Chủ tịch Dương Công Minh nói gì khi cổ phiếu Sacombank đạt đỉnh 2,5 năm?
Từ bỏ 'ghế nóng' Him Lam, ông Dương Công Minh chính thức toàn tâm cho Sacombank | |
Ông Dương Công Minh mua thành công 2 triệu cổ phiếu Sacombank |
Với quá trình xử lý nợ xấu đạt kế hoạch và vượt kỳ vọng của không ít nhà đầu tư, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB) đã có đà tăng giá mạnh trong những phiên gần đây.
Kết phiên 11/1, cổ phiếu STB đạt mức giá 16.250 đồng/cp, cao nhất 2,5 năm qua kể từ tháng 6/2015. Đà tăng mạnh mẽ từ giữa tháng 12/2017 đến nay.
Diễn biến cổ phiếu STB từ tháng 7/2015 đến nay. |
Ông Dương Công Minh. |
Dưới đây là những chia sẻ của ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank với chúng tôi về những chuyển biến giá cổ phiếu cũng như tình hình kinh doanh của Sacombank trong hiện tại và tương lai.
Những ngày vừa qua, cổ phiếu Sacombank tăng giá liên tục, khối lượng giao dịch hàng ngày tăng đột biến. Ông có nhận định gì về tình hình này?
Tôi rất vui mừng vì cổ phiếu Sacombank được đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm đang tái cấu trúc với nhiều thách thức và đang có một số thông tin bất lợi hiện nay.
Tôi cho rằng, ngoài đà tăng chung của thị trường thì việc tăng giá của cổ phiếu Sacombank thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với hoạt động và tiềm năng tăng trưởng tích cực của Sacombank, đối với Đề án tái cơ cấu mà chúng tôi đang nỗ lực thực hiện.
Giá của cổ phiếu là do thị trường quyết định chứ không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân nào. Chúng tôi chỉ tập trung quản trị - điều hành Sacombank sao cho đạt hiệu quả và minh bạch.
Dưới góc độ thận trọng thì cá nhân tôi cho rằng mức tăng hiện nay của cổ phiếu Sacombank là tương đối mạnh và hơi nhanh. Tuy nhiên nhìn vào cả thị trường thì đây đang là xu hướng chung và thông thường sau đợt tăng thị trường thường sẽ có những điều chỉnh. Đó cũng là quy luật chung của thị trường chứng khoán.
Khi giá cổ phiếu của một doanh nghiệp tăng quá nhanh, có ý kiến cho rằng sẽ gây sức ép cho doanh nghiệp trong điều hành kế hoạch. Ông có đồng tình không?
Bên cạnh nhà đầu tư chiến lược và lâu dài, cũng có những nhà đầu tư khi mua cổ phiếu sẽ kỳ vọng doanh nghiệp đó tăng trưởng tốt để chốt lời, ở đây được hiểu là kì vọng ở giá cổ phiếu thì sẽ tăng và cổ tức thì cao, ít nhất là cao hơn lãi suất mà họ thu được so với đem tiền gởi tiết kiệm ở ngân hàng.
Khi nhà đầu tư chấp nhận trả giá cao cho một cổ phiếu, không có nghĩa là hiện tại doanh nghiệp ăn nên làm ra nhưng có thể là do triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Chính điều đó cũng có thể tạo nên áp lực với doanh nghiệp trong việc đảm bảo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng sao cho phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư. Vì nếu anh không đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, họ sẽ rời bỏ anh và cổ phiếu sẽ giảm mất sức hấp dẫn trên thị trường. Sau này việc phát hành tăng vốn sẽ khó khăn và rõ ràng hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
Ông có thể chia sẻ một số kết quả hoạt động năm 2017 của Sacombank, đặc biệt là về tình hình xử lý nợ xấu?
Kết thúc năm 2017 – năm đầu tiên hoạt động theo Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Sacombank đã đạt được những kết quả khả quan dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 368.600 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 325.200 tỷ đồng, tăng 11,5%; dư nợ tín dụng gần 225.600 tỷ đồng, tăng 12,5%. Tỷ suất sinh lời của Ngân hàng dần được cải thiện với tổng thu nhập đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng.
Thu dịch vụ năm 2017 của Sacombank tăng trưởng rất tốt, đạt 2.624 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 27,5% so với năm trước. Đặc biệt, chúng tôi đã dồn sức để xử lý nợ xấu, kết quả chúng tôi đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng.
Một số định hướng của Sacombank trong năm 2018 là gì thưa ông?
Quan trọng nhất là chúng tôi phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo Đề án, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản.
Mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, tăng doanh thu từ mảng dịch vụ để đóng góp tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường sức cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt hóa, kết hợp với chiến lược tối ưu hóa chi phí và mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết, kể cả hợp tác, liên kết với các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác trong và ngoài nước.
Quan điểm quản trị ngân hàng của tôi là phải minh bạch, từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel II; giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hoá cơ cấu cổ đông; tiết giảm chi phí hợp lý, gia tăng lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!