|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ sở hữu Wonderfarm dùng hết lợi nhuận chia cổ tức 24%

15:11 | 26/03/2024
Chia sẻ
Thực phẩm Quốc tế sẽ tiếp tục dùng toàn bộ lợi nhuận làm ra trong năm ngoái khoảng 209 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, CTCP Thực phẩm Quốc tế (Mã: IFS) sẽ công bố kế hoạch dùng gần như toàn bộ 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phối tính đến cuối năm 2023 để trả cổ tức tiền mặt. 

Cụ thể, HĐQT đề xuất mức chia cổ tức là 24% (tương ứng trả 2.400 đồng trên mỗi cổ phiếu), với tổng số tiền 209 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dự kiến sau khi trả cổ tức chỉ còn hơn 30 triệu đồng. 

Đây là năm thứ 2 liên tiếp công ty dùng hết lợi nhuận kiếm được để chia cổ tức. Năm 2022, Thực phẩm Quốc tế cũng mang toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (gần 156 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 17,8%, chỉ để lại gần 600 triệu đồng.

Phần lớn lượng cổ tức này sẽ chảy về túi của cổ đông nước ngoài - công ty mẹ Kirin Holdings Singapore Pte. Ltd khi đang nắm giữ gần 96% vốn điều lệ, tương ứng sẽ nhận về hơn 200 tỷ đồng.  

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Thực phẩm Quốc tế thành lập từ năm 1991, hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến nông sản và đồ uống. Công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ 2005 và đưa cổ phiếu niêm yết trên HOSE từ 2006, sau đó bị hủy niêm yết và giao dịch tại UPCoM từ 2016 đến nay. 

Doanh nghiệp từng có thời gian kinh doanh ổn định trước khi rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2008-2009 và sau đó 2011-2015 tiếp tục đánh mất thị phần với sự trỗi dậy của nhiều thương hiệu bánh kẹo và nước giải khát nước ngoài.  

Bước ngoặc đến với doanh nghiệp khi tập đoàn Kirin tham gia tái cấu trúc và tăng nắm giữ lên gần 96% vốn, hoạt động kinh doanh bắt đầu có lãi liên tục từ năm 2016 đến nay, tiến tới xóa lỗ lũy kế để có thể chia cổ tức trong 3 năm trở lại đây. 

Như năm 2023,  Thực phẩm Quốc tế ghi nhận doanh thu tăng tiếp 9% lên 1.868 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử. Lợi nhuận sau thuế cũng hồi phục 34% lên 209 tỷ đồng, cao thứ 2 trong lịch sử và vượt 87% kế hoạch năm. 

Bước sang năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu tăng thêm 7% lên mức cao kỷ lục 1.993 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận lại được đưa ra ở mức thận trọng 192 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2023.

Lãnh đạo công ty nói đặt mục tiêu ở mức tăng trưởng cao hơn thị trường và ưu tiên tăng doanh số bán hàng cho các thương hiệu trà Bí Đao, Ice+, Latte và iMUSE. Tuy nhiên, chi phí đầu vào và chi phí nhân sự dự kiến cũng tăng mạnh.  

Đại hội sắp tới cũng sẽ lấy ý kiến về công tác nhân sự, cổ đông sẽ được bỏ phiếu về việc miễn nhiệm vị trí thành viên Ban Kiểm Soát (BKS) nhiệm kỳ 2021-2025 của ông Takashi Kobayashi; đồng thời bổ nhiệm thành viên BKS thay thế là ông Akihiro Kurosawa. 

 

Huy Lê

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.