Ảnh chụp tháng 10/2017. Ảnh: BN

Nghĩ vậy, ông quyết tâm xây dựng phương án đổi mới quản lý trại giống lúa theo phương thức “khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động”, trước khi có Nghị quyết 10 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Bộ Chính trị. Lúc đầu ông gặp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều cán bộ chủ chốt trong Công ty. Song chỉ sau một năm làm thử, năng suất lúa trên diện tích của trại tăng 20%; người lao động từ chỗ hưởng 16 kg gạo/tháng đã tăng lên 40 kg/tháng.

Thành công này đưa trại giống Đông Cơ trở thành mô hình điểm trong thực hiện Nghị quyết 10. Đây cũng chính là cơ sở để Công ty Giống cây trồng Thái Bình chuyển mạnh từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh và được nhiều công ty, nông trường quốc doanh trong nước học theo.

Trong suy nghĩ của ông, đây có thể xem là lần “lột xác” đầu tiên của Công ty. Tiếp sau đó, khi ở cương vị Giám đốc, ông Báo lại mạnh dạn đề nghị Tỉnh ủy cho chuyển Công ty sang cơ chế cổ phần hóa. Năm 2004, sau khi được tỉnh đồng ý, Công ty hoàn thành công cuộc cổ phần hóa chỉ trong 3 tháng chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình và ông Trần Mạnh Báo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Cũng từ đó, ThaiBinh Seed liên tục tăng trưởng, được Vietnam Report xếp hạng một trong 500 doanh nghiệp trong nước có tốc độ phát triển nhanh nhất, cổ tức trong năm đều đạt 100% đến 300% vốn điều lệ.

Tầm nhìn khoa học và công nghệ

Ông Báo cho rằng, để doanh nghiệp phát triển bền vững và đi vào chiều sâu, phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ. ThaiBinh Seed là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Trung tâm này được ông Báo quyết định thành lập ngay sau khi nhận chức giám đốc, có quy mô rộng hơn 172 ha, mỗi năm được Công ty đầu tư khoảng 10-15 tỉ đồng để nghiên cứu, khảo nghiệm hàng nghìn giống lúa các loại.

Công ty còn sở hữu một phòng thử nghiệm được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận Phòng thử nghiệm Quốc gia, đủ điều kiện và khả năng thực hiện các phép thử theo yêu cầu của ISO/IEC 17025:2005, xác định hạt khác giống, kiểm định độ thuần đồng ruộng…

Công ty cũng áp dụng các hệ thống như ISO hay TQM để quản lý chất lượng của tất cả các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và dịch vụ.

chu tich hdqt thaibinh seed tran manh bao vi doanh nhan me tao giong lua
Ông Trần Mạnh Báo kiểm tra sự phát triển của giống ngô mới đang được nghiên cứu, chọn tạo. Ảnh: BN

Năm 2012, Công ty trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tiên được công nhận ở tỉnh Thái Bình. “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phải đi liền với sản xuất và chế biến, bảo quản, phát triển thị trường… chứ không phải là những bộ phận rời rạc” – ông Báo bày tỏ quan điểm.

Ông cũng chủ trương đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu cả trong nước và nước ngoài để chuyển giao công nghệ mới, giống mới, tạo ra bộ sản phẩm phù hợp với thị trường. “Chúng tôi đang thực hiện 17 dự án và đề tài nghiên cứu khoa học với tổng kinh phí 81 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án hợp tác với viện đầu ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công nghệ chọn tạo giống bằng công nghệ chỉ thị phân tử và chỉnh sửa hệ hệ gene để cải tiến những giống có trong cơ cấu giống quốc gia nhưng còn khiếm khuyết.”

Đặc biệt, chỉ một năm sau khi làm Tổng giám đốc, ông đã quyết định đưa Công ty gia nhập Hiệp hội giống Châu Á Thái Bình Dương. “Thời điểm đó mới có ít công ty tham gia hiệp hội này. Qua Hiệp hội, chúng tôi biết được thị trường giống phát triển thế nào, công nghệ hạt giống ra sao, trao đổi cải tạo nguồn gene để có nguồn vật liệu cho tốt giống lúa” – ông Báo cho biết.

Đồng tác giả của những giống lúa thuần hàng đầu miền Bắc

Nói về ông Báo, TS Hà Quang Dũng Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) không tiếc lời ca ngợi.

TS Dũng nhận xét, nếu theo dõi quá trình phát triển của ThaiBinh Seed sẽ thấy ông Báo không chỉ sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo công việc, nắm bắt thị trường nhanh mà còn rất say mê nghiên cứu, chọn tạo giống lúa và là một trong những người có đóng góp lớn trong việc phát triển các giống lúa thuần mới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Chỉ khoảng 10 năm gần đây, trong số các giống lúa mà ThaiBinh Seed chọn tạo, đã có 7 giống lúa do ông Báo là tác giả được khảo nghiệm và công nhận là giống quốc gia.

“Trong số các giống lúa thuần do chính ông Báo và ThaiBinh Seedchọn tạo thành công như TBR225, TBR 1, TBR45, TBR36, TBR279, Đông A1, BC15, thì BC15 đang đứng thứ 2 trong danh sách 10 giống lúa thuần chiếm tỷ trọng lớn ở miền Bắc. Các giống lúa thuần của ThaiBinh Seed bao gồm cả giống chất lượng; giống năng suất cao và chất lượng khá; và giống chống chịu tốt,” – TS Dũng cho biết.

chu tich hdqt thaibinh seed tran manh bao vi doanh nhan me tao giong lua
Phòng thử nghiệm quốc gia mã số Vilas 110 thuộc Thaibinh Seed. Ảnh: BN

Theo TS Dũng, giống lúa thuần đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con nông dân, do giá thành chỉ rẻ bằng ¼ so với lúa lai, trong khi chất lượng gạo lại ngon, có giá bán cao hơn so với lúa lai. Hơn nữa việc chủ động giống, không phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, giúp tiết kiệm một khoản ngoại tệ lớn cho đất nước.

“Giống thuần hiện có vị trí lớn trong sản xuất lúa của Việt Nam, chiếm khoảng 90%. Chính vì thế đóng góp của ThaiBinh Seed và ông Trần Mạnh Báo là rất lớn khi tạo được bộ giống lúa thuần cho chất lượng, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chứng tỏ ưu thế hơn hẳn lúa lai”. TS Dũng nhìn nhận, với việc đầu tư bài bản cho khoa học và định hướng tập trung phát triển các giống lúa thuần,ThaiBinh Seed có thể xem là đơn vị đứng đầu cả nước cả về số giống và chất lượng giống.

Đến nay, Thai Binh Seed cung cấp giống lúa cho hơn 60 điểm liên kết trong cả nước với tổng diện tích 6.500 - 7.000 ha/năm, sản lượng trung bình hơn 22.000 tấn/ha. Bản thân Công ty mỗi năm cũng tiêu thụ 20.000 - 22.000 tấn sản phẩm cho nông dân ở các điểm liên kết và hỗ trợ họ xây dựng các công trình hạ tầng. Nhiều hộ nông dân liên kết với Công ty sản xuất giống lúa có thể thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Trong lần đến thăm công ty vào ngày 7/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều lời khen ngợi tới ông Trần Mạnh Báo. Thủ tướng nói: “Tôi rất thích những con người lăn vào cuộc sống, làm thật và làm thành công ở các doanh nghiệp. Các anh phải làm tốt hơn nữa, phát triển hơn nữa, tạo ra nhiều giống mới hơn nữa để nâng cao thu nhập cho nông dân. Công ty phải mở rộng, nâng số lượng giống cung cấp lên trên 20%, thậm chí 40% lượng giống trên toàn quốc và hướng tới xuất khẩu giống”.

Đó cũng chính là điều tâm niệm của ông Báo, người luôn mong có ngày Việt Nam “hoàn toàn chủ động về giống, không chỉ lúa mà cả ngô, rau vì hiện nay ta đang phải nhập khẩu nhiều quá.”

Khi tôi hẹn gặp ông cũng đúng vào lúc cơn bão số 11 đang tiến vào Biển Đông và Thái Bình là địa phương chịu ảnh hưởng gây mưa kéo dài. Thay vì cuộc trao đổi tại bàn làm việc, tôi đã theo chân ông cùng với các cán bộ, người lao động của Công ty xuống đồng gặt để “cứu giống” trước khi bão về.

Nhìn cách ông xắn quần cùng đi gặt lúa với anh em, tôi phần nào hiểu được lý do vì sao một người có xuất phát điểm không thuận lợi như ông có thể dẫn dắt ThaiBinh Seed đến thành công như ngày hôm nay.

Bích Ngọc